Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) vào giai đoạn 'cuối đời'
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký ban hành kế hoạch bắt đầu chế tạo vệ tinh quỹ đạo có người điều khiện, mục đích là thay thế Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) đang bước vào giai đoạn hư hỏng hoàn toàn.
Trong những năm gần đây, ISS đã bắt đầu hư hỏng, các phi hành gia thường xuyên phát hiện ra các vết nứt. Tuần trước, có thông tin các phi hành gia Nga vẫn đang bịt lỗ rò rỉ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2019, theo đài truyền hình RT.
Tháng 11-2020, ông Vladimir Solovyov, Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Nga, phi công vũ trụ, Phó Tổng giám đốc thứ nhất của Tổng công ty tên lửa và vũ trụ RSC Energia, thông báo với Viện Hàn lâm Khoa học Nga: "Đã có một số bộ phận của ISS bị hư hỏng nghiêm trọng và không còn hoạt động. Nhiều bộ phận không thể thay thế được. Sau năm 2025, chúng tôi dự đoán ISS sẽ sụp đổ ".
Các vấn đề liên tục xảy ra với nhà ga quốc tế này khiến Moscow phải nghĩ đến việc bắt đầu tạo ra một thiết bị thay thế. Được gọi là ROSS, vệ tinh quỹ đạo mới của Nga sẽ bao gồm 3-7 mô-đun và có thể chở tối đa 4 người.
Mặc dù mới được Tổng thống Putin phê duyệt vào ngày 12-4, nhân kỷ niệm 60 năm chuyến bay vũ trụ đầu tiên của phi hành gia Yuri Gagarin, nhưng dự án này đã thực hiện được một thời gian. Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) tiết lộ ROSS có thể sẵn sàng hoạt động sau năm 2024.
Nga có lịch sử lâu đời trong việc chế tạo vệ tinh của riêng mình, với Sputnik 1 là vệ tinh đầu tiên được phóng lên quỹ đạo thấp của Trái đất vào năm 1957. Năm 1986, Liên Xô phóng một trạm vũ trụ được sản xuất trong nước tên là Mir. Thời điểm đó, Mir là vệ tinh nhân tạo lớn nhất trên quỹ đạo.
Dù Moscow sẵn sàng thực hiện dự án một mình, Roscosmos đã tái khẳng định cam kết hợp tác quốc tế trong những tháng gần đây.
Đầu tháng 4-2021, Nga đã ký kết kế hoạch tiếp tục hợp tác với Mỹ trong không gian và hai quốc gia sẽ sử dụng tên lửa của nhau để bay vào vũ trụ. Đầu năm nay, các phi hành gia Mỹ đã tặng thực phẩm cho các đối tác Nga khi nguồn cung cấp từ Trái đất bị trì hoãn.
Roscosmos cũng ký một thỏa thuận thăm dò mặt trăng với Trung Quốc vào tháng 3-2021.