Trận động đất khiến Tổng thống Erdogan bị chỉ trích

Sự chậm trễ trong công tác ứng phó với động đất của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ khiến Tổng thống Tayyip Erdogan và đảng cầm quyền phải hứng chịu chỉ trích.

Năm 1999, khi một trận động đất cướp đi sinh mạng của gần 20.000 người tại miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ, một chính trị gia trẻ có tên Tayyip Erdogan - khi đó là thị trưởng Istanbul - có cơ hội đánh bóng danh tiếng khi đặt ra câu hỏi: Chính quyền đã ở đâu?

24 năm sau, khi đã trở thành tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan đang phải đối mặt với chính câu hỏi năm xưa của mình.

Ở nhiều khu vực chịu ảnh hưởng của động đất, người Thổ Nhĩ Kỳ phàn nàn về tình trạng thiếu trang thiết bị và hỗ trợ từ chính phủ, qua đó bỏ phí “thời gian vàng” 48 giờ sau thảm họa để tăng cơ hội sống cho các nạn nhân, theo Wall Street Journal.

Ông Erdogan đã cố gắng xoa dịu sự bức xúc của người dân khi hứa hẹn tái xây dựng các khu vực ảnh hưởng trong vòng một năm, cũng như trả tiền thuê nhà cho những người mất nhà cửa trong trận động đất. Tuy nhiên, ông vẫn sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn ngay trước thềm cuộc đua tranh cử tổng thống năm 2023.

Sự chậm trễ chết người

Chia sẻ với Wall Street Journal, ông Cumali Koyce - nhân viên bảo vệ ngân hàng tại thành phố Kahramanmaras, một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do động đất - cho biết ông vẫn nghe thấy tiếng người từ một tòa nhà đổ sập trong 48 giờ đầu. Đây chính là tòa nhà mà con gái và cháu ông sinh sống.

Ông đã cố gắng đào bới bằng tay, nhưng vô hiệu. Tới hôm 10/2, bốn máy xúc đã được điều tới hiện trường. Tuy vậy, tất cả những gì còn lại là các thi thể.

“Mọi người ở đây đều rất giận dữ”, ông Koyce nói khi chờ đợi thời điểm có thể mai táng thi thể người thân.

 Người dân và cả giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá công tác cứu hộ đã diễn ra không đủ nhanh. Ảnh: Wall Street Journal.

Người dân và cả giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá công tác cứu hộ đã diễn ra không đủ nhanh. Ảnh: Wall Street Journal.

Đây không phải vấn đề chỉ xảy ra tại Kahramanmaras. Tổng thống Erdogan đã phải thừa nhận nước công tác ứng phó với động đất của giới chức nước này đã diễn ra không đủ nhanh, Reuters đưa tin.

“Trên thực tế, chúng ta đã không đạt được tốc độ mong muốn trong ứng phó với thảm họa”, người đứng đầu nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ nói khi thị sát tỉnh Adiyaman hôm 10/2. “Tuy nhiên, kể từ khi động đất xảy ra, chính phủ đã cử mọi thiết bị và nhân lực tới hiện trường”.

Sự thành bại của công tác ứng phó với động đất sẽ góp phần không nhỏ quyết định việc ông Erdogan có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới hay không.

Trong những năm qua, chính trị gia này đã phải đối mặt với hàng loạt thách thức, từ cuộc khủng hoảng tiền tệ đến lạm phát tăng cao. Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền cũng đã đánh mất ghế thị trưởng ở thủ đô Ankara và Istanbul, thành phố lớn nhất nước.

Bản thân Tổng thống Erdogan cũng đánh mất sự ủng hộ của nhiều cử tri bảo thủ - những người trung thành nhất với ông - dù đã vớt vát lại được phần nào sự ủng hộ nhờ những nỗ lực ngoại giao trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Thảm họa lần này là cơ hội lớn với phe đối lập để công kích vị tổng thống.

“Chính phủ đã không chuẩn bị tốt. Họ có thể sẽ là nạn nhân bị trận động đất lần này vùi lấp”, ông Soli Ozel, giảng viên Đại học Kadir Has, Istanbul, nói.

Phe đối lập cũng cáo buộc ông Erdogan “chính trị hóa” cơ quan ứng phó thảm họa của đất nước (AFAD), qua đó làm suy yếu cơ quan này.

Họ cũng yêu cầu chính phủ giải trình thông tin về số tiền 38 tỷ USD thu được từ “thuế động đất” - vốn được đề ra sau trận động đất năm 1999 nhằm hỗ trợ công tác phòng ngừa và ứng phó với thảm họa.

 Tổng thống Erdogan thị sát khu vực bị ảnh hưởng do động đất tại Kahramanmaras, ngày 8/2. Ảnh: Phủ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ/Reuters.

Tổng thống Erdogan thị sát khu vực bị ảnh hưởng do động đất tại Kahramanmaras, ngày 8/2. Ảnh: Phủ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ/Reuters.

