Trạm thủy văn trước nguy cơ tê liệt vì thủy điện

Cách đập thủy điện Phúc Long chưa đến 4 cây số về phía hạ lưu, Trạm Thủy văn Bảo Yên đang có nguy cơ dừng hoạt động khi công trình thủy điện dâng nước đi vào vận hành. Điều đáng nói là dường như hoạt động của trạm thủy văn bị bỏ quên khi chủ đầu tư và các đơn vị liên quan khảo sát, thiết kế, lập hồ sơ xây dựng thủy điện.

Đến ca trực, anh Trần Bá Hòa (Trạm Thủy văn Bảo Yên) và đồng nghiệp loay hoay chưa thể bắt đầu công việc do chiếc thuyền đặc dụng đang mắc cạn không thể ra sông thực hiện nhiệm vụ đo đạc. Tình trạng này thường xuyên xảy ra vào mùa khô và đặc biệt là khi các thủy điện ở thượng nguồn tích nước. Có lần thuyền sang đến bờ bên kia thì mắc cạn, không quay về được.

Vị trí mực nước chết hồ thủy điện Phúc Long, tương đương cao trình 73,5 m.

Vị trí mực nước chết hồ thủy điện Phúc Long, tương đương cao trình 73,5 m.

Trạm Thủy văn Bảo Yên là trạm thủy văn duy nhất của Đài Khí tượng Thủy văn Việt Bắc đặt trên sông Chảy được xây dựng vào đầu những năm 70 của thế kỷ XX. Đây là trạm cấp I có chức năng quan trắc, thu thập dữ liệu về lượng mưa, nhiệt độ nước và không khí, mực nước, lưu lượng nước, hàm lượng chất lơ lửng và lưu lượng chất lơ lửng. Qua hàng chục năm hoạt động, hoạt động của Trạm Thủy văn Bảo Yên đang đứng trước nhiều khó khăn như cơ sở vật chất ngày càng xuống cấp, trang - thiết bị thiếu đồng bộ. Mặc dù vậy, các cán bộ, kỹ sư nơi đây vẫn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chuỗi số liệu quan trắc trong nhiều thập kỷ qua đã góp phần quan trọng trong phòng, chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc vận hành hồ thủy điện Thác Bà, đồng thời kết nối dữ liệu để đánh giá, dự báo tình hình thiên tai, bão lũ trên hệ thống sông Lô, sông Hồng. Nguồn tài liệu quan trắc thủy văn trong thời gian qua cũng được sử dụng cho công tác quy hoạch, khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ nguồn tài nguyên nước mặt trong vùng, góp phần vào việc đảm bảo quốc phòng - an ninh của khu vực. Tuy nhiên, những năm gần đây, khó khăn tác động đến hoạt động của trạm không chỉ là cơ sở vật chất hoặc trang - thiết bị, mà còn đến từ hoạt động của các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Chảy.

Công tác tại trạm thủy văn đã nhiều năm, anh Trần Bá Hòa, Trạm trưởng cho biết: Do ảnh hưởng của hồ chứa nên dòng chảy trên sông đã mất tính tự nhiên. Nếu không có thủy điện thì dù vào mùa khô, lượng nước trên sông vẫn rất ổn định. Còn hiện nay, có thời điểm nước sông gần như cạn trơ đáy, có thể lội qua dễ dàng và vào mùa lũ, nước lên xuống cũng rất cực đoan, có khi số liệu 2 lần đo (cách nhau 1 đến 2 tiếng đồng hồ) chênh lệch hàng mét nước. Những số liệu quan trắc không phải của dòng chảy tự nhiên nên không thể căn cứ vào đó dự báo được dòng chảy theo lượng mưa. Các thiết bị đo độ bồi lắng phù sa cũng không thu thập được dữ liệu chính xác vì ngay cả mùa lũ, lượng phù sa đổ về cũng không đáng kể bởi phần lớn đã lắng lại ở các hồ chứa thượng nguồn.

