Trần Hữu Ngư – Ông già hừng đông giữa buổi hoàng hôn

Đọc sách của tác giả Trần Hữu Ngư, không bàn là hay hoặc như thế nào, tôi rất nể niềm đam mê âm nhạc và sức viết của ông. Giờ, Ông già hừng đông (nickname của tác giả) ở tuổi tám hai, vừa ra mắt quyển thứ bảy, đã có kế hoạch in tiếp quyển thứ tám.

Tuần trước, tôi có dịp đến chơi nhà tác giả Trần Hữu Ngư theo lời mời của ông. Khi đến nơi, cô con gái lớn, giáo viên dạy Văn cấp hai, đã chờ ngay cửa để dẫn tôi lên phòng trên lầu. Y phục tươm tất, ông đứng sẵn, bắt tay tôi nơi phòng văn, chỗ ông viết lách cũng là một góc của phòng ngủ.

Ông kê cái bàn nhỏ gần cửa sổ đặt laptop, phía trên tường gắn kệ sách, góc tường bên phải là kệ để dàn máy nghe nhạc. Thấy tôi chú ý dàn máy, ông hồ hởi nói: “Đây là tài sản quý giá nhất anh có, mất mấy chục năm dành dụm, sưu tập, đổi tới đổi lui mới được vậy đó em.”

Dàn máy của ông tuy không mắc tiền nhưng rất chuyên nghiệp và mang nét hoài cổ với amply Denon kiểu cũ, cặp loa Pioneer 3 đường tiếng, đầu CD và giá để CD với hơn 200 dĩa nhạc. Tình cờ máy phát bản Căn nhà ngoại ô của nhạc sĩ Anh Bằng giống vị trí căn nhà ông, trong con hẻm ngoằn ngoèo trên đường nhỏ thuộc quận Bình Thạnh, bản thu âm trước 75 với giọng ca mộc mạc của Kim Loan nghe qua dàn máy xưa, lòng càng thêm nhung nhớ.

Tác giả Trần Hữu Ngư.

Tác giả Trần Hữu Ngư.

Ông mời tôi đến chơi và tặng sách ông mới in, quyển thứ bảy, Những bài ca đi qua miền ký ức, tùy bút âm nhạc.

Thật ra, tôi mới quen tác giả Trần Hữu Ngư cách đây khoảng sáu bảy năm, gặp trong các buổi giao lưu văn nghệ cùng với các nhạc sĩ Đài Phương Trang, Y Vũ, Nguyễn Vũ, Bảo Thu, Hàn Châu, Mạnh Đình,… Những buổi đó, tôi để ý, người đàn ông dáng thấp, nhanh nhẹn, thường chọn ngồi góc, xa trung tâm, thâm trầm nhưng đến khi cất tiếng lên thì giọng rất sôi nổi. Sau biết ông thường viết báo với đề tài tân nhạc nên tôi làm quen, trò chuyện và dần thân hơn.

Quyển sách đầu tiên

Ông có tặng tôi thêm quyển sách đầu tiên: Tội nghiệp Boléro, in năm 2005. Ông xin lỗi vì chỉ còn bản photo. Ông kể: “Em biết không. Anh ra quyển này rất chật vật, từ khâu xin giấy phép đến lo tiền để in ấn. May nhờ bạn bè, người quen giúp đỡ nên sách cũng ra được. Khi cầm bản in trên tay, anh khóc luôn, ở tuổi sáu ba mới có quyển sách đầu tay! Mà chưa xong, sách ra, có người thích, khen thì lòng rất vui, người không đồng tình, nặng lời, làm lòng chùng xuống.”

Tội nghiệp Boléro cũng là tên bài viết chính, cùng với hơn bốn mươi tùy bút dài ngắn, tác giả muốn tâm tình với người đọc về nhạc Boléro. Theo tác giả: Nhạc Boléro dễ ca, dễ thuộc, không triết lý, sính chữ, không làm dáng nhưng lại có duyên, một thứ duyên ngầm, thấm đẫm từ làng quê nghèo, nơi ấy có con đê, bờ ao, lũy tre, cánh cò, đàn trâu ung dung trên đồng cỏ,… Có thể nói, nếu có bao nhiêu bài hát Boléro là có bấy nhiêu bức tranh Việt Nam được các nhạc sĩ vẽ lại trong đó. Đây là những bức tranh hiện thực, không trừu tượng, lập thể. Tác giả dự đoán: mười năm nữa nhạc Boléro sẽ lần nữa lên ngôi, sẽ được nhiều bạn trẻ yêu thích giống như lúc nó được khai sinh, thời thập niên 60 - 70. Và dự đoán này đã thành hiện thực.

Một số tác phẩm của tác giả Trần Hữu Ngư đã xuất bản.

Một số tác phẩm của tác giả Trần Hữu Ngư đã xuất bản.

Ông tâm tình: “Anh sinh ra ở Bình Tuy (nay thuộc Hàm Tân, Bình Thuận) học xong Tú tài, anh xin đi làm ngay để phụ giúp gia đình. Anh vào làm thư ký ở Ty học chánh của tỉnh. Thời gian rảnh, anh viết cho các tờ Điện tín, Sóng thần, Hòa bình với bút hiệu Phan Trần, còn Trần Hữu Ngư là tên thật. Sau 1975, anh làm đủ thứ nghề, thợ hồ, thợ mộc, lơ xe,… rất gian nan.

