Trăm năm chợ nổi thương hồ

Mặc dù không còn sầm uất và là nơi giao thương chính nhưng hiện nay, tại khu vực miền Tây Nam bộ vẫn còn hàng chục các khu chợ nổi với hàng trăm ghe thuyền buôn bán. Khác với chợ nổi Cái Răng ở TP Cần Thơ làm nơi du lịch, được quảng bá và có nhiều người biết tới, những chợ nổi ở Long Xuyên, Ngã Năm, Ngã Bảy, Cái Bè, Cà Mau… vẫn là một phần của đời sống thương hồ của nhiều người dân miền Tây Nam bộ.

Một góc chợ nổi Long Xuyên.

Một góc chợ nổi Long Xuyên.

Về chợ nổi ấy ngày cuối năm, người ta không chỉ thấy được không khí mua bán nhộn nhịp, những đặc sản miền sông nước mà như trôi ngược về quá khứ hàng trăm năm trước.

Về bến Ô Môi đi chợ nổi

Nằm cách cầu Vàm Cống chỉ khoảng hai cây số, chợ nổi Long Xuyên ở giữa lòng sông Hậu, luôn có hàng trăm ghe thuyền thương hồ tụ tập để buôn bán, chủ yếu là trái cây và nông sản. Điều đặc biệt hơn, do có nhiều ghe tàu neo đậu ở chợ dài ngày để chờ bán hàng (hoặc mua hàng) nên kéo theo các dịch vụ tiện ích khác như bán đồ ăn, tạp hóa, nhiên liệu… quanh chợ. Tất nhiên, tất cả các hoạt động ở chợ đều bằng ghe thuyền. Vì vậy, không khí trao đổi của chợ nổi Long Xuyên khá nhộn nhịp, đặc biệt vào buổi sáng. Theo những người lớn tuổi ở địa phương, chợ nổi Long Xuyên hiện nay không khác nhiều so với khoảng vài chục năm trước. Nghĩa là chợ vẫn lưu giữ gần như nguyên vẹn văn hóa mua bán thương hồ trên sông của các cư dân miệt vườn châu thổ với các cây bẹo đặc trưng của từng ghe.

Từ bến đò Ô Môi lâu đời nằm cạnh trung tâm quảng trường thành phố Long Xuyên, du khách có thể tới chợ tham quan một cách dễ dàng bằng việc thuê ghe thuyền của cư dân địa phương. Chợ nổi cách bến đò Ô Môi chừng một cây số đường thủy. Tại đây, các ghe thuyền ở khắp miệt đồng bằng châu thổ từ vùng Châu Đốc, Hồng Ngự, Tràm Chim xuôi xuống hay vùng Chợ Lách, Trà Cú, Càng Long, Tiểu Cần, Vị Thanh… ngược lên. Mỗi nơi có một đặc sản, một sản phẩm được vận chuyển bằng ghe tới chợ để trao đổi, mua bán. Ông Trần Văn Tèo, 61 tuổi, một chủ ghe chuyên bán thơm (dứa) cho biết gia đình ông ở bên thị trấn Tân Phước (huyện Tân Phước, Tiền Giang) nhưng thường xuyên đem thơm sang bên chợ Long Xuyên bán. “Hai vợ chồng tôi sống trên ghe đã hơn chục năm nay. Thường chạy ghe dọc theo kênh Tháp Mười để sang bên sông Tiền rồi ngược lên Vàm Nao và xuôi về Long Xuyên này. Một chuyến như vậy mình đi mất hơn một đêm. Mùa này thơm bán cũng nhanh lắm vì người ta mua làm mứt vụ tết. Mứt thơm chua chua ngọt ngọt ngon lắm. Rồi làm kẹo thơm nữa. Những khi đi ngược từ đây về Tân Phước, tôi cũng lấy xoài với ổi mang về đổ mối cho mấy vựa ven kênh”, ông Tèo chia sẻ. Theo ông Tèo, chiếc ghe gỗ của ông dài 22 mét, rộng bốn mét rưỡi có thêm khoang ở phía sau, vừa làm nơi ngủ nghỉ, nấu ăn. Thời gian cuối năm hàng bán nhanh thì khoảng 2-3 ngày là ông lại quay trở về Tân Phước lấy hàng tiếp. Còn những lúc bán chậm, vợ chồng ông neo ghe lại Long Xuyên cả tuần. Đời sông nước đâu cũng như đâu, neo ghe ở sông Hậu, sông Tiền hay kênh Tháp Mười… cũng không khác gì cả.

