Trạm Tấu tích cực chăm sóc lúa xuân
Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa xuân của huyện Trạm Tấu đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, theo dự báo trong thời gian tới, điều kiện thời tiết thất thường, giá rét vẫn còn, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại mạnh và có khả năng lây lan trên diện rộng.

Nông dân xã Hát Lừu bắt ốc bươu vàng gây hại trên diện tích lúa xuân.
Vụ đông xuân 2025, huyện Trạm Tấu gieo cấy 1.572 ha lúa, chủ yếu là các giống lúa Nhị ưu 838, Việt Lai 20, DS1, Đài Thơm, Thiên ưu 8… và một phần giống lúa nếp của địa phương, phấn đấu năng suất bình quân đạt 51,6 tạ/ha. Thời điểm này lúa đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ. Để toàn bộ diện tích lúa sinh trưởng, phát triển tốt đạt năng xuất, sản lượng đề ra, huyện Trạm Tấu chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tích cực đôn đốc các địa phương làm tốt công tác chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại lúa.
Những ngày này, trên khắp các cánh đồng từ vùng thấp đến vùng cao của huyện, đồng bào đang tích cực chăm sóc lúa xuân. Trên cánh đồng thôn Tà Tàu, xã Pá Hu, ông Mùa Thào Páo đang bón lót phân đạm và tháo nước vào ruộng cho biết: "Gia đình tôi có 500m2 ruộng, vụ xuân này tập trung cấy bằng giống lúa lai Nhị ưu 838 và lúa thuần ĐS1. Lúa cấy sau tết Nguyên đán, thời tiết thuận lợi nên sinh trưởng phát triển tốt, hiện đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ nên tôi thường xuyên thăm đồng, điều tiết nước hợp lý và bón lót thêm phân, đồng thời chú trọng phòng trừ sâu bệnh gây hại cho lúa”.
Trên cánh đồng thôn Lừu 2, xã Hát Lừu, gia đình chị Lò Thị Mặc đang làm cỏ, bắt ốc bươu vàng và dùng ni lon che chắn quanh ruộng phòng chuột cắn phá. Có gần 1.000 m2 ruộng, vụ đông xuân năm nay, gia đình chị Mặc tập trung thâm canh các loại giống lúa lai như DS1, Đài Thơm làm hàng hóa.
Chị Mặc chia sẻ: "Thời tiết năm nay thất thường, lúa bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ, thiếu mưa nên phát triển chậm, một số diện tích lúa của gia đình tôi gần khu dân cư nên xuất hiện tình trạng chuột cắn phá. Để đảm bảo toàn bộ diện tích lúa sinh trưởng phát triển tốt, ngoài việc chú trọng phòng trừ sâu bệnh, chuột bọ, tôi bón thêm phân đạm để thúc đẩy lúa phát triển nhanh”.
Vụ đông xuân năm 2025, xã Hát Lừu gieo cấy 225 ha lúa trên chân ruộng 2 vụ, chủ yếu là giống lúa thuần như Thiên ưu 8 và một phần là giống lúa lai Nhị ưu 838, Đài Thơm. Thời điểm này, lúa đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ. Để đảm bảo diện tích lúa sinh trưởng phát triển tốt, xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với trưởng thôn, bản vận động bà con nông dân tích cực thăm đồng, điều tiết nước tưới hợp lý, chú trọng phòng trừ sâu bệnh, chuột bọ cắn phá.
Ông Lò Văn Tiếp - Chủ tịch UBND xã Hát Lừu cho biết: "Với mục tiêu phấn đấu năng suất lúa đạt trên 52 tạ/ha, căn cứ vào công văn của Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện về việc tăng cường điều tra, theo dõi dịch hại trên cây lúa vụ đông xuân 2024 - 2025, UBND xã đã có thông báo yêu cầu trưởng thôn phối hợp với cán bộ nông - lâm xã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa; chú trọng điều tiết nước tưới hợp lý, không để diện tích nào bị hạn, thiếu nước. Những diện tích chậm phát triển, xã chỉ đạo bà con nông dân tập trung bón thúc phân đạm, phân hữu cơ để lúa sinh trưởng, phát triển tốt, bảo đảm năng suất theo đúng kế hoạch”.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Trạm Tấu, vụ đông xuân 2025, toàn bộ diện tích lúa được gieo cấy trong khung thời vụ sau tết Nguyên đán, đến thời điểm này, lúa đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ. Tuy nhiên, diễn biến thời tiết thời gian qua khá bất thường, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng và phát triển của lúa.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Trạm Tấu cho biết: "Đơn vị đã ban hành Công văn số 48 ngày 31/3/2025 về việc tăng cường điều tra, theo dõi dịch hại trên cây lúa vụ đông xuân 2024 - 2025 để chỉ đạo cán bộ chuyên môn, Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn, các đơn vị, phòng, ban chức năng tiến hành nạo vét kênh mương, dự trữ nước bảo đảm đủ nước tưới, vận động bà con chú trọng phòng trừ sâu bệnh gây hại như sâu cuốn lá, rầy nâu, sâu đục thân, ốc bươu vàng và chuột bọ cắn phá để bảo đảm toàn bộ diện tích lúa xuân trên địa bàn sinh trưởng, phát triển thuận lợi, bảo đảm mục tiêu, năng suất và sản lượng đề ra”.
Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa xuân của huyện Trạm Tấu đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, theo dự báo trong thời gian tới, điều kiện thời tiết thất thường, giá rét vẫn còn, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại mạnh và có khả năng lây lan trên diện rộng. Vì vậy, các cơ quan chuyên môn trong khối nông nghiệp huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo nông dân tích cực thăm đồng, đánh giá mức độ phát sinh của sâu, bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, tránh chủ quan, bảo đảm lúa sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/348180/tram-tau-tich-cuc-cham-soc-lua-xuan.aspx