Trạm sạc là điểm 'tử huyệt' để thị trường xe điện Việt bùng nổ

Khó khăn trong quy hoạch đất và chưa có quy định kỹ thuật giám sát các trạm sạc để quản lý hệ thống đấu nối với lưới điện quốc gia là những lo ngại của các nhà sản xuất, chuyên gia trong xây dựng trạm sạc xe điện.

Những người đi đầu

Xe điện là hướng đi phù hợp với xu thế chung của thời đại. Cùng với sự phát triển của xe điện, xây dựng trạm sạc là điều kiện không thể thiếu để loại hình phương tiện mới này được lưu thông rộng rãi.

Đi đầu trong phong trào xe điện, VinFast đã phát triển các sản phẩm xe thuần điện từ ô tô, xe máy, xe buýt song song với xây dựng hệ thống trạm sạc quy mô lớn với hơn 150.000 trụ sạc trên cả nước.

Hệ thống trạm sạc của VinFast hiện đã đạt mật độ khoảng 3,5 km/trạm, ở 80 thành phố trên cả nước. Ngày 18/3/2024, Công ty Phát triển Trạm sạc toàn cầu V-GREEN do nhà sáng lập VinFast thành lập với tỷ lệ sở hữu 90% cổ phần.

VinFast hiện có 150.000 trụ sạc trên cả nước

VinFast hiện có 150.000 trụ sạc trên cả nước

V-GREEN chịu trách nhiệm vận hành, quản lý hệ thống trạm sạc sẵn có của VinFast, đồng thời đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng trong vòng 2 năm tới để xây mới và nâng cấp hoàn thiện hệ thống.

VinFast đã bắt tay với Petrolimex và PVOIL đặt các trạm sạc pin điện tại các cửa hàng xăng dầu trên cả nước. Đến tháng 4/2024, PVOIL đã tận dụng mặt bằng của các cửa hàng xăng dầu hợp tác với VinFast lắp đặt trạm sạc xe điện tại hơn 322 cửa hàng xăng dầu trên cả nước.

Một “ông lớn” khác của ngành điện cũng vừa gia nhập cuộc đua xây dựng trạm sạc xe điện là Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power - thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam).

Với vai trò, trách nhiệm của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp điện, PV Power xác định việc đầu tư, xây dựng các trạm sạc cho xe điện sẽ mở ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp cũng như phù hợp với chiến lược phát triển của PV Power trong giai đoạn tới.

Mới đây, PV Power công bố bắt đầu xây dựng kế hoạch đầu tư lắp đặt mở rộng hệ thống trạm sạc nhằm mở rộng quy mô, hoạt động kinh doanh. PV Power đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác với EN Technologies Inc vào tháng 8/2024 để nghiên cứu và phát triển hệ thống trạm sạc tại Việt Nam.

Theo đó, PV Power có trách nhiệm tìm kiếm vị trí đặt trạm, cung cấp hạ tầng kỹ thuật kèm theo, gồm: nguồn cấp điện đầu vào, cung cấp toàn bộ trang thiết bị còn lại, gồm: tủ phân phối điện, tủ viễn thông, thiết bị phòng cháy chữa cháy, hệ thống camera giám sát, thi công xây dựng, lắp đặt, cải tạo mặt bằng và các chi phí khác như bảo hiểm, kiểm định, các thủ tục và giấy phép liên quan.

Trạm sạc xe điện thí điểm đầu tiên của PV Power sẽ đặt tại phố Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. Tổng chi phí đầu tư của dự án khoảng hơn 1,8 tỷ đồng. Trạm sạc nhanh có tổng công suất sử dụng 100-120kW. Diện tích đặt trạm khoảng 30-35 m2. Trạm sạc gồm 2 cây sạc dạng tủ đứng, có trang bị 2 cổng sạc với công suất 50-60 kW/cổng sạc.

Việc thi công xây dựng trạm sạc đảm bảo tuân thủ các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành về các biện pháp quản lý thi công, quản lý chất lượng, giám sát thi công, an toàn lao động, an toàn vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ.

