Trăm nỗi lo khi bệnh nhân nghèo, không có giấy tờ, bảo hiểm y tế vào viện
Không giấy tờ tùy thân, không thẻ bảo hiểm y tế và không có điều kiện kinh tế là hoàn cảnh của nhiều bệnh nhi, thân nhân bệnh nhi khi vào viện chữa bệnh.
Điều đáng nói, hầu hết các ca bệnh đều nặng, “thập tử nhất sinh” nên chi phí chữa trị rất cao, từ vài chục đến hơn nửa tỷ đồng.
Những bệnh nhân 3 ‘không”
Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã thống kê những bệnh nhân nằm chữa trị nội trú nhưng không có thẻ bảo hiểm y tế, không có khả năng chi trả viện phí.
Theo đó, tính từ đầu năm đến hết tháng 11-2024, bệnh viện đã tiếp nhận 1.372 bệnh nhân với tổng chi phí điều trị lên đến gần 3,9 tỷ đồng. Riêng bệnh nhân sởi điều trị nội trú là 115 bệnh nhân với hơn 370 triệu đồng. Nguyên nhân chính là bệnh nhân không có thẻ BHYT, trong đó, trẻ dưới 6 tuổi thì thân nhân không có giấy tờ tùy thân; trẻ trên 6 tuổi không có thẻ BHYT do không đi học, hoàn cảnh gia đình khó khăn, hoặc đã từng tham gia BHYT nhưng hết hạn.
Điều đáng lo ngại là nhiều ca bệnh nhi nặng, không giấy tờ lẫn BHYT nên chi phí chữa trị rất cao.
Đang chăm con bị sởi biến chứng nặng tại khoa Hồi sức - tích cực - chống độc, chị Mai Thị Chiêm, ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom vừa lo tình trạng bệnh nặng của con, vừa lo khoản viện phí “khủng” so với hoàn cảnh kinh tế gia đình. 10 ngày trước, con trai chị Chiêm nhập viện do sởi và biến chứng vào gan, phổi. Bé phải thở máy, sử dụng kháng sinh liều cao nên chi phí chữa trị khá lớn, khoảng 50 triệu đồng (trong 1 tuần chữa trị). “Ngay đầu năm học, tôi đã đóng tiền mua BHYT cho con từ ngày 8-8-2024 nhưng không hiểu sao đến ngày 1-1-2025 thẻ mới có giá trị? Nhà trường chỉ nói thẻ chưa có hiệu lực sử dụng. Giờ con bị bệnh nặng vậy, tôi cũng không biết phải xoay sở thế nào?” - chị Chiêm khóc nói.
2 vợ chồng chị Chiêm làm công nhân và nuôi 2 con ăn học nên hoàn cảnh kinh tế khá eo hẹp. Suốt những ngày con trai nằm viện chữa sởi, gia đình chị Chiêm đã vay mượn nhưng chỉ đóng viện phí được 15 triệu đồng.
Trước đó, vào tháng 5-2024, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã tiếp nhận chữa trị cho em Tr.Đ.N.A. (sinh năm 2017, ngụ xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ). N. A. bị viêm phổi do vi khuẩn khác.
Sau gần 1 tháng điều trị, các bác sĩ mới thành công “giành giật” sự sống cho em. Tuy nhiên, tổng số viện phí của em lên đến gần 160 triệu đồng. Cũng vì bệnh nhi không có thẻ BHYT nên phải chi trả hoàn toàn viện phí. Mặc dù gia đình đã cố gắng tìm mọi nguồn vay mượn người thân, bạn bè nhưng chỉ được 65 triệu đồng đóng viện phí cho bé. Số tiền còn lại là nhờ sự hỗ trợ của các mạnh thường quân.
Điều dưỡng Vũ Thị Ơn, phòng Công tác xã hội (CTXH), Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tâm sự, mỗi khi các khoa báo có trường hợp bệnh nhi không giấy tờ tùy thân vào viện, phòng CTXH đều rất lo lắng. Lý do là nhiều trẻ cần hỗ trợ san sát nhau và không thể mới “xin” xong lại “xin” tiếp.
