Trận đánh của người lính quân tình nguyện Việt Nam trên biên giới Lào - Campuchia
Đã 38 năm trôi qua, nhưng trận đánh ngày 16/9/1986 tại ngã 3 biên giới Thái Lan- Lào- Campuchia của Tiểu đoàn 210, Trung đoàn 20 Công an nhân dân vũ trang (sau chuyển tên thành Trung đoàn 687 Quân khu 5) vẫn được nhắc đến một cách đầy tự hào. Một trận đánh được Bộ Tư lệnh mặt trận 719 đánh giá có hiệu suất cao nhất và có ý nghĩa to lớn ở chiến trường bởi chỉ với 72 cán bộ, chiến sĩ đã tiêu diệt, làm bị thương 73 tên địch, thu nhiều vũ khí và trở thành chiến lệ để các đơn vị trên khắp mặt trận học tập kinh nghiệm.
Dấu ấn Khokon
Những năm cuối làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, Tiểu đoàn 210, Trung đoàn 687 (từ đây viết là Trung đoàn) chuyển đóng quân ở ở Bản Khokon (huyện Sumakha, tỉnh Champasak, Lào). Đây là khu vực giáp biên giới Lào và Campuchia nên Tiểu đoàn 210 có thêm nhiệm vụ truy quét quân Pôn Pốt lén lút xâm nhập, vận chuyển vũ khí, lương thực từ đất Thái Lan đi qua đất Lào vào sâu nội địa Campuchia. Sáng này 15/9/1986, trinh sát của Tiểu đoàn 210 nhận được tin cơ sở bí mật báo có 1 đoàn quân Pôn Pốt đã đột nhập vào khu vực, chúng đã vượt qua đường lớn đi về phía rừng già. Phó Tiểu đoàn trưởng Quân sự Bùi Quang Sản và Chính trị viên phó Tiểu đoàn Lê Ngọc Chinh khẩn trương hội ý và thống nhất: một mặt nhanh chóng báo cáo lên Trung đoàn, đồng thời tổ chức lực lượng sẵn sàng truy kích, tiêu diệt địch.
Đại úy Lê Ngọc Chinh đã chỉ huy 71 cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 1, 2 và 3, nhanh chóng lên đường theo dấu vết của đoàn quân Pôn Pốt để lại. Xuất phát lúc 9 giờ, đến 19 giờ thì ai ấy đều mệt mỏi. Thấy trời đã tối, rừng lại rậm rạp, hoang vu, dây leo chằng chịt, vận động khó khăn nên một số chiến sĩ đề nghị chỉ huy cho bộ đội nghỉ lấy sức, sáng sớm mai tiếp tục truy đuổi. Đồng chí Lê Ngọc Chinh hội ý nhanh với các đại đội để nhận định, phân tích tình hình sau đó động viên cán bộ, chiến sĩ khắc phục khó khăn, kiên quyết truy bám địch đến cùng, bởi nếu chậm chễ, địch có thể thoát khỏi sự truy đuổi của ta. Là người lính ở mặt trận, ai cũng hiểu, mệnh lệnh của người chỉ huy cần phải thực hiện, vậy nên dù rất mệt, nhưng ai nấy cũng đều cố gắng để tiếp tục lên đường.
Đến 21 giờ, đoàn quân truy kích đã vượt qua được khu rừng nguyên sinh, tiến ra một trảng nhỏ. Bỗng Phân đội trinh sát ra dấu hiệu dừng lại vì phát hiện phía trước khoảng 100m xuất hiện những chiếc võng buộc vào các gốc cây và địch ngủ say vì sau 1 ngày hành quân, mang vác nặng. Đại úy Lê Ngọc Chinh nhanh chóng tổ chức đội hình chiến đấu. Theo đó, đồng chí Nguyễn Thái Sơn (Trợ lý Tác chiến Tiểu đoàn) chỉ huy Đại đội 2 tiếp cận hướng chính diện, có khẩu đội cối 82 hỗ trợ; đồng chí Nguyễn Hữu Phát chỉ huy Đại đội 1 bao vây sườn phải khu vực địch ngủ; đồng chí Nguyễn Văn Truyện chỉ huy Đại đội 3 bao vây phía sườn trái của địch.
