Trạm y tế lưu động ở Hà Nội làm thế nào để điều trị F0 thể nhẹ hiệu quả?

'Trạm y tế lưu động chỉ phát huy tác dụng khi chúng ta triển khai cách ly điều trị F0 tại nhà. Đây là nơi cấp cứu ban đầu cho những F0 có biểu hiện khó thở, biểu hiện nặng'- TS. Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội chia sẻ.

Theo Sở Y tế Hà Nội, đến nay, 16 quận, huyện đã triển khai cơ sở thu dung F0; trong đầu tháng 12/2021, tất cả các địa phương còn lại dự kiến đồng loạt triển khai cơ sở thu dung F0 tại địa bàn.

Hiện, thành phố đã xây dựng hệ thống tiếp nhận, cung cấp thông tin phục vụ theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà gồm Tổng đài 1022 kết nối trực tiếp đến các trạm y tế lưu động toàn thành phố.

Những ngày qua, Sở Y tế Hà Nội đã thực nghiệm một số trạm y tế lưu động trước khi vận hành chính thức.

Trạm Y tế lưu động số 1 huyện Thanh Trì (Hà Nội).

Trạm Y tế lưu động số 1 huyện Thanh Trì (Hà Nội).

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết: Chỉ trong một thời gian chuẩn bị rất ngắn nhưng các trạm y tế lưu động tại nhiều quận, huyện đã bảo đảm được đầy đủ về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang bị đầy đủ các bình oxy, thuốc theo danh mục… tất cả đều đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, để hoạt động hiệu quả, một số trạm y tế lưu động cần phải xây dựng quy chế làm việc, phân công công việc cụ thể cho từng cán bộ, đồng thời niêm yết lịch trực, đường dây nóng, có biển hiệu, biển chỉ dẫn đặt ở nơi dễ nhìn.

Theo ông Trần Văn Chung, mỗi trạm y tế lưu động cần có ít nhất 5 phòng riêng biệt, bảo đảm thu nhận được 100 F0. Khi mô hình trạm y tế lưu động phát triển mạnh sẽ giúp người dân tiếp cận y tế ngay tại cơ sở, góp phần giảm gánh nặng cho các cơ sở điều trị COVID-19. Các địa phương cũng cần quan tâm đến địa điểm đặt trạm y tế lưu động, bố trí trạm y tế ở những nơi có giao thông thuận tiện.

Theo đó, nhiệm vụ của trạm y tế lưu động là thu dung, khám, điều trị cho người bệnh COVID-19 không triệu chứng và mức độ nhẹ tại quận; phát hiện sớm, xử trí cấp cứu, kịp thời chuyển viện khi người bệnh COVID-19 tiến triển ở mức độ vừa và nặng. Đồng thời, tại các trạm y tế lưu động cũng đảm bảo kiểm soát, ngăn ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 giữa các bệnh nhân, nhân viên y tế, người phục vụ và ngăn ngừa lây nhiễm ra cộng đồng. Mô hình các trạm này cũng có nhiệm vụ hướng dẫn, động viên, chia sẻ, giúp đỡ người nhiễm SARS-CoV-2, người bệnh COVID-19 yên tâm thực hiện điều trị; giám sát chặt chẽ việc tuân thủ điều trị y tế và điều trị tại trạm y tế lưu động; tiến hành cưỡng chế điều trị nếu người bệnh không tuân thủ yêu cầu điều trị y tế.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, TS. Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho biết, từ đợt dịch thứ 4, tại các tỉnh phía Nam, trạm y tế lưu động đã có vai trò rất lớn, đặc biệt khi dịch bùng phát, hệ thống y tế tại các bệnh viện bị quá tải mà chúng ta phải triển khai cách ly tại nhà.

TS. Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội.

TS. Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội.

Theo ông Hùng, trạm y tế lưu động có hiệu quả tốt, xử lý cấp cứu với các ca bệnh diễn biến nặng, trong đó đặc biệt là vai trò của việc cung cấp oxy cho người bệnh.

“Chúng ta không thể có giải pháp mỗi người tự lo một bình oxy và không biết sử dụng như thế nào, cách lưu giữ bảo quản ra sao. Thực tế một số người cũng đã tích trữ bình oxy nhưng về cơ bản hiệu quả gần như bằng 0, thậm chí còn rất nguy hiểm. Nhưng nếu mỗi xã phường mà có một trạm y tế, có một nơi để dành cấp cứu ban đầu cho những ca bệnh khó thở thì tốt”- ông Hùng cho biết.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng chia sẻ, trạm y tế lưu động chỉ phát huy tác dụng khi chúng ta triển khai cách ly điều trị F0 tại nhà. Đây là nơi cấp cứu ban đầu cho những F0 có biểu hiện khó thở, biểu hiện nặng. Tại đây, các nhân viên sẽ thăm khám, xử lý, kết nối y tế để có thể vận chuyển người bệnh đến các cơ sở điều trị, nhằm giảm tỷ lệ tử vong ở những trường hợp bệnh nặng.

Vì vậy, ông đề xuất, TP Hà Nội cần triển khai thật sớm, thật tốt việc cách ly, điều trị F0 tại nhà. “Rõ ràng một gia đình mà có người bị nhiễm bệnh thì mục tiêu cách ly, điều trị tại nhà là những người trong gia đình đó không bị nhiễm bệnh, chưa nói đến hàng xóm, cộng đồng. Vì vậy, đòi hỏi gia đình đó phải có điều kiện cách ly đủ tiêu chuẩn, quy trình cách ly khi chăm sóc, cung cấp đồ ăn cho người bệnh để đảm bảo người nhà không bị lây nhiễm”- ông Hùng cho hay.

Theo ông Hùng, chúng ta cần phải căn cứ vào các bằng chứng khoa học, yếu tố nguy cơ lây nhiễm, nếu nguy cơ thấp thì cần phát huy. Nếu người dân đủ điều kiện tự cách ly tại nhà, không tốn kém mà vẫn đảm bảo được việc phòng ngừa lây nhiễm thì nên để người dân lựa chọn việc cách ly, điều trị. Đồng thời cần có sự cam kết, kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương, tổ covid cộng đồng, trạm y tế lưu động./.

Minh Khánh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tram-y-te-luu-dong-o-ha-noi-lam-the-nao-de-dieu-tri-f0-the-nhe-hieu-qua-910106.vov