Trăm năm giữ lửa nuôi nghề
Trăm năm đời người là hữu hạn, nhưng người tiếp người, nghề nối nghề thì đâu sợ chỉ có trăm năm. Nép mình bên dòng sông Đông Thành (thuộc xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), những truyền nhân nối tiếp nhau nuôi lấy nghề làm tàu hũ ky truyền thống, giữ bếp đỏ lửa là giữ lấy mạch nguồn trù phú trên đất chín rồng…
Dân dã như đất
Khi mặt trời nhô khỏi những rạng bần ven sông, những tia nắng đầu tiên đủ giòn là lúc ông Đinh Công Hoàng (74 tuổi) bắt đầu ngày mới bằng công việc phơi mẻ tàu hũ ky mới ra lò. Đó cũng là lúc 40 gia đình ven con sông Đông Thành bắt đầu một vòng sản xuất mới. Ngâm đậu, rút vỏ, xay nhuyễn, lên lò, hớt váng, phơi sào… quy trình làm ra miếng tàu hũ ky béo thơm cũng đơn giản, mộc mạc như đất và con người nơi đây. Bí quyết của nghề này nằm ở sự chịu khó, người thợ phải chịu được sức nóng của bếp than rực lửa, chân liền tay liên tục hớt váng đậu trong nhiều giờ. Một khi lò bắt đầu nhóm lửa là làm không ngơi tay cho đến lúc những giọt sữa đậu cuối cùng sánh thành váng, ngót nghét một ngày đêm để hoàn tất một mẻ đậu.
Ông Hoàng là bậc trưởng lão ở làng nghề, là truyền nhân đời thứ 3 nối nghiệp của ông rồi cha trao lại. Hộ của ông thuộc cơ sở lớn của “thủ phủ” Mỹ Hòa với 200 bếp đỏ lửa mỗi ngày. Ông kể, nghề này tuy đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được, nó cũng có những tiêu chuẩn, bí quyết riêng. “Lò tàu hũ ky phải có thợ giỏi mới khấm khá. Để xếp hạng thợ giỏi thì từ 100 ký đậu phải làm ra 36 ký thành phẩm, còn dưới mức đó là chưa giỏi. Đậu ngon hay không còn tùy vào độ lửa, nguyên liệu đầu vào, nắng…”, ông Hoàng chia sẻ.
Thành phẩm ngon hay dở phụ thuộc lớn vào tay nghề thợ chính nên ở đây thợ chính được thuê trọn gói theo mẻ, cứ bình quân 650.000 đồng/mẻ. Họ phải bắt đầu công việc từ chiều tối hôm trước đến chiều hôm sau để cho ra một mẻ tàu hũ ky. Anh Hai Sơn, một thợ nấu đã gắn bó với nghề này từ ngày trưởng thành, cái nghề giúp anh nuôi vợ con bao năm nay. Anh nói: Nghề làm tàu hũ ky không nặng nhọc nhưng phải chịu khó thức đêm và sức nóng của bếp lò luôn rực lửa. Nhưng với tui như vậy là may mắn, chỉ cần chăm chỉ thì mỗi tháng kiếm được chừng 10 triệu đồng sinh sống.
Những mẻ tàu hũ ky ra lò sẽ tỏa đi khắp các tỉnh miền Tây, cả TPHCM và các vùng lân cận. Đa số cơ sở sản xuất tàu hũ ky ở đây nhận đơn hàng từ khách sỉ để phân phối lại cho các chợ, rồi trở thành món ăn ngon cho thực khách. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa, cho biết: Làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa tròm trèm trên 100 năm tuổi. Đến nay 40 hộ dân đã liên kết thành Tổ hợp tác sản xuất tàu hũ ky, cùng nhau chia sẻ, thay đổi để giữ nghề truyền thống luôn phù hợp với thị hiếu người dùng. Làng nghề giúp hơn 100 lao động trong xóm có thu nhập ổn định.
Bền bỉ giữ nghề
Những ngày đầu tháng 4-2023, bà con vui mừng khi Sở VH-TT-DL tỉnh Vĩnh Long công bố Quyết định chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề làm tàu hũ ky xã Mỹ Hòa. Làng nghề được công nhận không chỉ có bề dày lịch sử mà còn có giá trị về kinh tế, mang dư vị vùng đất khó lẫn vào đâu.
“Nghề làm tàu hũ ky của nhà tôi được cha truyền con nối cũng hơn 70 năm nay. Hay tin nghề làm tàu hũ ky được công nhận di sản, bà con trong làng nghề đều hãnh diện. Hơn 70 năm, tuy có lúc thăng trầm, nhưng đến nay làng nghề vẫn đỏ lửa mỗi ngày, cung cấp thực phẩm sạch lành cho bao nhiêu người dùng. Sức sống của làng nghề không chỉ mang đến giá trị về kinh tế cho người dân địa phương, mà còn góp phần hình thành nên nét đặc trưng về văn hóa làng nghề”, ông Hoàng bộc bạch. Ở cái tuổi ngoài thất thập, ông quyết định truyền nghề lại cho 2 người con.
Từ trăm năm trước, món tàu hũ ky theo dấu chân của những người Hoa xuôi dạt xuống phương Nam, rồi chọn vùng đất này để an cư và nhóm bếp nuôi nghề. Trải qua trăm năm, có những đổi thay, nhưng cái ơn cái tình của nghề vẫn còn đó. Dù giá than củi, đậu nành, nguyên liệu đầu vào thứ nào cũng tăng, lợi nhuận giảm xuống nhưng bà con vẫn bám trụ với nghề. Lời ít một chút cũng phải giữ lò đỏ lửa, chỉ cần đủ tiền giữ thợ là còn giữ được nghề. Với nghề này, dù công nghệ có tân tiến đến đâu vẫn không đổi được sự khéo léo của bàn tay con người, máy móc chỉ giúp sức mấy công đoạn phụ.
“Trước làm sao, giờ vẫn vậy”, các hộ dân làng nghề tàu hũ ky xã Mỹ Hòa góp phần gìn giữ, phát huy và trao truyền cho thế hệ cháu con một nghề dân dã nhưng giá trị. Qua từng mốc thời gian, làng nghề đã khẳng định được thương hiệu Tàu hũ ky Mỹ Hòa khi được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể “Tàu hũ ky Mỹ Hòa - Bình Minh”. Từ ngôi làng nép mình bên dòng Cửu Long, thương hiệu của một làng nghề chậm rãi mà bền bỉ vươn xa.
Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, đi cùng tự hào là trọng trách phải quản lý, bảo tồn và phát huy tốt giá trị vốn có của di sản; tạo nguồn lực phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu văn hóa của địa phương.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tram-nam-giu-lua-nuoi-nghe-post687551.html