'Trần ai' đòi bồi hoàn

Bỏ ra gần 1 tỉ đồng để xây trạm cấp nước, phục vụ nước sạch cho người dân nhưng hiện tại, số người cùng góp vốn đang đứng trước nguy cơ mất trắng

Theo thư cầu cứu gửi đến Báo Người Lao Động của ông B.K.T.D, ngày 3-11-1999, UBND phường 2 (quận 8, TP HCM) có Công văn 97/CV-UB mời Xí nghiệp Xây lắp - Khai thác và Cấp nước (sau đây viết tắt là Xí nghiệp; trực thuộc Công ty Xây dựng Giao thông Sài Gòn, viết tắt là Công ty) đầu tư kinh phí làm trạm cấp nước sạch phục vụ người dân địa phương. Thời điểm này, ông B.K.T.D làm quyền giám đốc Xí nghiệp.

Đầu tư tiền tỉ xây trạm cấp nước

Đến ngày 18-1-2000, UBND phường 2 chính thức giao đất cho Xí nghiệp làm trạm cấp nước sạch, vị trí khu đất được giao là một ao nước thuộc thửa số 130 tờ bản đồ số 3F, phường 2, quận 8. Cùng ngày, Công ty có thông báo số 70/XDGT, kêu gọi người lao động làm việc tại Xí nghiệp đầu tư vốn để xây dựng trạm cấp nước.

Ông B.K.T.D cùng 5 người lao động (gọi tắt là nhóm cổ đông) làm việc tại Xí nghiệp góp vốn với Công ty để triển khai thực hiện công trình trạm cấp nước. Theo ông B.K.T.D, trạm cấp nước có tổng kinh phí đầu tư xây dựng trong đợt 1 là 588 triệu đồng. Trong đó, Công ty góp 120 triệu đồng, phần còn lại là của nhóm cổ đông.

Cổng vào trạm cấp nước, bên cạnh là nhà sinh hoạt khu phố 3

Cổng vào trạm cấp nước, bên cạnh là nhà sinh hoạt khu phố 3

Đến năm 2002, Xí nghiệp tiếp tục đầu tư kinh phí vào trạm cấp nước để xây dựng thêm 2 giếng, bể lắng, bể xử lý, máy trộn hóa chất… Tổng kinh phí xây dựng trong đợt 2 là 462 triệu đồng, toàn bộ do nhóm cổ đông bỏ ra. Hồ sơ gốc liên quan đến việc đầu tư trạm cấp nước được ông B.K.T.D nộp cho Công ty.

Năm 2004, UBND quận 8 có chủ trương thu hồi lại khu đất. Đến năm 2005, UBND phường 2 thu hồi một phần đất trạm nước (gần 60 m2), xây nhà sinh hoạt khu phố 3 đè lên giếng khoan số 3 của trạm cấp nước nên đơn vị thi công không thể làm hồ sơ quyết toán công trình.

Cũng theo ông B.K.T.D, UBND quận 8 yêu cầu ông cung cấp các hồ sơ chứng minh đã đầu tư kinh phí vào xây dựng trạm cấp nước để địa phương làm các thủ tục bồi hoàn tài sản còn lại khi thu hồi đất. Tuy nhiên, Công ty lại thông báo đã làm mất toàn bộ hồ sơ. Trong khi đó, hồ sơ bản sao do ông B.K.T.D cung cấp thì UBND quận 8 cho rằng không đủ cơ sở để địa phương làm các thủ tục bồi hoàn.

Nhiều mâu thuẫn

Ngày 22-7-2022, UBND quận 8 có Văn bản số 1482/UBND-TNMT, trong đó có đoạn: "Ngày 17-5-2022, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 8 đã có buổi làm việc với Công ty Xây dựng Giao thông Sài Gòn nhằm đề nghị nhanh chóng thực hiện việc di dời và bàn giao mặt bằng. Qua làm việc, các đơn vị đã thống nhất việc bàn giao mặt bằng".