Dù khó khăn nhưng anh Hòa và đồng nghiệp vẫn cố gắng khắc phục, làm nhiệm vụ vì dẫu sao vẫn còn dòng chảy. Những dữ liệu thu thập được gửi về phân tích tại Đài Khí tượng Thủy văn Việt Bắc vẫn có nhiều ý nghĩa trong đánh giá quy luật tự nhiên tác động trực tiếp đến công tác phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Thủy điện Phúc Long dâng nước, cả khu vực sẽ biến thành lòng hồ thì không còn gì để quan trắc, đo đạc. Điều ngạc nhiên là trong suốt quá trình khảo sát lòng hồ, lập hồ sơ xin phê duyệt dự án, Trạm Thủy văn Bảo Yên không hề được chủ đầu tư thủy điện tham vấn. Anh Hòa cũng cho biết, khi công trình thủy điện khởi công xây dựng, anh có hỏi một số nhân viên phụ trách công tác đền bù, giải phóng mặt bằng khu vực lòng hồ thì nhận được câu trả lời hồn nhiên rằng: Chủ đầu tư sẽ đền bù các cọc đo mực nước bị ngập, còn thuyền chuyên dụng vẫn nổi trên lòng hồ nên không ảnh hưởng gì.

Cầm trên tay bản tổng hợp quy hoạch thủy điện trên địa bàn tỉnh, ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Đài Khí tượng - Thủy văn Lào Cai cũng hết sức lo lắng bởi ngành khí tượng - thủy văn không hề được tham vấn vào quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh. Tính sơ bộ, ít nhất có 5 trạm thủy văn thuộc đơn vị quản lý sẽ bị ảnh hưởng nếu các thủy điện “mọc lên” theo quy hoạch đã được phê duyệt.

“Chúng tôi giật mình khi thủy điện đang bao vây và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các trạm thủy văn trên địa bàn. Các trạm thủy văn là công trình phòng, chống thiên tai của quốc gia, nếu không quan trắc, thu thập được số liệu chính xác phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai thì khi xảy ra tình huống bất ngờ gây thiệt hại, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?” - ông Hải nói.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về việc xem xét ảnh hưởng của Thủy điện Phúc Long đối với vận hành Trạm thủy văn Bảo Yên, mới đây, Sở Tài Nguyên và Môi trường đã chủ trì tổ chức cuộc họp giữa các ngành liên quan với Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Việt Bắc, chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Phúc Long. Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Quang Luân, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Phúc Long đề nghị tìm vị trí phù hợp di chuyển tuyến để đảm bảo công tác đo đạc bình thường của trạm. Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Giám đốc Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Việt Bắc đề nghị Thủy điện Phúc Long di chuyển vị trí hoặc hạ cao trình để không ảnh hưởng đến hoạt động của Trạm Thủy văn Bảo Yên. Khi chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép thì không được làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của trạm.

Sau khi nghe ý kiến của các ngành liên quan, cuộc họp thống nhất nếu được cấp có thẩm quyền cho phép di chuyển các công trình đo của Trạm thủy văn Bảo Yên, Công ty Cổ phần Thủy điện Phúc Long có trách nhiệm chịu mọi chi phí liên quan đến việc di dời các công trình đo của trạm; chỉ được vận hành khai thác Nhà máy Thủy điện Phúc Long khi việc di dời công trình đo của Trạm Thủy văn Bảo Yên thực hiện xong và đi vào vận hành ổn định.

Khoản 3, Điều 14, Luật Khí tượng - Thủy văn quy định việc thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn quy định, chỉ di chuyển trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng - thủy văn quốc gia trong trường hợp: Bị thiệt hại do thiên tai mà không khắc phục được; lý do quốc phòng, an ninh quốc gia; trạm thuộc phạm vi dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng; hành lang kỹ thuật bị vi phạm nghiêm trọng hoặc do ảnh hưởng của các điều kiện tự nhiên dẫn đến không đủ điều kiện kỹ thuật để quan trắc hoặc thông tin, dữ liệu quan trắc không còn tính đại diện, không phản ánh đúng quy luật tự nhiên và điều kiện khí tượng - thủy văn tại khu vực đặt trạm. Vị trí mới của trạm phải đáp ứng yêu cầu quan trắc và phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan.

Phải tổ chức quan trắc song song giữa trạm cũ và trạm mới để bảo đảm tính liên tục của chuỗi số liệu và không gián đoạn việc cung cấp thông tin, dữ liệu cho công tác dự báo, cảnh báo khí tượng - thủy văn, trao đổi quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định việc di chuyển trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng - thủy văn quốc gia.

Mạnh Dũng

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/tram-thuy-van-truoc-nguy-co-te-liet-vi-thuy-dien-z5n20200317160241988.htm