Giữa thập niên 80, anh vào Sài Gòn mưu sinh, may được các đàn anh, bạn bè giúp đỡ, có công việc cũng tạm ổn. Lúc đó, anh thèm được nghe những bản Boléro cho vơi bớt nỗi nhớ nhà. Đến năm 1993, anh bán đất ngoài quê, gom góp mua căn nhà này, lúc đó rất ọp ẹp, rồi đưa vợ con vào sinh sống cho đến nay. Từ đó, rảnh rỗi anh viết lại, gửi đăng các báo, Thanh niên, Tuổi trẻ, Phụ nữ,… Tội nghiệp Boléro là từ các bài báo đó mà ra.”

Quyển sách thứ bảy

Vượt qua được những trở ngại ở quyển đầu tiên, ông mạnh dạn ra mắt các quyển tiếp theo, Ông già hừng đông, Những bài ca đi qua tôi trong chiến tranh, Trời cao đất thấp chúng ta thì; Ủa, sao kỳ lạ vậy?, Kẹo kéo chuông và lúa, vẫn với đề tài tân nhạc Việt Nam. Và đến hôm nay là quyển sách thứ bảy.

Những bài ca đi qua miền ký ức có số phận đặc biệt hơn những quyển trước. Số là, những người bạn văn quen ông qua Facebook, thú vị với những bài viết và biết ông có ước muốn in thành sách mới nên đã tận tình yểm trợ không điều kiện. Nhờ vậy, quyển này đầy đặn hơn so với các quyển trước, gần 400 trang, được biên tập kỹ lưỡng, trình bày, dàn trang rất trang nhã, đặc biệt có tranh bìa rất ấn tượng của Đinh Trường Chinh, con trai họa sĩ Đinh Cường.

Bìa cuốn Những bài ca đi qua miền ký ức.

Như tên gọi, tác phẩm là những tùy bút ghi lại ký ức của tác giả gắn với những bài ca ông yêu thích. Đó là bài Mẹ tôi của Nhị Hà, nhạc sĩ ít người nhớ tới, chỉ nghe câu hát: "Mẹ tôi đau buồn nặng trĩu đôi vai. Bao năm nuôi đàn trẻ thơ nhỏ dại". Ông viết: “Ngày ấy, tản cư là chuỗi ngày dài khổ đau, mẹ tôi là người vất vả nhất. Đi tản cư, mẹ tôi cứ nhắm rừng sâu gồng gánh mà đi. Cây đòn gánh oằn lưng vì một bên là con, một bên lủ khủ nào là gạo, muối, khoai, bắp, đậu,… Tôi không thể nào quên hình ảnh mẹ nhai cơm độn khoai, cắn thêm tí muối hột cho đậm đà, nhai cho thật nhuyễn rồi lấy đút vào miệng em tôi… Giờ mẹ tôi đã qua đời. Mỗi ngày đi giữa Sài Gòn, nhìn hàng cây bên đường, nhìn những bà mẹ gồng gánh hàng rong, lòng tôi rưng rưng nhớ mẹ, nhớ rừng.”

Đó là bài Đường xưa lối cũ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, với câu hát: "Đường xưa lối cũ có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo". Ông viết: “Riêng tôi, tôi vẫn nhớ lũy tre làng, vì nơi tôi sinh ra rồi lớn lên, nhìn đâu cũng thấy cây tre, thấy những con chim đậu mút trên đầu ngọn tre đu đưa, tưởng có thể nó rớt xuống được, và gió lay cành tre kẽo kẹt làm nên một điệu nhạc vui tai… Tôi đã xa quê lâu rồi. Xa thật rồi. Dù xa quê nhưng ai ngăn được nỗi nhớ quê hương.”

* * *

Đọc sách của tác giả Trần Hữu Ngư, không bàn là hay hoặc như thế nào, tôi rất nể niềm đam mê âm nhạc và sức viết của ông. Giờ, Ông già hừng đông (nickname của tác giả) ở tuổi tám hai, vừa ra mắt quyển thứ bảy, đã có kế hoạch in tiếp quyển thứ tám. Ông nói: “Trong thời gian bán cho hết quyển này, anh sửa bản thảo quyển mới, rồi gom tiền in tiếp”.

Cảm nhận niềm hạnh phúc của ông, tôi chợt nhớ câu thơ, Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới trong bài Dạ khúc của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền và nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã phổ thành bản Dạ tâm khúc. Ông tiếp: “Sắp tới có tạp chí sẽ tổ chức giới thiệu sách của anh, có ca Boléro nữa, anh mời em, nhớ đến dự nha.” Tôi cười, vui vẻ nhận lời và chúc tác giả Trần Hữu Ngư luôn vui khỏe và tiếp tục viết những trang sách mới.

Hoàng Phương Anh

Sài Gòn, tháng Bảy 2024

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tran-huu-ngu-ong-gia-hung-dong-giua-buoi-hoang-hon-44456.html