Chị Ơn chia sẻ: “Có thể, một ngày có đến 3 khoa đều báo bệnh nhân không có giấy tờ vào viện. Ngặt nỗi, viện phí của những bệnh nhân này lại rất cao. Do đó, chúng tôi cũng rất áp lực khi xin tiền của mạnh thường quân cho bệnh nhân. Nhưng cũng không thể bỏ rơi bệnh nhân được”.
Vừa lo chữa bệnh, vừa lo tiền viện phí cho bệnh nhi
“Viện phí là nỗi lo không chỉ của gia đình mà của cả y, bác sĩ trong khoa. Dù biết bệnh nhi nghèo, không có giấy tờ nhưng “cứu người là trên hết” nên khi bệnh nhi vào viện, chúng tôi tập trung cứu chữa, mọi chuyện khác đành tính sau. Nhưng quá nhiều bệnh nhi vào viện với tình cảnh 3 "không” cũng khiến chúng tôi áp lực rất nhiều vì hầu hết bệnh nhi vào khoa đều là bệnh nặng, chi phí điều trị rất cao, ít cũng vài chục triệu đồng, nhiều thì lên cả vài trăm triệu đồng” – bác sĩ Phạm Thị Kiều Trang, Phụ trách khoa Hồi sức – tích cực – chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chia sẻ.
Theo bác sĩ Trang, trong đợt dịch sởi năm nay, khoa đã có khoảng 5 bệnh nhi phải “cầu cứu” sự hỗ trợ của mạnh thường quân.
Nguyên nhân mà các bé không có giấy tờ, không BHYT rất nhiều nhưng có điểm chung là đều khó khăn, không có khả năng chi trả và viện phí lại rất cao. “Thực sự, chỉ cần các bé có BHYT sẽ hỗ trợ chi phí điều trị, người nhà đỡ lo và bác sĩ cũng an tâm hơn trong công việc. Bởi những bé bệnh nặng đồng nghĩa với phải dùng loại thuốc đắt tiền nên chi phí chữa trị rất lớn” - bác sĩ Trang bày tỏ.
Theo điều dưỡng Vũ Thị Ơn, phòng Công tác xã hội, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho hay, thời gian gần đây, tình trạng bệnh nhi nhập viện không giấy tờ tùy thân, không thẻ BHYT nhập viện khá đông. Trong đó, nhiều nhất là các bé ở các tỉnh miền Tây theo cha mẹ đến Đồng Nai lập nghiệp. “Họ ở trọ và dường như không quan tâm đến việc cần phải có thẻ BHYT. Khi con họ nhập viện chữa trị với số tiền lớn, lúc ấy, họ mới lo lắng về khoản tiền chi trả viện phí. Còn mình cũng mất ăn, mất ngủ vì lo đi "xin" tiền cho bệnh nhân” – điều dưỡng Ơn tâm sự.
Hơn 42 triệu đồng viện phí sau hơn 20 ngày nằm viện do viêm phổi nặng không rõ nguyên nhân, nhưng gia đình bé Ng.Ng.Nh. (ngụ phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa) không thể chi trả đồng nào. Cũng như nhiều bé khác, bé Nh. hay thân nhân của bé đều không có giấy tờ và không cả thẻ BHYT. Do vậy, tính mạng của bé đều nhờ bác sĩ, và cả khoản viện phí vài chục triệu đồng cũng nhờ Phòng công tác xã hội của bệnh viện kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ. “Cả đời tôi chưa từng nhìn thấy số tiền lớn như vậy. May mắn là bệnh viện nhờ các mạnh thường quân hỗ trợ” – mẹ bé N. chia sẻ.
Với các trường hợp này, nhân viên Phòng CTXH các bệnh viện rất muốn mua BHYT cho họ nhưng đành “bó tay” vì họ không có giấy tờ tùy thân hay thẻ căn cước công dân, số định danh.