Tràn lan phụ tùng xe máy giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường

Phụ tùng xe máy giả không chỉ xuất hiện ở thị trường truyền thống mà còn xuất hiện tràn lan trên các nền tảng thương mại điện tử.

Hàng thật, hàng giả lẫn lộn

Thực trạng hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực xe máy, xe điện không chỉ diễn ra phổ biến ở việc nhái thương hiệu, mà còn là vi phạm kiểu dáng công nghiệp, đặc biệt là ở các dòng xe máy 50cc, xe máy điện. Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2022, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đã phát hiện và phối hợp cùng cơ quan chức năng xử lý 292 trường hợp bán hàng giả, hàng nhái. Trong đó, dầu giả hơn 2.000 chai, má phanh 950 cái, lọc gió 300 cái.

Trước đó vào năm 2021, lực lượng chức năng cũng phát hiện và thu giữ hơn 30.000 linh kiện, phụ tùng xe máy, hơn 160.000 nhãn mác giả được sản xuất tại 3 cơ sở thuộc thành phố Huế. Các sản phẩm thuộc hãng xe nổi tiếng như Honda, Yamaha... với tổng giá trị hơn 700 triệu đồng. Điều này đã khiến các nhãn hàng thành viên của VAMM gặp khó khăn trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Lực lượng chức năng thu giữ số lượng lớn phụ tùng xe máy giả nhãn hiệu Honda, Yamaha

Lực lượng chức năng thu giữ số lượng lớn phụ tùng xe máy giả nhãn hiệu Honda, Yamaha

Được đánh giá là điểm nóng về tình trạng phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu, chỉ trong vài tháng qua, lực lượng chức năng tỉnh Ninh Thuận đã phát hiện nhiều cơ sở buôn bán các loại phụ tùng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Honda, Yamaha. Điển hình, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tiến hành kiểm tra 06 cơ sở kinh doanh phụ tùng xe máy trên địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, gồm: Hộ kinh doanh Thành Tâm, Hộ kinh doanh phụ tùng xe máy Trung Thành, Hộ kinh doanh Nhật Khánh, Hộ kinh doanh Hiệp Thái, Hộ kinh doanh Huy Hoàng và Hộ kinh doanh Thuận Tín.

Qua kiểm tra, phát hiện các cơ sở đang kinh doanh, bày bán một số loại phụ tùng xe máy có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Honda và Yamaha đang được bảo hộ của Công ty Honda Motor và Công ty Yamaha Motor tại Việt Nam, bao gồm: 72 đơn vị hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Honda (yên xe, bạc đạn, cao su gác chân, tấm lọc khí, đĩa ma sát ly hợp, bánh răng đo tốc độ, cần tăng cam, nhông đồng hồ), 24 đơn vị hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Yamaha (bittong, ống dẫn dầu, ổ khóa xe, rơle đề). Đáng nói, đây chỉ là một trong số ít những vụ bắt giữ phụ tùng giả tại địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Đa phần các phụ tùng chính hãng do nhà sản xuất có uy tín sản xuất có giá hơi cao, nhưng bù lại chất lượng luôn được đảm bảo, rất an toàn cho người sử dụng. Trong khi đó, hàng giả, hàng nhái thường có giá khá mềm, chỉ bằng khoảng 50 – 60% giá sản phẩm chính hãng. Những loại phụ tùng chuyên bị làm giả đều là những loại có tần suất sử dụng khá cao như: Piston, Séc măng, má phanh, lọc nhiên liệu, bugi…

Một số loại phụ tùng thật - giả

Một số loại phụ tùng thật - giả

Đáng chú ý, dạo qua các sàn thương mại điện tử và các diễn đàn, những loại linh kiện, phụ tùng xe máy được bày bán tràn lan gắn mác thương hiệu lớn như Honda, Yamaha,... Để tiếp cận được khách hàng, người bán thường quảng cáo những sản phẩm này là hàng chính hãng, chỉ mất hộp hoặc mất tem. Ngoài ra, chúng cũng được đội lốt dưới tên gọi hàng OEM (hàng được bán từ nhà máy sản xuất cho hãng). Các phụ tùng, linh kiện giá rẻ thường có lượt bán cao, khoảng 1-4.000 lượt mua/sản phẩm. Nhiều người dùng không ngại đặt mua những linh kiện, phụ tùng này dù không thể phân biệt được hàng thật hay giả bởi tâm lý tiết kiệm, ham rẻ.