PV Power ước tính doanh thu sạc điện tính trên sản lượng sạc và đơn giá sạc dự kiến chia 3 mức đơn giá theo các khung giờ thấp điểm, bình thường và cao điểm. Trong đó, đơn giá sạc trung bình dự kiến khoảng 3.858 đồng/kWh, tương đương với trạm sạc do VinFast vận hành và thấp hơn một số đơn vị bên thứ 3 khác.

Hình ảnh tại trạm sạc của PV Power

Hình ảnh tại trạm sạc của PV Power

Sau quá trình thử nghiệm, PV Power sẽ xem xét đánh giá tổng thể thiết bị trạm sạc từ kỹ thuật công nghệ, vận hành, an toàn, đánh giá sử dụng của khách hàng, hiệu quả trạm sạc để có những điều chỉnh cụ thể, phù hợp để mang lại hiệu quả cao cho dự án. Thông qua việc xây dựng trạm sạc thí điểm, PV Power sẽ có cơ sở để xây dựng kế hoạch đầu tư lắp đặt mở rộng hệ thống trạm sạc.

Một cái tên khác đến từ Trung Quốc là hãng xe điện BYD Việt Nam cũng đang khởi động cho kế hoạch xây dựng trạm sạc xe điện. BYD Việt Nam cho biết hãng không có chiến lược đầu tư trực tiếp vào trạm sạc, nhưng đối với hệ thống đại lý phân phối của thương hiệu, việc đầu tư trạm sạc là yêu cầu bắt buộc.

Mỗi đại lý tối thiểu có 2 trạm sạc nhanh, với công suất chủ yếu là 120 kW. Với công suất này, xe có thể sạc đầy trong khoảng 20 phút, đủ để di chuyển từ 400 đến 500 km. BYD Việt Nam đang nỗ lực làm việc với hơn 10 đối tác nhằm bao phủ hệ thống trạm sạc trên toàn Việt Nam.

Doanh nghiệp này trông chờ các chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư từ Chính phủ Việt Nam như ưu đãi thuế, hỗ trợ quỹ đất để đẩy mạnh đầu tư trạm sạc xe điện trong thời gian tới.

Còn đó những khó khăn…

Tại Hội thảo "Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi, một đích đến” ngày 29/8, các chuyên gia, nhà sản xuất đã nêu lên những khó khăn, kiến nghị trong xây dựng hạ tầng trạm sạc xe điện tại Việt Nam.

Ông Đào Công Quyết, Trưởng Tiểu ban truyền thông, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng điểm khó nhất trong trạm sạc xe điện nằm ở quy hoạch đất.

Nói về đặc thù của Việt Nam về phát triển hạ tầng trạm sạc, ông Quyết cho biết, hầu hết các gia đình ở Việt Nam không đủ điều kiện để lắp đặt trạm sạc tại nhà. Do đó, phát triển các trạm sạc công cộng là việc cần sớm thực hiện, cho phép tất cả các thương hiệu có thể tiếp cận với loại hình sạc siêu nhanh.

Theo Trưởng Tiểu ban truyền thông VAMA, cần có quy hoạch về hệ thống trạm sạc trên quy mô toàn quốc, trước mắt ở các thành phố lớn và trên hệ thống đường cao tốc.

Trong đó, quy hoạch về đất để xây dựng trạm sạc, quy hoạch/chuẩn bị nguồn cung cấp điện cho trạm sạc và cơ chế, chính sách ưu đãi là những điểm thu hút các dự án đầu tư vào xây dựng trạm sạc. Cùng với đó, ông Quyết cũng đề cập đến cơ chế chính sách để ưu đãi cho nhà sản xuất thiết bị trạm sạc.

Đồng quan điểm với VAMA, ông Võ Minh Lực, Giám đốc Điều hành BYD Việt Nam nhận định, quy hoạch phát triển trạm sạc tại các đô thị chưa hợp lý khiến cho các nhà đầu tư khó triển khai.

“Khó khăn trong xây dựng trạm sạc điện do thiếu đất và trình tự thủ tục chưa rõ ràng. Để tìm được một địa điểm xây dựng trạm sạc xe điện ở khu đô thị là khó vô cùng. Kết cấu hạ tầng giao thông cũng chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi của người dân”, ông Lực cho biết.

