Trạm y tế lưu động - thích ứng bối cảnh mới

Trước tình hình số ca nhiễm Covid-19 tăng, trong đó có nhiều ca ngoài cộng đồng, thành phố Hà Nội đã triển khai thành lập các trạm y tế lưu động tại cơ sở nhằm thu dung, điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Đây là bước chuyển đổi nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.

Trạm y tế lưu động số 1 huyện Hoài Đức điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Ảnh: Phi Hùng

Mô hình chăm sóc sức khỏe từ cơ sở

Là một trong những địa phương đầu tiên thành lập trạm y tế lưu động, Trạm y tế lưu động số 1 huyện Hoài Đức đi vào hoạt động từ ngày 23-11-2021. Trạm y tế lưu động này sử dụng Trường Trung học cơ sở Tiền Yên vừa mới được xây dựng, chưa đón học sinh học tập nên cơ sở hạ tầng rất khang trang. Trạm y tế được phân chia thành các khu vực: Khu tiếp nhận bệnh nhân; khu điều hành; khu chuyên môn của cán bộ, nhân viên y tế và khu vực cách ly, điều trị. Riêng khu cách ly, điều trị được chia thành 2 phòng tương ứng với 2 loại đối tượng người bệnh là điều trị bệnh nhân khỏe mạnh, không triệu chứng và điều trị bệnh nhân triệu chứng nhẹ. Các phòng được thiết kế bảo đảm thông thoáng, phòng của bệnh nhân nam và nữ riêng biệt.

Trạm y tế lưu động số 1 huyện Hoài Đức cũng được lắp đặt các trang thiết bị phục vụ công tác điều trị như nhà vệ sinh, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, hệ thống camera giám sát an ninh trật tự... Theo Trưởng phòng Y tế huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Thanh, sau hơn 1 tuần hoạt động, Trạm y tế lưu động số 1 huyện Hoài Đức đã tiếp nhận 39 bệnh nhân Covid-19 đến điều trị. Đến nay, tình hình các bệnh nhân ổn định, công tác hậu cần tại trạm y tế bảo đảm tốt.

Tương tự, quận Long Biên đã triển khai xong công tác thu dung, điều trị F0 tại Trạm y tế lưu động ở Trường Mầm non Tuổi Hoa (phường Phúc Lợi). Trưởng phòng Y tế quận Long Biên Lương Thị Minh Nguyệt cho biết, đây là cơ sở y tế lưu động có quy mô 200 giường bệnh, tổng số nhân lực phục vụ là 26 người. Trạm y tế lưu động có nhiệm vụ thu dung, khám, điều trị cho người bệnh Covid-19 không triệu chứng và mức độ nhẹ tại quận; phát hiện sớm, xử trí cấp cứu, kịp thời chuyển viện khi người bệnh Covid-19 tiến triển ở mức độ vừa và nặng… Quá trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân, các y, bác sĩ tập trung hướng dẫn, động viên, chia sẻ, giúp đỡ người nhiễm Covid-19 yên tâm điều trị, góp phần ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.

Hiện tại các địa phương khác trên địa bàn thành phố Hà Nội đều đã lên phương án triển khai các trạm y tế lưu động ở mỗi phường, xã, thị trấn. Trong đó, các quận Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình, Bắc Từ Liêm… đều đã có một phường thí điểm diễn tập triển khai trạm y tế lưu động.

Bà Nguyễn Tố Như (phường Phương Liệt, quận Đống Đa) chia sẻ: "Chúng tôi rất phấn khởi và yên tâm trước việc thí điểm thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 thể nhẹ tại trạm y tế lưu động đặt tại phường. Đây là cơ sở để bệnh nhân F0 không phải đến các khu cách ly tập trung ở xa, tạo tâm lý yên tâm khi được điều trị bệnh gần nhà. Đây là mô hình chăm sóc sức khỏe từ cơ sở rất phù hợp".

Nhân viên Trạm y tế lưu động số 1, phường Trung Liệt (quận Đống Đa) diễn tập thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Chủ động để có thể kích hoạt nhanh nhất

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, nhằm chủ động ứng phó với các tình huống trong điều kiện dịch bệnh diễn biến khó lường cũng như tiếp tục thực hiện hiệu quả biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh mới, huyện đã thiết lập trạm y tế lưu động nhằm bảo đảm phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), từ đó “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Việc chủ động chăm sóc và điều trị ca nhiễm Covid-19 ngay trên địa bàn, sử dụng hiệu quả nguồn lực y tế tại địa phương còn giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

"Dù còn nhiều khó khăn, nhưng đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng hỗ trợ và các đơn vị liên quan sẽ nỗ lực vượt qua, tận tâm, tận lực chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19, bảo đảm kiểm soát và ngăn ngừa dịch lây nhiễm ra cộng đồng", ông Nguyễn Trung Thuận nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến, từ hướng dẫn của ngành Y tế, quận Ba Đình đang thiết lập mô hình trạm y tế lưu động tại 14/14 phường trên địa bàn. Tùy tình hình thực tế, quận sẽ quyết định tăng thêm số lượng trạm y tế lưu động phù hợp nhằm bảo đảm tinh thần luôn chủ động, sẵn sàng để có thể kích hoạt nhanh nhất các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi có tình huống xảy ra.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà thông tin, hiện 30/30 quận, huyện, thị xã của thành phố đã xây dựng phương án kế hoạch triển khai trạm y tế lưu động tại 508 xã, phường, thị trấn với phương châm mỗi thôn, xóm, cụm dân cư có một địa điểm sẵn sàng đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đây là bước đi chắc chắn, lấy y tế cơ sở là trọng yếu, trụ cột trong phòng, chống dịch giai đoạn mới nhằm chăm sóc sức khỏe người dân một cách tốt nhất.

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/1019024/tram-y-te-luu-dong---thich-ung-boi-canh-moi