5 giờ ngày 16/9/1986, Đại đội 3 của đồng chí Nguyễn Văn Truyện nổ súng bắt đầu cho trận đánh. Sau 1 tiếng chiến đấu, quân địch tháo chạy vào rừng già. Kiểm tra chiến trường, ta thấy những gùi hàng đựng đạn, lương thực, quân trang, thực phẩm còn nguyên. Những khẩu AK, AR15 vứt ngổn ngang do địch bỏ chạy thoát thân. Kiểm tra các hướng chiến đấu, các chiến sĩ đếm được 40 xác chết tại trận, nhưng sau đó, đài kĩ thuật quân khu xác định qua điện báo của đám tàn quân còn sống sót về Sở chỉ huy của chúng thì địch chết và bị thương 73 tên. Về phía Tiểu đoàn 210, có 1 chiến sĩ hi sinh và 1 chiến sĩ bị thương. Trận đánh ngày 16/9/1986 của Tiểu đoàn 210 do đồng chí Lê Ngọc Chinh chỉ huy đã được Bộ Tư lệnh mặt trận 719 xác định là trận đánh có hiệu suất cao nhất và có ý nghĩa to lớn ở chiến trường K.
Khúc ca ngày khải hoàn
Cuộc hội ngộ của những người lính Tiểu đoàn 210 tại thành phố biển Quy Nhơn nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Trung đoàn trở nên ý nghĩa hơn khi 3/4 người chỉ huy của trận đánh ngày 16/9/1986 có mặt. Đây cũng là lần đầu tiên sau khi Trung đoàn 687 giải thể, đồng chí Lê Ngọc Chinh, Nguyễn Thái Sơn và Nguyễn Văn Truyện được hội ngộ cùng nhau. Những câu chuyện về những tháng ngày tình nguyện trên đất nước Chùa Tháp được kể lại và dường như mới chỉ là ngày hôm qua, không ai nghĩ đã gần nửa thế kỉ.
Đồng chí Lê Ngọc Chinh quê ở Thanh Hóa, nhập ngũ năm 1974 vào lực CANDVT Thanh Hóa. Ông là một trong số những người đầu tiên vào tiếp quản thành phố Đà Nẵng sau ngày giải phóng và được biên chế vào Trung đoàn 20 CANDVT làm nhiệm vụ quốc tế tại tỉnh Prech Vihear (Campuchia). Gần 10 năm ngoài mặt trận, ông chưa có cơ hội được học qua trường lớp nhưng đã ghi dấu bằng trận đánh mà bất cứ người lính nào của Trung đoàn cũng đều có thể ngẩng cao đầu tự hào. Năm 1987, đồng chí Lê Ngọc Chinh được tổ chức đưa về Việt Nam đi học nghiệp vụ tình báo. Sau đó, ông về công tác tại Tổng Cục 2 (Bộ Quốc phòng) và nghỉ hưu với quân hàm Đại tá.
Trả lời cho câu hỏi, vì sao không phải là Tiểu đoàn phó Quân sự Bùi Quang Sản dẫn quân truy kích mà lại là Chính trị viên phó? Đại tá Lê Ngọc Chinh cười bảo: “Với người lính ngoài mặt trận, vị trí công tác chỉ là 1 chức danh, còn thực tế thì chính trị hay quân sự cũng có thể làm tất cả nhiệm vụ. Lúc ấy, đồng chí Bùi Quang Sản vừa mới trải qua những ngày đi truy lùng, cần phải nghỉ ngơi. Tôi nhận nhiệm vụ như một điều hiển nhiên mà thôi”.
Nghe những lời khen ngợi, đồng chí Lê Ngọc Chinh, Nguyễn Thái Sơn và Nguyễn Văn Truyện đều khiêm tốn nói rằng, đội hình được bố trí rất chặt chẽ, phương án được tính toán rất cẩn thận, tuy nhiên, trận đánh cũng có một phần may mắn. Khoảng 4 giờ sáng, trời bắt đầu đổ mưa. Cơn mưa cuối mùa vẫn rất lớn, đến nhanh và xối xả. Trong khi những người lính của ta mặc sên vắt, muỗi rừng cắn, đốt chảy máu vẫn nằm im chờ đợi hiệu lệnh thì địch choàng dậy soi đèn pin mắc tăng che mưa. Chính hành động này cho ta thấy rõ vị trí, thậm chí áng chừng được số lượng quân địch. Hỏa lực được bố trí lại định hướng thẳng vào kẻ địch, vì thế, hiệu quả trận đánh cao hơn mong đợi.
Trận đánh ngày 16/9 được Bộ Tư lệnh mặt trận 719 biểu dương, trở thành chiến lệ được báo cáo tại thủ đô Phnompenh, Hà Nội; Tiểu đoàn 210 được tặng thưởng Huân Chương Chiến công hạng Nhất; đồng chí Lê Ngọc Trinh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì; đồng chí Nguyễn Văn Truyện, Nguyễn Hữu Phát được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Những người chỉ huy năm ấy cũng như những người lính khác sau phút giây tự hào đều nhắc lại sự hi sinh của đồng chí Quá (bị trúng đạn M72) và đồng chí Mỹ bị trúng mảnh đạn của địch khi truy kích. Với mọi người, không ai được phép quên những người nằm lại chiến trường và những năm tháng gian khổ nhưng cũng đầy tự hào ấy.