Trạm y tế chuyển đổi số

Những năm gần đây, các trạm y tế trên địa bàn tỉnh đã tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông tin mang lại nhiều lợi ích trong việc khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân và công tác phòng chống dịch bệnh.

Kể từ sau đại dịch Covid-19, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản nhằm triển khai chuyển đổi số y tế, như Quyết định 2089/QĐ-BYT ngày 9/5/2023, Quyết định 2491/QĐ-BYT ngày 13/6/2023, Công văn 3593/BYT-K2ĐT ngày 27/6/2024. Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng, giúp thu hẹp khoảng cách giữa các tuyến.

 Đăng ký khám bệnh bằng căn cước gắn chip tại trạm y tế.

Đăng ký khám bệnh bằng căn cước gắn chip tại trạm y tế.

Trước đây, mỗi khi đi khám, chữa bệnh không chỉ ở trạm y tế xã mà tại các cơ sở y tế, chị Trần Thị Phương (xã Quang Kim, huyện Bát Xát) đều phải mang theo nhiều giấy tờ, như thẻ bảo hiểm y tế, giấy chứng minh nhân dân/căn cước, sổ khám - chữa bệnh… Tuy nhiên, từ khi làm căn cước theo mẫu mới tích hợp các giấy tờ tùy thân liên quan, chị Phương chỉ cần mang căn cước là có thể đăng ký được các thủ tục khám bệnh.

Chị Phương chia sẻ: Giờ đây, nhờ có căn cước tích hợp thông tin và điện thoại thông minh cài các ứng dụng liên quan nên khi đăng ký khám bệnh, thủ tục rất nhanh gọn, thuận tiện.

Hiện nay, Trạm Y tế xã Quang Kim thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực khám, chữa bệnh ban đầu từ xã và quản lý các chương trình y tế bằng phần mềm. Trạm được trang bị 5 bộ máy vi tính để bàn, máy quét mã vạch căn cước, hệ thống mạng internet. Về nhân lực, có 6 viên chức đảm bảo thực hiện thành thạo vi tính và thao tác trên các ứng dụng phần mềm được cài đặt tại trạm.

Tỷ lệ người dân cài ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử của xã Quang Kim đã đạt khoảng 85%, điều này cũng tạo thuận lợi cho trạm y tế trong việc quản lý và điều trị các bệnh mãn tính cho người dân. Năm 2024, Trạm Y tế xã Quang Kim đã thực hiện khám tại trạm và khám sàng lọc tại cộng đồng cho gần 11.000 lượt người.

Y sỹ Vàng Cói Mẩy, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quang Kim cho biết, thẻ BHYT của người dân đã được tích hợp vào căn cước, cập nhật trên phần mềm. Khi người dân đến khám chỉ cần mang theo căn cước hoặc mở ứng dụng VssID, VNeID… trên điện thoại sẽ được tiếp nhận khám, điều trị. Việc sử dụng những phần mềm cũng rất dễ dàng vì các cán bộ của trạm đều được tập huấn trước đó.

 Trạm Y tế xã kết nối với Bệnh viện Đa khoa huyện trong khám, chữa bệnh cho người dân tại trạm.

Trạm Y tế xã kết nối với Bệnh viện Đa khoa huyện trong khám, chữa bệnh cho người dân tại trạm.

Bước tiến mới trong công tác khám, chữa bệnh tại tuyến xã là tháng 12/2024, Sở Y tế Lào Cai đã tiếp nhận 15 bộ thiết bị công nghệ thông tin do Dự án “Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam” hỗ trợ.

Một trong những hoạt động trọng tâm của dự án là nâng cao năng lực hệ thống y tế nhằm cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa có chất lượng tốt tại tuyến y tế cơ sở, bao gồm cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và năng lực của cán bộ y tế, giúp mở rộng các dịch vụ y tế, nâng cao sức khỏe cho cộng đồng dễ bị tổn thương trên địa bàn tỉnh, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của công nghệ trong việc đảm bảo sự công bằng tiếp cận dịch vụ y tế.

Những thiết bị này đã được Sở Y tế phân bổ về 15 trạm y tế thuộc xã nghèo, khó khăn và xã xây dựng nông thôn mới nâng cao phục vụ công tác khám, chữa bệnh, đặc biệt là kết nối từ xa với y tế tuyến trên.

Từ khi có hệ thống kết nối trực tuyến, chúng tôi sẽ xin tư vấn, hội chẩn tại chỗ với bác sĩ tuyến trên thông qua hệ thống camera về những trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn, giúp người bệnh không cần đi xa. Điều này rất ý nghĩa, đặc biệt là trong các tình huống khẩn cấp hoặc cần hỗ trợ trong công tác phòng chống dịch bệnh cấp thiết.

Y sỹ Phạm Văn Thái, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tả Phời (thành phố Lào Cai)

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định y tế là 1 trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên. Theo báo cáo của Sở Y tế, năm 2024, tất cả trạm y tế trên địa bàn đã triển khai quản lý khám, chữa bệnh bằng phần mềm; 100% trạm y tế thực hiện khám, chữa bệnh bằng căn cước gắn chip; từng bước ứng dụng phần mềm các chương trình tại trạm y tế như phần mềm thống kê y tế, phần mềm HIS khám, chữa bệnh BHYT, quản lý bệnh không lây nhiễm, bệnh truyền nhiễm; triển khai đơn thuốc điện tử trên hệ thống donthuocquocgia.vn; thực hiện tốt việc liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy chứng tử.

 Sở Y tế bàn giao bộ thiết bị công nghệ thông tin cho 15 trạm y tế khó khăn, hỗ trợ xã xây dựng nông thôn mới.

Sở Y tế bàn giao bộ thiết bị công nghệ thông tin cho 15 trạm y tế khó khăn, hỗ trợ xã xây dựng nông thôn mới.

Tỷ lệ người dân quản lý sức khỏe điện tử đạt 96,5% (toàn quốc đạt trên 90%).

Những phần mềm này đã giúp trạm y tế hạn chế được sổ sách, giấy tờ, tránh tình trạng bị mất dữ liệu khi lưu trên giấy. Đồng thời, những dữ liệu này cũng được liên thông từ xã đến cấp huyện, tỉnh, Trung ương.

Với đặc thù là tỉnh có nhiều huyện, xã vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, việc tăng cường cập nhật và ứng dụng công nghệ thông tin trên thực tế đã đáp ứng tốt hơn công tác khám, chữa bệnh, tạo sự nhanh chóng thuận tiện, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các địa bàn.

Thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn ngành, trong đó có tuyến xã, phường. Từ đó, hướng tới mục tiêu chung là số hóa thông tin chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân và thông tin khám bệnh, chữa bệnh để hình thành kho dữ liệu quốc gia về y tế, phục vụ chuyển đổi số ngành y tế quốc gia.

Phương Hiền

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/tram-y-te-chuyen-doi-so-post397777.html