'Trăm năm nguồn cội' hút khán giả mộ điệu
Để có những đêm diễn thật sự là thánh đường, đội ngũ nghệ sĩ cải lương phải làm nghề tử tế
Chương trình "Trăm năm nguồn cội" diễn ra tại Nhà hát Bến Thành từ tối 7-7 đang là tâm điểm chú ý của giới chuyên môn và số đông khán giả mộ điệu sân khấu cải lương. Hướng đến xây dựng một sàn diễn nghiêm túc, không theo kiểu chắp vá, những người thực hiện chương trình hướng đến mục tiêu làm nghệ thuật tử tế.
Khán giả đón nhận
Khán giả của suất diễn đầu tiên dành nhiều tình cảm cho từng tiết mục và trích đoạn bằng những tràng pháo tay khi kết thúc. Bởi lâu lắm họ mới được xem một chương trình sân khấu bài trí nghiêm túc, các khâu của nghệ thuật hòa quyện nhau, hình thành nét độc đáo như ở chương trình "Trăm năm nguồn cội". Khung cảnh làng quê mộc mạc, nơi chở nặng những câu hát khơi gợi lòng ái quốc thiêng liêng, để qua nhịp song lang từ câu hát "Dạ cổ hoài lang" của Cao Văn Lầu đến "Tình ca" của Phạm Duy, âm nhạc như thay tiếng lòng của họ cất lên niềm hạnh ngộ. Đó là 2 tiết mục như nhịp cầu giao duyên, dẫn dắt người xem đi vào câu chuyện "Trăm năm nguồn cội", khẳng định sức sống vĩnh hằng khi người nghệ sĩ quyết sống chết với nghề, đem những tinh hoa chắt lọc từ nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử để làm nên bức tranh văn hóa trong ca diễn, thưởng thức cải lương tuyệt đẹp.
Dấu ấn đậm nét của chương trình là 2 trích đoạn: "Đời cô Lựu" (tác giả: Trần Hữu Trang) và "Xử án Thượng Dương" (kịch bản: "Câu thơ yên ngựa", tác giả: NSND Thanh Tòng). Đây là 2 trích đoạn rất quen thuộc, trở thành khuôn mẫu của nghệ thuật cải lương. Thế nhưng, nét mới trong ca diễn chính là sự thăng hoa cảm xúc của từng nghệ sĩ, hòa quyện cùng dàn cổ nhạc, để các nhân vật tỏa sáng mang lại sự xúc động cho người xem.
Lần đầu NSƯT Việt Anh diễn vai Hội đồng Thăng trong " Đời cô Lựu" - vai diễn để đời của NSND Diệp Lang, bên cạnh NSND Bạch Tuyết vai cô Lựu. Nỗ lực làm mới nhân vật đã là áp lực để NSƯT Việt Anh tạo được điểm nhấn thú vị cho trích đoạn này.
Trong trích đoạn "Xử án Thượng Dương", các hậu duệ của gia tộc Bầu Thắng - Minh Tơ gồm: NSƯT Quế Trân, NSƯT Tú Sương và nghệ sĩ Điền Trung (cháu rể) đã tạo được nhiều bất ngờ thú vị. Cả ba đã vận dụng khéo léo vũ đạo, kết hợp nhuần nhuyễn với âm nhạc cải lương tuồng cổ, mang lại sự tinh tế trong diễn xuất. Màn độc diễn của NSƯT Quế Trân là dấu ấn đẹp của trích đoạn này.
Khán giả trẻ mê đắm bởi họ nhận thấy ngọn lửa nghề và nét tài hoa trong từng câu hát, từng vai diễn. Từ đó đem lại cho nghệ sĩ niềm tin cứ làm nghệ thuật tử tế sẽ có người xem và giữ được người xem.
Nỗ lực làm mới cải lương
Đạo diễn trẻ Quang Thảo lần đầu lấn sân sang nghệ thuật cải lương khi thực hiện chương trình này. Anh đã có được sự yểm trợ đắc lực của NSND Bạch Tuyết, NSƯT Huỳnh Khải để từ đó mạnh dạn có nhiều chiêu thức làm mới bộ môn nghệ thuật độc đáo này.
Những nét chấm phá về chất mộc mạc của nghệ thuật cải lương được Quang Thảo sắp xếp hợp lý trong cách bố cục chương trình đã cho thấy những bộ môn nghệ thuật thời trang, mang tính thời thượng hiện nay không thể so sánh.
Ê-kíp thực hiện đã không làm mất đi những đặc trưng cơ bản, tố chất cần thiết làm nên vở diễn cải lương. Bốn yếu tố cần giữ và đã có trong "Trăm năm nguồn cội": kịch bản hay, âm nhạc chuẩn, diễn xuất tinh tế và không gian thưởng thức chuyên nghiệp.
Ngay cả khi bắt tay thực hiện, nhà sản xuất (Công ty Green Horizon) và tác giả - đạo diễn Quang Thảo chưa dám khẳng định sẽ đạt được 4 yếu tố này, vì sau nhiều khó khăn, việc tìm kiếm khán giả cải lương đang là một áp lực. "Để có những đêm diễn thật sự là thánh đường, đội ngũ nghệ sĩ cải lương phải làm nghề tử tế. Tôi nhận thấy được điều này khi tham gia chương trình "Trăm năm nguồn cội" - NSƯT Huỳnh Khải bày tỏ.
Trước đó, vở "Chuyện tình Khau Vai" của sân khấu mới Đại Việt và một số vở của các nhóm xã hội hóa: Chí Linh - Vân Hà, Vũ Luân, Bình Tinh… đã cho thấy sàn diễn cải lương cần phải được đầu tư nghiêm túc mới tạo sức lan tỏa thu hút khán giả tìm đến mua vé. Đến hôm nay, chương trình "Trăm năm nguồn cội" đã đạt được mong muốn đó. Hy vọng sau 10 suất diễn tại Nhà hát Bến Thành, chương trình góp phần cho nghệ thuật cải lương tạo thêm được sức lan tỏa, tìm lại khán giả của mình.
NSƯT Vũ Linh tâm sự: "Tôi nhận lời tham gia, dù chỉ ca bài vọng cổ nhưng thấy ấm lòng trước sự chăm chút trong ca diễn, trong bố cục chương trình của những người trẻ thực hiện. Cải lương 100 năm qua rồi, từ năm thứ 101 thì phải mới, phải khác".
Sàn diễn cải lương đang nóng lên từng ngày
Khao khát làm mới để tự nghiêm khắc với bản thân mình là điều mà chương trình "Trăm năm nguồn cội" hướng đến. Họ hoàn thành sứ mệnh truyền cảm hứng cho các chương trình sau. Sàn diễn cải lương đang nóng lên từng ngày, không chờ sống bằng sự kiện. Nhóm nghệ sĩ Huỳnh Long chuẩn bị diễn vở "Sở Vân", nhóm NSƯT Vũ Luân diễn vở "Giang sơn mỹ nhân", nhóm nghệ sĩ Gia Bảo diễn vở "Lan và Điệp"... Chính độ nóng đó tác động đến tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc của các nghệ sĩ yêu nghề đúng nghĩa. Họ bắt tay nhau, dẹp bỏ những quyền lợi cá nhân để làm cho sàn diễn cải lương có những đêm diễn thật sự là thánh đường.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/tram-nam-nguon-coi-hut-khan-gia-mo-dieu-20190707205534979.htm