Nhưng không chỉ có vợ chồng ông Tèo, dọc theo bờ sông Hậu là hàng trăm ghe thuyền khác. Trong đó hầu hết là ghe chở dừa, xoài, gạo, bột cá… Những ghe này có thể neo đậu một vài ngày hay cả tuần, thậm chí cả tháng tùy theo mong muốn của chủ ghe. Điểm chung duy nhất của những ghe này là cây bẹo bằng tre (hoặc tràm) dài chừng 3 mét, ở đầu có buộc sản phẩm mà ghe đó có. Những bạn hàng di chuyển trên chợ nổi chỉ cần nhìn cây bẹo là biết sản phẩm. Nếu đã bán hết hàng, các ghe sẽ hạ cây bẹo xuống. Ngày nay, hầu hết các chủ ghe đều liên hệ với bạn hàng bằng điện thoại, mạng xã hội nhưng họ vẫn làm cây bẹo, vẫn treo sản phẩm của mình lên đó như một thói quen, một thứ văn hóa riêng miền sông nước vậy.

Ngoài ghe thuyền buôn bán thương hồ, vài năm trở lại đây chợ nổi Long Xuyên còn trở lên nhộn nhịp và đông đúc vì có hàng chục các nhà bè của cư dân từ Biển Hồ xuôi dòng Mekong trở về quê hương. Họ làm những căn nhà nổi ven sông để nuôi cá hay đánh bắt thủy sản cũng như làm thuê hay buôn bán lặt vặt ở chợ nổi và chợ nhà lồng Long Xuyên. Ở phía đối diện với chợ nổi, dọc theo bờ sông Hậu bên địa bàn huyện Chợ Mới (tỉnh Long An) cũng có rất nhiều nhà bè nuôi thủy sản như vậy, làm cho khu vực này đông đúc, nhộn nhịp hơn với mật độ ghe thuyền qua lại rất lớn.

Một ghe buôn bán ở chợ Ngã Năm.

Một ghe buôn bán ở chợ Ngã Năm.

Nhộn nhịp ngày cuối năm

Nhưng không chỉ có chợ nổi Long Xuyên, ngày nay ở dải đất miền Tây Nam bộ vẫn còn nhiều khu chợ nổi khác dù không quá nhộn nhịp. Đó là chợ nổi Cái Bè (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) chợ nổi Ngã Năm (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) hay chợ nổi Ngã Bảy (thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), chợ nổi Cà Mau (thành phố Cà Mau)… Một đặc điểm trung của các chợ nổi này là đều nằm ở trung tâm đô thị của địa phương và có một chợ ở trên cạn gắn liền với nó. Điều này giúp các chợ nổi dù không duy trì vị thế buôn bán tấp nập như trước nhưng vẫn tồn tại, là một nét văn hóa không thể thiếu gắn liền với địa phương đó. Thực tế, đây đều là các chợ nổi có tuổi đời hàng trăm năm gắn liền với lịch sử “mang gươm đi mở cõi” của cha ông ta thủa trước. Như chợ nổi Ngã Bảy (còn gọi chợ nổi Phụng Hiệp) nằm ở địa bàn thành phố Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang), nơi giao nhau của 7 nhánh sông, kênh là kênh Cái Côn, Mang Cá, Búng Tàu, Sóc Trăng, Xẻo Môn, Lái Hiếu và Xẻo Vong. Chợ được hình thành hơn 100 năm trước với dấu mốc thời gian là việc đào kênh Cái Côn (còn gọi là kênh Xáng-Cái Côn) hoàn thành năm 1915 qua khu vực này. Con kênh này sau đó tiếp tục được đào thêm để đi về Ngã Năm, Cà Mau với chiều dài hàng trăm cây số dọc theo tuyến đường bộ Quản Lộ-Phụng Hiệp. Ngày nay, chợ Ngã Bảy không còn quá đông đúc nhộn nhịp vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Những ghe thuyền tìm tới chợ Ngã Bảy hiện cũng chủ yếu để phục vụ cư dân địa phương bởi liền kề đó là khu chợ dân sinh đông đúc. Ngoài ra, do việc xây dựng bờ kè ven sông kênh để chống sạt lở, tạo cảnh quan đô thị cũng khiến cho lòng sông kênh bị thu hẹp đáng kể và gần như không thể cho ghe thuyền neo đậu ven bờ. Đó là nguyên nhân khiến các ghe thuyền của nông dân không tìm về chợ nổi Ngã Bảy nhiều như trước. Hầu hết các ghe chỉ tới ban đêm rồi tập kết hàng hóa lên ven bờ cho chợ dân sinh sau đó di chuyển đi, tránh cảnh ùn tắc.