“Số tiền đó ở đâu rồi?”, ông Kemal Kilicaroglu, lãnh đạo phe đối lập Thổ Nhĩ Kỳ, đặt câu hỏi.

Năm 2012, ông Mehmet Simsek, Bộ trưởng Tài chính khi đó, thừa nhận số tiền thu được đã được sử dụng để xây đường cao tốc, đường sắt và các loại cơ sở hạ tầng khác. Trong khi đó, chính trị gia đối lập Muharrem Ince cho biết ngân sách Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn không có mục nào dành riêng cho phòng ngừa tác động của động đất.

Vấn đề về hệ thống

Tại tỉnh Gaziantep, các tình nguyện viên của AFAD cho biết họ không thể liên hệ với các nhà quản lý và giới chức địa phương trong ba ngày đầu sau vụ động đất. Văn phòng của AFAD cũng không có ai. Ông Erdogan nói rằng một số người trong đó có thể đã thiệt mạng hoặc mất người thân do thảm họa.

“Nhiều người đã chết do hạ thân nhiệt do sự chậm trễ”, Ceren Yedilar, một tình nguyện viên 29 tuổi, nói. “Một số gia đình quá giận dữ và tấn công chúng tôi”.

Trong khi đó, văn phòng của AFAD tại tỉnh Hatay bị hư hại, khiến công tác cứu hộ càng thêm khó khăn. Một số tình nguyện viên tới từ các khu vực khác của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ ít được chính phủ điều phối và phải tự mình hành động.

“Chính phủ không đưa được ai ra khỏi đây cả, kể cả người sống lẫn người chết”, một người đàn ông tuyên bố trong cơn giận dữ bên một căn nhà đổ.

Hệ thống ứng phó thảm họa của Thổ Nhĩ Kỳ đã có sự thay đổi đáng kể dưới thời Tổng thống Erdogan.

Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ có hai tổ chức ứng phó thảm họa riêng biệt: Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Thổ Nhĩ Kỳ và Hiệp hội tìm kiếm cứu nạn AKUT - vốn do các nhóm leo núi lập ra sau trận động đất năm 1999.

Tới năm 2009, chính phủ của ông Erdogan thành lập AFAD - vốn có nhiệm vụ là cơ quan điều phối chung. Tuy vậy, giới lãnh đạo của cơ quan có nhiều người đơn thuần là chính trị gia của đảng AKP và không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

 Các nạn nhân của vụ động đất được chôn cất tại thành phố Osmaniye, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Wall Street Journal.

Các nạn nhân của vụ động đất được chôn cất tại thành phố Osmaniye, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Wall Street Journal.

“Các nhóm ứng phó thảm họa chuẩn bị không tốt, trong khi vị trí của các trung tâm AFAD khu vực bị lựa chọn sai. Các cơ quan hợp tác và điều phối với nhau không đủ tốt”, AFAD tự đánh giá sau vụ động đất 5,9 độ tại Duzce, miền Bắc Thổ Nhĩ Kỳ năm 2022.

Sau thảm họa động đất năm 1999, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua đạo luật yêu cầu các tòa nhà mới xây phải có khả năng chống chọi tốt hơn với động đất. Tuy nhiên, công tác thực thi chưa đủ mạnh tay và chính quyền địa phương thường xuyên “nhắm mắt làm ngơ” trước vi phạm.

“Họ không nên cấp phép xây dựng cho những chiếc bẫy chết người như vậy”, bà Said Yildirim, cư dân Kahramanmaras, nhìn về một dãy nhà đã đổ sập. Bà cho biết chúng được xây trên nền đất yếu, trong khi cấu trúc tòa nhà cũng không đủ chắc chắn.

Nằm ở khu vực có dân cư tương đối bảo thủ, Karahmanmaras được coi là “thành lũy” của ông Erdogan. Trong cuộc bầu cử năm 2020, đảng AKP giành được 58% số phiếu - cao gần gấp bốn lần đối thủ về nhì.

Tuy nhiên, trận động đất có thể khiến điều này thay đổi.

“Ông Erdogan là một nhà lãnh đạo tốt, nhưng ông ấy không thể tiếp tục thắng cử”, ông Ali Akkurt, 57 tuổi, người đã mất năm thành viên trong gia đình do động đất, nói.

“Họ đã không chuẩn bị. Các tòa nhà đơn giản là đổ sập. Cả thành phố có mùi của sự chết chóc, ông Akkurt nói thêm.

Vết nứt lớn từ góc nhìn trên cao sau thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ Sau trận động đất 7,8 độ rạng sáng 6/2, một vết nứt lớn đã xuất hiện tại tỉnh Kahramanmaraş, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề hàng đầu do động đất.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tran-dong-dat-khien-tong-thong-erdogan-bi-chi-trich-post1400998.html