Trận 'hồng thủy' nhân tạo của người Ukraine để chặn Nga vào Kyiv
Ukraine đã cố tình xả nước từ một đập thủy điện để làm ngập làng Demydiv và chặn bước tiến của lực lượng Nga vào Kyiv.
Xung quanh Demydiv, một ngôi làng nằm ở phía bắc thủ đô Kyiv, người dân đang khắc phục hậu quả sau trận lũ lụt nghiêm trọng.
Trong hoàn cảnh bình thường, lũ lụt được xem như mang lại nỗi bất hạnh cho người dân. Nhưng lần này, người Ukraine đã cố ý tạo ra trận lũ tại ngôi làng nhằm tạo ra những vũng lầy cản trở xe tăng Nga tiến vào Kyiv và giúp quân đội nước này có thêm thời gian chuẩn bị phòng thủ, theo New York Times.
Các cư dân tại Demydiv đã phải trả giá với những ngôi nhà ngập trong dòng nước lũ xanh đen.
“Mọi người đều hiểu và vào lúc này, không ai hối tiếc về điều đó”, bà Antonina Kostuchenko, một người đã nghỉ hưu, cho biết. "Chúng tôi đã cứu Kyiv".
Những gì đã xảy ra ở Demydiv không phải là một ngoại lệ. Kể từ ngày đầu Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt", Ukraine đã nhanh chóng áp dụng chiến thuật phá hủy cơ sở hạ tầng để ngăn bước tiến của quân đội Nga được trang bị số lượng và vũ khí vượt trội.
Đến nay, Nga đang chuyển sang giai đoạn tiếp theo của chiến dịch, với mục tiêu mới là Donbas - khu vực ở miền Đông Ukraine, bao gồm hai vùng nhỏ hơn là Donetsk và Luhansk. Bộ Quốc phòng Nga ngày 25/3 tuyên bố các mục tiêu chính trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự tại Ukraine "đã được thực hiện".
Chính sách “tiêu thổ”
Demydiv bị ngập lụt khi quân đội Ukraine mở một con đập gần đó và khiến nước tràn vào vùng nông thôn.
Ở những nơi khác, Kyiv cũng cho nổ tung các cây cầu, đánh bom nhiều con đường và vô hiệu hóa các tuyến đường sắt cùng sân bay. Mục tiêu là làm chậm bước tiến của Nga, dồn lực lượng xe tăng vào địa hình kém thuận lợi.
Cho đến nay, hơn 300 cây cầu đã bị phá hủy trên khắp Ukraine, Bộ trưởng cơ sở hạ tầng Oleksandr Kubrakov cho biết.
Khi Nga cố gắng chiếm một sân bay quan trọng bên ngoài Kyiv vào ngày đầu tiên cuộc giao tranh, các lực lượng Ukraine đã nã pháo vào đường băng nhằm ngăn Moscow sử dụng nơi này để hạ cánh máy bay chở lực lượng đặc nhiệm.
Các chuyên gia quân sự nhận định chính sách “tiêu thổ" đóng vai trò quan trọng giúp Ukraine ngăn chặn các lực lượng Nga ở phía bắc và cản trở việc chiếm thủ đô Kyiv.
Một chiến thuật khác, được áp dụng thường xuyên ở Kyiv vào tháng trước và trong những ngày gần đây tại mặt trận miền Đông, là buộc lực lượng Nga sử dụng cầu phao để vượt sông sau khi phá hủy các cây cầu xung quanh.
Những địa điểm này đã được các đội pháo binh Ukraine lên kế hoạch cẩn thận trước, biến việc xây cầu phao trở thành một công việc tốn kém và đầy rủi ro đối với Nga.
Gần đây, quân đội Ukraine đã công bố video cho nổ tung một cây cầu khi xe bọc thép của Nga đang qua sông, khiến phương tiện lao thẳng xuống dòng nước. Ở phía đông của Kyiv, những cây cầu bị nổ tung cũng khiến một đội xe tăng Nga chìm trong vũng bùn lầy.
“Quân đội của chúng tôi đã tận dụng hợp lý các công trình kỹ thuật, dù là cho nổ đập hay cầu, để ngăn chặn bước tiến của lực lượng Nga”, ông Kubrakov nói. “Chiến lược đã được áp dụng ở khắp mọi nơi trong những ngày đầu tiên, và nó đang diễn ra ngay bây giờ ở Donbas, miền Đông Ukraine”.
Cái giá phải trả
Tuy nhiên, chiến lược này đòi hỏi Ukraine phải trả một cái giá lớn đối với cơ sở hạ tầng dân sự của đất nước.
Nhiều cây cầu, nhà ga, sân bay, kho chứa nhiên liệu và các cơ sở khác tại Ukraine cũng đã bị phá hủy trong cuộc tấn công, làm tăng gánh nặng tái thiết đất nước sau chiến tranh.
Chính phủ Ukraine cho biết tổng thiệt hại ước tính đối với cơ sở hạ tầng giao thông sau hai tháng xảy ra xung đột là khoảng 85 tỷ USD.
“Chúng tôi đã không cho nổ tung những cây cầu của chính mình nếu cuộc xung đột không diễn ra", ông Kubrakov cho hay.
Dù vậy, các quan chức, binh sĩ và người dân Ukraine cho biết chiến lược này đặc biệt hiệu quả. Trong các cuộc phỏng vấn, có hơn 10 cư dân nói rằng lợi ích chiến lược vượt trội hơn so với những khó khăn họ phải đối mặt.
“50 ngôi nhà bị ngập lụt không phải là một tổn thất lớn”, Volodymyr Artemchuk, một tình nguyện viên đang giúp cung cấp nhiên liệu cho các máy bơm thoát nước trong làng hoạt động, cho biết.
Trận lũ lụt đã phong tỏa vành đai phía bắc của Kyiv trên bờ Tây sông Dnipro, vị trí đóng vai trò quan trọng trong cuộc giao tranh vào tháng 3.
Vùng nước này cũng giúp tạo ra một rào cản hiệu quả đối với xe tăng và điều hướng cuộc chiến tới các khu vực đô thị chật chội, thích hợp để phục kích.
Lũ lụt cũng hạn chế khả năng băng qua một nhánh của sông Dnipro và sông Irpin. Các lực lượng Nga đã cố gắng vượt qua con sông đó nhiều lần nhưng đều không thành công. Họ thậm chí sử dụng cầu phao và lái xe băng qua khu vực đầm lầy, nhưng đều bị hỏa lực pháo binh của Ukraine cũng như điều kiện địa hình không thuận lợi chặn lại.
Theo lời kể của một người lính Ukraine tên là Denys, anh từng chứng kiến một cuộc vượt sông thất bại và xe tăng Nga bị cháy nằm rải rác trên bờ sông.
Trận lụt đã bảo vệ Kyiv nhưng cũng giúp bảo vệ Demydiv. Mặc dù những người lính Nga đã đi quanh ngôi làng, nơi này chưa bao giờ trở thành tiền tuyến trong trận chiến, và tránh được những thiệt hại sau các cuộc giao tranh.
Mặc dù một số người phàn nàn về việc dọn dẹp, dự kiến mất vài tuần hoặc thậm chí vài tháng, phần lớn dân làng vẫn vui vẻ tập hợp lại với nhau để sửa chữa lại nhà cửa.
Giữa cảnh nước lũ làm ngập sân sau và những chai nước ngọt trôi qua các ngôi nhà, nhiều phụ nữ vẫn nấu súp và mời mọi người vào ăn. Trong khi đó, một số người khác đổ đầy nhiên liệu cho máy bơm hút nước.