Cách chợ Ngã Bảy chừng sáu chục cây số là chợ nổi Ngã Năm cũng nằm trên tuyến kênh Xáng chạy từ Ngã Bảy tới và 4 tuyến sông kênh khác giao nhau. Từng tạo thành mạng lưới giao thông đường thủy rộng lớn và quan trọng trong hàng trăm năm trước nhưng ngày nay, chợ nổi Ngã Năm không còn là nơi tụ tập đông đúc ghe thuyền như trước do các đường đê bao ven kênh ở đây được xây dựng kiên cố hóa (bê-tông) khiến cho ghe tàu lớn không thể neo đậu. Tuy nhiên ghe thuyền nhỏ ở các vùng lân cận vẫn tìm tới chợ Ngã Năm để bán hàng, nhất là thời gian lúc đêm về sáng. Những ghe này hầu hết tới chợ Ngã Năm sau đó bốc xếp hàng lên cho các phương tiện đường bộ để đem đi tiếp về Cần Thơ, Mỹ Tho hay TPHCM. Ngoài ra, xung quanh 5 nhánh kênh ở chợ Ngã Năm, người dân vẫn sử dụng ghe thuyền nhỏ để đi lại qua các nhánh sông kênh dù đã có thêm nhiều cầu bắc qua. Bởi sử dụng ghe thuyền vừa là thói quen, vừa tiện lợi hơn việc chạy xe gắn máy đi loanh quanh qua nhiều đường, cầu khác. Nhiều người dân, đặc biệt là người lớn tuổi vẫn có thói quen sử dụng ghe thuyền đi chợ hay làm các công việc hàng ngày thay vì xe gắn bởi có một số tiện ích nhất định. Và những người buôn bán nhỏ lẻ cũng thường xuyên sử dụng ghe vỏ lãi để bán thịt heo, bán đồ tạp hóa, đồ nhựa gia dụng, trái cây… cho những gia đình ven kênh hay nằm sâu trong đồng. Đó dường như là một nét văn hóa của những cư dân lâu đời nơi đây. Bà Trịnh Thị Bé, một tiểu thương có hơn 30 năm bán thịt heo bằng ghe nhỏ ở quanh chợ Ngã Năm bảo mỗi ngày ghe của bà đều chạy các nhánh ở chợ Ngã Năm bán thịt heo. So với thịt heo bán ở chợ thì thịt heo trên ghe bà bán giá rẻ hơn do không phải thuê sạp. Và khách hàng cũng không phải di chuyển nhiều nếu có nhu cầu mua.

Những ghe ở chợ Cà Mau.

Những ghe ở chợ Cà Mau.

