Trạm tập kết xanh góp phần làm sạch biển, đảo
Chung tay bảo vệ môi trường, Ban Thường vụ Thành đoàn Phú Quốc (Kiên Giang) phối hợp Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam thực hiện mô hình trạm tập kết xanh tại các xã, phường trên địa bàn TP. Phú Quốc, góp phần hình thành thói quen bỏ rác đúng nơi quy định, giảm rác thải nhựa...
Đầu tháng 8-2023, Ban Thường vụ Thành đoàn Phú Quốc phối hợp với WWF tại Việt Nam tổ chức lễ ra mắt mô hình trạm tập kết xanh tại ấp Đường Bào, xã Dương Tơ (TP. Phú Quốc). Đây là trạm thứ 5, trước đó Ban Thường vụ Thành đoàn Phú Quốc phối hợp với WWF tại Việt Nam tổ chức mô hình tại phường Dương Đông, phường An Thới, xã Hàm Ninh và Cửa Cạn.
Theo đồng chí Nguyễn Lê Huy - Thành ủy viên, Bí thư Thành đoàn Phú Quốc, từ năm 2020, Ban Thường vụ Thành đoàn Phú Quốc phối hợp WWF tại Việt Nam xây dựng mô hình trạm tập kết xanh nhằm tổ chức các hoạt động hưởng ứng bảo vệ môi trường, gắn với các hoạt động ngày thứ bảy tình nguyện, ngày chủ nhật xanh. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động của tuổi trẻ Phú Quốc bảo vệ môi trường thành phố.
Qua các hoạt động nhằm tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; trách nhiệm bảo vệ môi trường trong khu dân cư... Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên và cộng đồng dân cư trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, giảm sử dụng rác thải nhựa trên địa bàn thành phố.
Trạm tập kết xanh tại ấp Đường Bào được đặt gần chợ, khu đông dân cư sinh sống và mua bán. Chị Hà Thị Thuận, ngụ ấp Đường Bào cho biết: “Đây là mô hình rất thiết thực để bảo vệ môi trường biển, đảo. Tôi sẽ vận động người thân, người dân xung quanh cùng tham gia phân loại rác, đem rác thải bỏ đúng nơi quy định”.
Để xây dựng trạm tập kết xanh, Thành đoàn khảo sát, tìm vị trí phù hợp, chủ yếu ở các điểm chợ, khu đông dân cư… Trạm đặt ở vị trí cố định, trong đó có thiết kế hình ảnh sinh động, trực quan, gắn với thông điệp bảo vệ môi trường và bố trí dụng cụ để người dân bỏ rác, từ đó hình thành thói quen của người dân, tránh phát sinh những điểm nóng về ô nhiễm môi trường.
Chị Trần Phan Thái Giang - đại diện dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương của WWF tại Việt Nam cho biết: “Các trạm tập kết xanh hội tụ tiêu chí hợp vệ sinh, không gây ô nhiễm, thất thoát rác thải ra môi trường, kết hợp với các bảng tuyên truyền để truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường. Qua mô hình này giúp người dân hình thành thói quen bỏ rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh chung tại khu vực công cộng, chung tay xây dựng TP. Phú Quốc trở thành thành phố xanh, sạch, đẹp”.
Tại mỗi trạm tập kết xanh, Thành đoàn Phú Quốc (Kiên Giang) còn triển khai mô hình giờ vàng đổi rác thải nhựa lấy quà. Theo đó, vào sáng thứ bảy tuần đầu mỗi tháng (từ 8-9 giờ), người dân có thể mang rác thải nhựa đến đổi lấy quà. Từ 3kg rác thải nhựa trở lên như vỏ chai nhựa, ly nhựa, ống hút, hộp xốp, bao nylon… được làm sạch và phơi khô sẽ đổi được giỏ quà có trị giá từ 20.000-100.000 đồng.
Cầm trên tay giỏ quà vừa đổi được, em Thái Hoài An, ngụ ấp Đường Bào nói: “Biết được trạm có đổi rác thải nhựa lấy quà, em gom chai nhựa để đem đến đổi. Hôm nay em đổi được 2 hộp sữa tươi và đồ dùng học tập. Em sẽ để dành chai nhựa để đổi thêm đồ dùng học tập và giới thiệu cho các bạn cùng thực hiện để vừa có quà vừa góp phần bảo vệ môi trường”.
Thời gian tới, Thành đoàn Phú Quốc tiếp tục duy trì và đề ra giải pháp thực hiện mô hình trạm tập kết xanh. Đồng chí Nguyễn Lê Huy cho biết: “Ban Thường vụ Thành đoàn tiếp tục phối hợp với WWF tại Việt Nam tổ chức sơ kết việc triển khai mô hình trạm tập kết xanh tại các xã, phường, đánh giá kết quả, ưu điểm, hạn chế để tiếp tục đề ra phương hướng, giải pháp thực hiện và nhân rộng mô hình tại nhiều điểm trên địa bàn thành phố”.
Bài và ảnh: HUỲNH NGÔN