Do đó, BYD Việt Nam mong chờ những giải pháp chiến lược được đề xuất từ việc có chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trạm sạc xe điện.

Ông Trần Anh Thái, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Hệ thống kỹ thuật ứng dụng (ATS)

Ông Trần Anh Thái, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Hệ thống kỹ thuật ứng dụng (ATS)

Một nút thắt khác cũng không kém phần quan trọng được ông Trần Anh Thái, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Hệ thống kỹ thuật ứng dụng (ATS) đề cập là hệ thống đấu nối điện lưới.

Theo ông Thái, trạm sạc sẽ đấu nối với hệ thống điện lưới cần phải có quy định đồng bộ để dự báo phụ tải, cân bằng công suất, cân bằng năng lượng. Trạm sạc khi đấu nối vào hệ thống điện có thể gây ra những hệ quả không tốt cho phụ tải, công suất đỉnh, ảnh hưởng đến chất lượng điện năng ổn định vốn có.

Từ khía cạnh làm hệ thống điện, ông Thái cho rằng cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng để xây dựng rộng rãi trạm sạc trên toàn quốc. Hiện nay mới chỉ có số ít trạm sạc nên chưa nhìn thấy ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, về lâu dài, khi trạm sạc điện trở nên phổ biến và bùng nổ, chính sách đưa ra cần được đánh giá phù hợp, kỹ lưỡng và giám sát chặt chẽ.

Ông Trần Anh Thái cho rằng, cần có quy định kỹ thuật giám sát các trạm sạc để quản lý hệ thống đấu nối, khi đạt đỉnh công suất phải điều chỉnh để đảm bảo cân đối. Việc xây dựng trạm sạc nên sử dụng cho tất cả các loại xe chứ không chỉ hãng nào sử dụng trạm sạc hãng đó. Xây dựng cơ sở dữ liệu giám sát trạm sạc không chỉ cho ngành điện quản lý mà cần được chia sẻ rộng rãi với các bên liên quan.

“Điện khí hóa giao thông cần đưa vào Quy hoạch năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện VIII để có căn cứ xây dựng cơ sở hạ tầng cho chuyển đổi giao thông xanh. Bởi điểm đấu nối là hữu hạn nên cần có quy hoạch tổng thể, rõ ràng cho kế hoạch xây dựng trạm sạc xe điện về lâu dài”, ông Thái kiến nghị.

Chuyên gia kiến nghị cần có quy định kỹ thuật đấu nối các trạm sạc xe điện với hệ thống lưới điện quốc gia

Chuyên gia kiến nghị cần có quy định kỹ thuật đấu nối các trạm sạc xe điện với hệ thống lưới điện quốc gia

Động lực từ chính sách

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phát triển ngành trên cơ sở đi tắt, đón đầu các xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ về sản xuất và tiêu dùng từ xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe tiết kiệm nhiên liệu, xe điện hóa, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới khác... góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải CO2 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trong đó cần nghiên cứu, đề xuất và đánh giá tác động của cơ chế hỗ trợ giá điện đối với trạm sạc điện phục vụ phương tiện giao thông xanh.

Theo thông báo số 384/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, Thường trực Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát các quy định pháp luật hiện hành để đề xuất sửa đổi, bổ sung liên quan đến việc tháo gỡ các vướng mắc phát sinh liên quan đến việc lắp đặt trạm/trụ sạc điện cho các phương tiện giao thông tại các cửa hàng xăng dầu, báo cáo trong tháng 8/2024.

Các bộ/ngành cũng rốt ráo ban hành quy định: Bộ Xây dựng sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà chung cư, trung tâm thương mại, trong đó quy định các tiêu chuẩn về hệ thống sạc điện cho phương tiện giao thông xanh, hoàn thành trước ngày 31/12/2024. Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành tiêu chuẩn về đầu cắm điện, ổ cắm điện và dây sạc điện đối với phương tiện giao thông xanh, hoàn thành trong tháng 8/2024.

Phương Thảo

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tram-sac-la-diem-tu-huyet-de-thi-truong-xe-dien-viet-bung-no-716718.html