Ở vùng chợ Ngã Năm cũng như nhiều nơi khác miền Tây Nam bộ, người dân vẫn xây dựng nhà với một mặt hướng ra phía sông, kênh (mặt sau). Vì vậy, việc mua bán sinh hoạt gắn với môi trường sông nước hầu như vẫn khá thuận tiện. Cũng như chợ Ngã Bảy, chợ nổi Ngã Năm hiện được quy hoạch định hướng để làm du lịch kèm với không gian sinh hoạt ẩm thực ban đêm. Việc quy hoạch giúp chợ nổi có thể được duy trì và không bị lãng quên cũng như tạo thêm nguồn thu nhập cho cư dân địa phương. Thời gian cuối năm, hoạt động trên các chợ nổi này cũng khá phong phú đông đúc.

Hình ảnh những cây bẹo của người buôn bán thương hồ trên chợ nổi (ảnh Đoàn Xá).

Hình ảnh những cây bẹo của người buôn bán thương hồ trên chợ nổi (ảnh Đoàn Xá).

Trong khi đó, dù không còn nhộn nhịp nhưng chợ nổi Cà Mau nằm trên ngã ba sông Gành Hào với sông Cà Mau ở trung tâm thành phố Cà Mau cũng được nhiều người tìm tới. Ngoài là nơi buôn bán của hàng trăm ghe thuyền ngày nay, chợ còn nổi tiếng với giai điệu mượt mà trong bài ca “Tình anh bán chiếu” của soạn giả Viễn Châu. Trước kia, đặc sản của chợ nổi Cà Mau chính là những ghe bán chiếu rong (chiếu bông, nhiều màu sắc). Có một thời gian, các ghe chiếu ở những vùng Đầm Dơi, Thới Bình, Cái Nước… tới chợ nổi Cà Mau để neo đậu và bán chiếu cho những ghe khác. Các ghe này lại theo sông nước đưa chiếu Cà Mau đi ngược về Tắc Sậy, Nhà Mát, Cái Tắc, Kế Sách… để tạo thành thương hiệu. Ngày nay, chợ nổi Cà Mau không còn đặc sản chiếu rong nữa mà hầu hết các ghe tới đây đều bán nông sản trái cây, thủy sản. Từ các huyện U Minh, Ngọc Hiển, Năm Căn… các ghe cũng mang đặc sản địa phương tới chợ nổi Cà Mau để bán. Bên cạnh đó, dịch vụ đưa khách tham quan sông nước ở chợ nổi Cà Mau cũng vẫn có nhưng không còn nhộn nhịp. Tuy nhiên, trải nghiệm ngồi trên các ghe nhỏ của chính cư dân miệt sông nước nơi đây tham quan chợ nổi Cà Mau cũng có nhiều điều thú vị. Đặc biệt là từ các ghe này du khách có thể tới một số ngôi chùa, miếu lâu đời ở Cà Mau nằm gần đó mà không cần phải di chuyển bằng đường bộ.

Từng có hàng chục khu chợ nổi nổi tiếng và rất nhiều những chợ nổi nhỏ bé nằm ở nơi sông kênh giao nhau nhưng ngày nay, chợ nổi chỉ còn là nơi mưu sinh của một số ít người. Ngoài việc đường bộ đang thay đổi hàng ngày, những người dân thương hồ buôn bán và sinh sống trên ghe cũng không còn nhiều. Đa phần họ chỉ coi ghe thuyền là phương tiện giao thông vận tải thuần túy, thay vì là nơi cư ngụ sinh sống hay là chính cuộc đời mình như xưa nữa. Chính vì vậy, những ghe thuyền này sau khi buôn bán xong hàng hóa họ sẽ neo lại đâu đó để trở về nhà, thay vì neo đậu và sống đời trên sông nước như những thương hồ từ hàng trăm năm trước. Có lẽ đó chính là nguyên nhân khiến các chợ nổi ngày càng ít nhộn nhịp hơn ở miền Tây Nam bộ này.

ĐOÀN ĐẠI TRÍ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tram-nam-cho-noi-thuong-ho-10297125.html