Trạm Tấu sẽ kiểm tra, phúc tra ít nhất 1 lần/tháng việc trồng cây thuốc phiện và cây cỏ chứa chất ma túy khác
Trong thời gian từ tháng 11/2023 đến tháng 4/2024, Trạm Tấu sẽ thành lập các tổ công tác kiểm tra, phúc tra ít nhất 1 lần/tháng, kiên quyết không để xảy ra tình trạng trồng cây thuốc phiện, cây cỏ chứa chất ma túy khác phát triển cho thu hoạch trên địa bàn.
Quá trình kiểm tra, phúc tra nếu phát hiện nương, rẫy trồng cây thuốc phiện sẽ tiến hành phá bỏ triệt để, đồng thời tiến hành vẽ sơ đồ, xác định vị trí để quản lý, phúc tra trong những thời gian tiếp theo và tiến hành xác minh chủ nương, đối tượng trồng cây thuốc phiện để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật...
Đó là một phần trong Kế hoạch đảm bảo công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; phòng chống HIV/AIDS; chống và kiểm soát ma túy, chống trồng cây thuộc phiện năm 2023 - 2024 trên địa bàn huyện mà Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc (Ban Chỉ đạo 138 huyện) huyện Trạm Tấu mới đây vừa ban hành.
Theo Kế hoạch, Ban Chỉ đạo 138 huyện quyết tâm không để tội phạm phức tạp, lộng hành, gây bức xúc trong nhân dân; không bỏ lọt tội phạm, không để xảy ra oan, sai; không để phát sinh "điểm nóng" về an ninh trật tự và năm 2024 sẽ giảm từ 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội so với năm 2023; hoàn thành chỉ tiêu công tác đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và đảm bảo công tác quản lý người sau cai nghiện; thường xuyên nắm tình hình, kiểm tra, phúc tra các địa bàn, khu vực nghi vấn có khả năng cao, kiên quyết không để tình trạng trồng cây thuốc phiện, cây có chứa chất ma túy khác phát triển cho thu hoạch; từng bước ngăn chặn và đẩy lùi sự thâm nhập của ma túy vào địa bàn huyện...
Để thực hiện nhiệm vụ, Ban Chỉ đạo 138 các cấp của huyện sẽ chủ động xây dựng, triển khai các nội dung công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; phòng chống HIV/AIDS; chống và kiểm soát ma túy, chống trồng cây thuốc phiện, các văn bản triển khai thi hành, hướng dẫn thi hành của trung ương, tỉnh, huyện và phát huy vai trò, trách nhiệm cảu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, coi đây là lực lượng nòng cốt trong công tác giữ gìn an ninh trật tự tại cộng đồng dân cư.
Trong đó, Ban Chỉ đạo 138 các xã, thị trấn cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; tác hại của ma túy và sự nguy hiểm của đại dịch HIV/AIDS; chủ động xây dựng các chương trình tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tiễn, nội dung tuyên truyền đảm bảo chất lượng, gần gũi với đời sống nhân dân, súc tích, dễ hiểu, phù hợp với phong tục, tập quán và ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung vào các đối tượng già làng, trường bản, phụ nữ, thanh thiếu niên, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, những đối tượng khác dễ bị tội phạm xâm hại, dụ dỗ, lôi kéo phạm tội, vi phạm pháp luật hoặc tiếp tay cho tội phạm...
Cùng đó, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" gắn với phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ”, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương; xây dựng và củng cố các mô hình thôn, bàn, cộng đồng dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội; các tổ chức quần chúng phòng, chống tội phạm ở cơ sở, đặc biệt duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản, dân phòng, tổ bảo vệ, tổ tự hòa giải về an ninh trật tự...