Theo ông B.K.T.D, buổi làm việc giữa Công ty với UBND quận 8 không có sự tham dự của ông. "Thời điểm nguồn nước sạch khan hiếm, chúng tôi đầu tư làm trạm cấp nước sạch bảo đảm nguồn nước phục vụ đời sống của gần 400 hộ dân. Chúng tôi bỏ công sức, tiền của san lấp ao nước thành đất, quản lý đất rồi đầu tư trên đó. Vậy mà khi phát sinh những vấn đề liên quan đến bồi thường tài sản đầu tư thì lại gạt chúng tôi sang một bên. Chúng tôi đã gõ cửa nhiều cơ quan chức năng nhờ can thiệp nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả".

Tiếp chúng tôi, bà Nguyễn Vũ Lệ Hằng, Kế toán trưởng và ông Nguyễn Hoàng Trung, Trưởng Phòng Hành chính Tổng hợp Công ty Xây dựng Giao thông Sài Gòn, nhiều lần khẳng định Công ty là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, không huy động vốn của bất kỳ cá nhân nào. "Số tiền 122 triệu đồng là Công ty tạm ứng cho ông B.K.T.D để thực hiện công trình trạm cấp nước, đến giờ vẫn chưa hoàn ứng lại" - đại diện Công ty nói. Ngoài ra, hiện ông B.K.T.D chỉ mới thôi giữ chức quyền Giám đốc Xí nghiệp nhưng "vẫn còn là người của Công ty, chưa kết thúc hợp đồng lao động".

Trong khi đó, trong Văn bản 82/BC-XDGT ngày 24-5-2017 của Công ty gửi Thanh tra TP HCM xác nhận nguồn vốn đầu tư của trạm cấp nước "bao gồm nguồn vốn của Công ty và vốn huy động", trong đó, Công ty chi tạm ứng cho ông B.K.T.D số tiền 122 triệu đồng, "phần còn lại do ông B.K.T.D tự huy động nguồn vốn khác để thực hiện". Ngoài ra, Văn bản số 1482/UBND-TNMT của quận 8 có nhắc đến nội dung địa phương đã làm việc với Công ty Xây dựng Giao thông Sài Gòn, hiện nay ông B.K.T.D không còn là thành viên của Công ty.

Liên quan đến thông tin UBND phường 2 xây nhà khu phố 3 đè lên giếng khoan số 3 của trạm cấp nước, ông B.K.T.D cho biết đã báo cáo từ rất sớm nhưng Công ty lại thiếu trách nhiệm trong xử lý dẫn đến những rắc rối của hiện tại. Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, đại diện Công ty nói không hề hay biết hoặc nhận được bất kỳ báo cáo nào của ông B.K.T.D. Thế nhưng, trong Văn bản số 82/BC-XDGT của Công ty gửi Thanh tra TP HCM lại xác nhận có xảy ra sự việc này.

UBND quận 8 giải quyết ra sao?

Ngày 29-8-2022, UBND quận 8 có Văn bản số 976/TB-VP-XKT đề nghị ông B.K.T.D cung cấp các hồ sơ chứng từ liên quan đến các nội dung mà ông phản ánh trước đó, với điều kiện phải là bản chính hợp pháp hoặc sao y bản chính để địa phương "kiểm tra, đối chiếu".

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện lãnh đạo UBND quận 8 khẳng định: "Vụ việc được xử lý theo quy định pháp luật và dựa trên chứng từ hợp pháp".

Có quyền khởi kiện ra tòa

Theo thạc sĩ, luật sư Nguyễn Thanh Đạm (Đoàn Luật sư TP HCM), nếu có căn cứ cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại, ông B.K.T.D và các thành viên góp vốn có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Công ty Xây dựng Giao thông Sài Gòn bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp này, bên bị kiện chính là Công ty Xây dựng Giao thông Sài Gòn, bên có quyền và nghĩa vụ liên quan là UBND phường 2 và UBND quận 8. "Kèm theo đơn khởi kiện là các chứng cứ để chứng minh yêu cầu của mình phù hợp theo quy định của pháp luật" - thạc sĩ, luật sư Nguyễn Thanh Đạm lưu ý.

Bài và ảnh: Lê Vĩnh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/tran-ai-doi-boi-hoan-20221021213031861.htm