Trầm lặng phim hoạt hình Việt

Không khó để nhận thấy, khoảng cách chênh lệch về phim hoạt hình của nước ta với thế giới vẫn còn quá lớn. Chúng ta vẫn đang khát những tác phẩm hay và để làm được điều này thì còn phải vá nhiều lỗ hổng và đầu tư về trang thiết bị, vật chất...

Một trong những nguyên nhân khiến phim hoạt hình Việt yếu kém là do cách nhìn về phim hoạt hình ở ta đã lỗi thời. Chúng ta quan niệm, phim hoạt hình chỉ dành cho thiếu nhi, trong khi đó nước ngoài họ làm phim hoạt hình cho cả người lớn xem. Bên cạnh đó, đầu ra trên kênh truyền hình quốc gia cho phim hoạt hình vẫn hạn chế, còn việc phát hành phim tại các rạp chiếu với mục đích thương mại thì chưa từng được nghĩ tới. Những năm gần đây, phim hoạt hình Việt Nam chỉ có một vài bộ phim được biết đến. Điển hình là phim “Con rồng cháu Tiên”, “Truyền thuyết gươm thần”, “Cuộc phiêu lưu của trứng, chanh và ớt”, “Dưới bóng cây”... nhưng chỉ được chiếu trên trên kênh giải trí trực tuyến youtube, thu hút cả chục triệu lượt xem. Đây là một số bộ phim hoạt hình Việt Nam được chú ý và đạt số lượng người xem lớn đến như vậy nhưng không phải là chiếu rạp như các nước khác.

“Con Rồng cháu Tiên” là một trong rất ít phim hoạt hình Việt gần đây có chất lượng tốt

“Con Rồng cháu Tiên” là một trong rất ít phim hoạt hình Việt gần đây có chất lượng tốt

Nếu như ở ngoài rạp, phim hoạt hình của các hãng điện ảnh quốc tế của hãng Hollywood luôn nhận được sự hâm mộ của khán giả, thì trên truyền hình, khán giả nhí nước ta cũng no nê trước những bộ phim hoạt hình vui nhộn của Cartoon Networks, Disney Channel… Và phim hoạt hình Việt hầu như chẳng có đất để thể hiện. Đây là một nghịch lý “biết rồi nói mãi” trong nhiều năm qua về phim hoạt hình Việt Nam chứ chẳng phải bây giờ. “Hiện nay có quá nhiều các phương tiện và các kênh dành cho thiếu nhi. Các bạn ấy có thể chọn trong vô số các kênh truyền hình, không kể đến youtube, mạng xã hội. Vậy là có nhiều phim hoạt hình ý nghĩa của Việt Nam lại chưa đến được đúng với thiếu nhi” - bà Trần Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hãng phim hoạt hình Việt Nam cho biết.

Trên thực tế, thể loại phim hoạt hình vốn quen thuộc, được thiếu nhi và cả người lớn yêu thích, góp phần giáo dục cho trẻ em. Đây cũng là một thị phần hấp dẫn, có thể mang lại nguồn thu lớn. Người xưa từng nói, "muốn ăn quả thì phải trồng cây", muốn có những sản phẩm hoạt hình hay thì phải vun trồng và đào tạo tài năng, phải có "sự đầu tư ban đầu" ra tấm ra miếng. Để có phim hoạt hình công chiếu liên tục, theo nhiều chuyên gia, ít nhất phải có 10-15 nhóm làm phim, luân phiên nhau sản xuất. Thiếu nhân lực nên việc sản xuất phim hoạt hình ở ta bị hụt là chuyện tất yếu.

Một vấn đề nữa là kinh phí, một phim hoạt hình 10 phút lên tới hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, muốn cập nhật những thiết bị mới nhất, công nghệ 3D tiên tiến nhất, người đầu tư cần phải có tiền tỷ. Trong điều kiện tối thiểu nhất cũng phải mất khoảng 100 - 200 triệu đồng để hoàn thành một phim truyện hoạt hình 3D dài 5-7 phút. Do vậy, dù biết sân chơi này còn trống và béo bở, không nhà đầu tư nào dám mạo hiểm bỏ tiền tỷ để làm, bởi rủi ro rất lớn. Đấy là một lỗ hổng và nỗi buồn của phim hoạt hình Việt mà người làm nghề cũng như công chúng đã nhận diện từ được từ lâu.

Phim hoạt hình vốn dĩ dành cho khán giả nhỏ tuổi, nhưng có lẽ những người làm phim Việt vẫn chưa hiểu hết được thị hiếu của các em, mà cứ mang những nghĩ suy, tâm lý của người lớn phủ lên những bộ phim. Thêm nữa, sự thiếu đầu tư chất xám trong việc tạo hình nhân vật cũng gây nên sự nhàm chán. Những nhân vật cứ mờ nhạt, na ná nhau, nói những câu kiểu như người lớn, thiếu chất hồn nhiên, vô tư của trẻ em.

Trẻ em bây giờ dễ dàng tiếp xúc với nhiều sản phẩm công nghệ cao, nên các em sẽ không chấp nhận những bộ phim có nội dung dễ dãi, đơn giản. Hơn nữa, có một sự thật ai cũng thấy rõ ràng là phim hoạt hình Việt Nam không hấp dẫn bởi nội dung quá khô khan, nặng nề về răn dạy, triết lý những vấn đề xã hội lớn lao mà thiếu chất hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ, thiếu tính khoa trương, phi lý…của nghệ thuật hoạt hình.

Hiện nay, nhiều người quan tâm đến mảng phim hoạt hình Việt Nam đều cho rằng, phim hoạt hình của thế giới có những đổi mới kỳ diệu, đã đi quá xa, tại sao phim hoạt hình Việt Nam cứ lẹt đẹt, giậm chân tại chỗ? Nhiều nghệ sĩ đều có đúc kết: Kinh phí hạn hẹp, kịch bản chất lượng khan hiếm, truyền thông hạn chế, đội ngũ nhân lực chưa chuyên nghiệp... Nhà sản xuất phim Leo Đinh thừa nhận, để thực hiện phim hoạt hình dài hơi, mang ra rạp, cần một nguồn kinh phí rất lớn, buộc đơn vị phải tính toán đầu tư sao cho hợp lý. Ngoài ra, để có một đội ngũ nhân lực đồng đều, cũng cần một khoảng thời gian dài để xây dựng, đào tạo và phát triển.

Nhận định về “sức sống” của phim hoạt hình Việt Nam, NSND Hà Bắc - một đạo diễn phim hoạt hình nổi tiếng nước nhà cho rằng, chúng ta vẫn còn nhiều tồn tại. Hiện nay, phim hoạt hình của Hãng phim hoạt hình Việt Nam vẫn được đầu tư một cách nhỏ giọt, ra phim đều đều nhưng sự sáng tạo bị khống chế. Chính vì vậy sức phát triển bị hạn chế, những người được đào tạo không được tự do tìm những chân trời, ngôn ngữ mới. Những đơn vị muốn ăn xổi lấy kỹ thuật ngoại áp đặt vào câu chuyện của Việt Nam là được. Nhưng thực tế, họ đang làm một bộ phim mang ruột là Việt Nam nhưng nhái theo phong cách ngoại lai, không có tác phẩm mang hồn dân tộc.

Khôi Nguyên

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tram-lang-phim-hoat-hinh-viet-94513.html