Trận chiến khốc liệt tại Bakhmut: Nga tạo thế gọng kìm, Ukraine quyết cố thủ
Thành phố Bakhmut tại tỉnh Donetsk đang là tâm điểm của các cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine trong nhiều tuần qua. Các trận đánh giành quyền kiểm soát thành phố này được cho là khốc liệt nhất kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.
Hình ảnh được lan truyền trên các phương tiện truyền thông cho thấy, chiến hào có ở nơi xung quanh Bakhmut, từ những cánh đồng đến các ngôi làng. Một số người cho rằng, thành phố Bakhmut giờ đã trở thành “cơn lốc hủy diệt” đối với quân đội của cả hai nước.
Trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Bakhmut có dân số khoảng 70.000 người. Đây là khu vực có mỏ muối lớn và là trung tâm giao thông nơi một số tuyến đường cao tốc lớn giao nhau.
Nhưng kể từ mùa Xuân, thành phố đã trở thành một phần của tuyến phòng thủ của Ukraine. Nga được cho là đã triển khai nhiều đơn vị được trang bị tốt tới khu vực này và liên tiếp tung đòn tấn công đối phương trong khi cố gắng kiểm soát những tuyến đường quan trọng dẫn đến phía Bắc và phía Tây.
Chiến thuật của các bên
Trong những ngày qua, quân đội Nga đã đạt được một số bước tiến xung quanh Bakhmut, với việc giành quyền kiểm soát nhiều cứ điểm quan trọng ở phía Bắc và phía Nam thành phố. Tuy vậy, Nga vẫn chưa thể bao vây hoàn toàn Bakhmut do thiếu lực lượng dự bị cơ động nên khó tận dụng lợi thế của bước đột phá này. Hiện, các lực lượng của Ukraine vẫn đang nỗ lực giữ vững phòng tuyến.
Theo New York Times, chiến lược của Nga ở Bakhmut giống với việc Nga tìm cách giành quyền kiểm soát các thành phố Sievierodonetsk và Lysychansk ở phía Đông vào tháng 6 vừa qua. Khi đó, Nga đã tận dụng ưu thế vượt trội về hỏa lực pháo binh để áp đảo đối phương và giành được chỗ đứng. Hai thành phố nói trên không chỉ là các trung tâm dân cư lớn mà còn có vai trò chiến lược về mặt quân sự.
“Bakhmut dù không phải là thành phố lớn nhưng là trung tâm liên lạc quan trọng, kết nối với Sloviansk, Kramatorsk và Konstantinivka và Nga cần phải giành được thành phố này bằng mọi giá”, chuyên gia quân sự Serhii Hrabsky lưu ý.
Lý giải về chiến thuật của Nga, chuyên gia quân sự Serhii Hrabsky cho rằng, quân đội nước này đang cố gắng tiến vào phía Nam và phía Bắc, tạo thành gọng kìm để đẩy các đơn vị của Ukraine ra khỏi thành phố. Nga đã tiếp tục gửi quân tiếp viện trong nỗ lực giành quyền kiểm soát thành phố sau khi có bước lùi ở Kherson, nơi lực lượng Ukraine đã giải phóng vào đầu tháng 11.
Đối với Ukraine, việc nắm giữ thành phố này sẽ khiến Nga không thể cắt đứt tuyến tiếp tế của họ và cũng không thể tiếp cận với Kramatorsk và Sloviansk, các thành trì quan trọng của Ukraine ở tỉnh Donetsk.
Đối với Nga, giành được quyền kiểm soát Bakhmut sẽ cho phép Nga tấn công vào các khu vực quan trọng khác. Điều này cũng sẽ giúp khích lệ tinh thần các binh sỹ Nga sau khi rút khỏi thành phố Kherson. Các lực lượng Ukraine đã xây dựng và củng cố tuyến phòng thủ tại khu vực này suốt 8 năm qua vì thế, nếu chiếm được Bakhmut, Nga sẽ có không gian tác chiến lớn hơn và dễ dàng tạo ra bước đột phá, ông Serhii Hrabsky nhận định. Từ Bakhmut, Nga có thể củng cố lực lượng và tạo bàn đạp để tiến tới Avdiivka. Avdiivka cũng là một cứ điểm quan trọng vì Ukraine đang phát động các cuộc tấn công Donetsk từ khu vực này.
Tuy vậy, một số chuyên gia quân sự suy đoán, rất ít có khả năng Nga sẽ đạt được bước tiến lớn ngay cả khi họ chiếm được Bakhmut, vì còn có rất nhiều tuyến phòng thủ khác của Ukraine.
Karolina Hird, một nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho rằng, Ukraine có thể lặp lại những gì họ đã thực hiện tại Severodonetsk. Theo đó, sau khi kéo Nga vào một trận chiến kéo dài hàng tháng, Kiev sẽ mở ra các cuộc tấn công mới nhằm vào những nơi phòng tuyến của Nga lỏng lẻo nhất. “Chúng ta có thể thấy điều tương tượng đang diễn ra xung quanh Bakhmut”. Nhưng chiến thuật này sẽ mang lại nhiều rủi ro cho Ukraine.
Rủi ro lớn
Các quan chức NATO lưu ý, Nga vẫn còn một số lượng lớn thiết bị và vũ khí bên trong Ukraine và cũng chưa có dấu hiệu cho thấy quân đội của họ thiếu hụt trầm trọng binh sỹ. Đánh giá này được đưa ra ngay sau khi Nga tuyên bố đã hoàn thành việc triển khai 300.000 binh sỹ được huy động theo sắc lệnh động viên một phần và có một số báo cáo cho rằng, một đợt huy động khác có thể diễn ra sau thời điểm Giáng sinh.
Ngay cả khi một lượng lớn vũ khí của NATO tiếp tục đổ vào Ukraine, phương Tây vẫn lo ngại Kiev sẽ phải gánh chịu thương vong nặng nề.
Theo giới phân tích, tổn thất của cả hai bên trong cuộc xung đột này là rất lớn dù cả Nga và Ukraine đều không tiết lộ có bao nhiêu binh sỹ thiệt mạng trong các cuộc giao tranh kéo dài tại Bakhmut. Một số binh sỹ Ukraine cho biết, các lực lượng của họ đang mất từ 30 đến 50 người mỗi ngày. Trong một phát biểu hồi đầu tuần, Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky cho biết, tình hình tại Bakhmut rất tồi tệ.
“Tình hình ở tiền tuyến rất khó khăn. Dù chịu tổn thất lớn, nhưng đối phương vẫn đang cố gắng tiến công ở khu vực Donetsk”, ông Zelensky nói./.