Trạm Tấu thành công từ phiên tòa giả định

Tổ chức phiên tòa giả định nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã trở thành hoạt động hiệu quả, thiết thực thời gian gần đây.

Toàn cảnh phiên tòa giả định về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại huyện Trạm Tấu.

Toàn cảnh phiên tòa giả định về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại huyện Trạm Tấu.

Tuy nhiên, phiên tòa giả định về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là chủ đề lần đầu tiên được Huyện đoàn Trạm Tấu phối hợp với Công an huyện, Tòa án nhân dân huyện, Viện Kiểm sát nhân dân huyện và Đảng ủy xã Bản Mù tổ chức, nhận được sự ủng hộ của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, giáo viên và thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tham gia…

Phiên tòa giả định được thực hiện với diễn biến, quá trình xét xử như một cuộc xét xử tại tòa án, bao gồm đủ các thành phần hội đồng xét xử tái hiện như một phiên tòa thật. Những vụ án được chọn để mô phỏng cho phiên tòa giả định thường là những vụ án điểm, có tính thời sự và gắn liền với yêu cầu đấu tranh phòng chống các loại tội phạm đang diễn biến phức tạp trong đời sống xã hội. Sau khi thực hiện phiên tòa, sẽ có thời gian dành cho học sinh, ĐVTN, người tham dự phiên tòa giả định có thể trao đổi một số nội dung pháp luật mà phiên tòa giả định đã đề cập hoặc thông tin về tình hình tội phạm có liên quan trong vụ án để gửi thông điệp pháp luật.

Tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú và THCS Khấu Ly, xã Bản Mù, phiên tòa giả định tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án, đối tượng G.A.N bị truy tố về tội "Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”. Theo đó, vụ việc xảy ra vào tháng 6/2023 tại một gia đình ở thôn Háng Đế, xã Bản Mù, đối tượng G.A.N đã 2 lần giao cấu với cháu G.T.H sinh năm 2009. Với hành vi nêu trên, G.A.N đã phạm vào tội "Giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi”.

Theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 145, Bộ luật Hình sự và căn cứ các tình tiết của vụ án, lời khai của người bị hại, phiên tòa giả định đã tuyên phạt bị cáo G.A.N 2 năm 6 tháng tù giam. Phiên tòa giả định này dựa trên một vụ án có thật, từng xảy ra trên địa bàn huyện Trạm Tấu.

"Việc tổ chức phiên tòa giả định nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường nói riêng và học sinh, ĐVTN trên địa bàn huyện nói chung về Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Hình sự, Luật Trẻ em; góp phần nâng cao ý thức của ĐVTN, học sinh về bảo vệ bản thân, thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Từ đó, cùng với cấp ủy, chính quyền, nhà trường và gia đình cùng đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn diễn ra tại một số thôn, bản trên địa bàn huyện” - Bí thư Huyện đoàn Trạm Tấu Lò Văn Tuất cho biết.

Bên cạnh đó, việc tổ chức phiên tòa giả định góp phần tạo điều kiện cho ĐVTN và học sinh củng cố kiến thức pháp luật, tiếp cận thực tiễn pháp luật; nội dung, hình thức thực hiện phiên tòa giả định được lựa chọn phải phù hợp với đối tượng ĐVTN và học sinh theo hướng kết hợp thực tiễn, sống động; kết hợp lồng ghép nội dung giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức, giáo dục văn hóa truyền thống.

Được biết, năm 2024, sau thành công của phiên tòa giả định lần đầu tiên, các đơn vị đồng tổ chức dự kiến sẽ thực hiện 2 phiên tòa giả định trên địa bàn huyện Trạm Tấu. Có thể nói, những phiên tòa giả định mang tính trực quan không chỉ phản ánh những hành vi phạm tội, các quy định pháp luật nghiêm cấm và mức án được áp dụng mà còn giúp học sinh, ĐVTN hiểu rõ ranh giới giữa đúng và sai, tính nghiêm minh của pháp luật.

Mai Linh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/305837/tram-tau-thanh-cong-tu-phien-toa-gia-dinh.aspx