Khó bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Thông tin tại hội thảo với chủ đề “Phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là xe điện, xe máy, phụ tùng xe máy - Thực trạng và giải pháp” mới đây, bà Đại Khả Quỳnh - Trưởng Ban Sở hữu trí tuệ, VAMM cho biết, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (gồm 5 thành viên: Công ty Honda Việt Nam, Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam, Công ty TNHH Piaggio Việt Nam, Công ty TNHH Việt Nam Suzuki và Công ty Hữu hạn chế tạo công nghiệp và gia công chế biến hàng xuất khẩu Việt Nam -SYM Việt Nam) đã có thời gian phát triển lâu dài và tạo dựng được tên tuổi nhất định đối với các sản phẩm xe máy, phụ tùng xe máy mang thương hiệu công ty. Tuy nhiên, ngành công nghiệp sản xuất xe máy cũng phải đối mặt với vấn nạn về hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là xe điện, xe máy, phụ tùng xe máy.

Người tiêu dùng phân biệt hàng thật - hàng giả

Người tiêu dùng phân biệt hàng thật - hàng giả

Bà Đại Khả Quỳnh thông tin, với mục đích trục lợi, các đơn vị sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã bỏ qua các chi phí đầu tư để phát triển thương hiệu, chất lượng, kiểu dáng sản phẩm, thay vào đó lợi dụng tên tuổi và sự đầu tư sẵn có của các nhà sản xuất khác để sản xuất, kinh doanh các sản phẩm làm giả, làm nhái của mình.

Bên cạnh đó, các thành viên của VAMM cũng gặp khó khăn trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với các nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ tại Việt Nam. Trong các mẫu xe máy điện, xe máy 50cc đang được bày bán trên thị trường với đủ các mẫu mã, chủng loại, có không ít các sản phẩm mang yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và/hoặc kiểu dáng công nghiệp của các nhà sản xuất thuộc VAMM như: xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và/hoặc kiểu dáng công nghiệp xe “Cub” của Honda, xe “Vespa” của Piaggio.

Tinh vi hơn, các đơn vị sản xuất xe máy điện nhái kiểu dáng công nghiệp của các dòng xe có thương hiệu chỉ thay đổi một số chi tiết nhỏ trong kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ để áp dụng cho sản phẩm của mình, khiến việc xử lý càng trở nên khó khăn hơn - Trưởng Ban Sở hữu trí tuệ, VAMM cho hay.

Theo ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ - Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra trên mọi lĩnh vực, địa bàn, ở cả khu vực sản xuất, lưu thông và xuất nhập khẩu, với mọi loại hàng hóa, từ hàng tiêu dùng thông thường đến các hàng hóa có giá trị cao, hàng hóa có chức năng quan trọng. Hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ sản xuất ở Việt Nam, mà còn sản xuất cả ở nước ngoài và đưa về Việt Nam tiêu thụ.

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đối với các mặt hàng phụ tùng, phụ kiện xe máy nói riêng, hàng hóa nói chung xuất hiện chẳng những ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, an toàn tính mạng của người sử dụng. Quan trọng hơn, dưới góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang làm phương hại rất lớn đến cả lợi nhuận và uy tín của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, tạo tác động tiêu cực đến quyết định đẩy mạnh đầu tư của các doanh nghiệp này.

Về dài hạn, vấn đề này làm giảm chỉ số xếp hạng môi trường đầu tư của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do nổi bật như CPTTP, EVFTA, trong đó việc bảo hộ thực thi quyền sở hữu trí tuệ luôn là một trong những nội dung quan trọng của cam kết.

Ông Nguyễn Đức Lê kiến nghị cần sự tham gia quyết liệt của các hiệp hội chung tay cùng doanh nghiệp đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, cần phải có những công cụ, giải pháp được pháp luật thừa nhận nhằm hỗ trợ lực lượng quản lý thị trường thực thi nhiệm vụ.

Để nâng cao hiệu quả công tác phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã xây dựng cổng giải quyết tranh chấp trực tuyến online.gov.vn tiếp nhận thông tin, gửi khiếu nại, phản hồi thông tin phối hợp xử lý… Đồng thời, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Y tế, các cơ quan liên quan gỡ bỏ các gian hàng, sản phẩm vi phạm.

Để nhận diện được phụ tùng xe máy chính hãng, những dấu hiệu ban đầu về bao bì và tem nhãn là một yếu tố rất là quan trọng như: tất cả phụ tùng, linh kiện đều được đóng gói trong bao bì đạt tiêu chuẩn, còn nguyên vẹn, ko rách nát. Tem nhãn dán, logo được in chữ sắc nét, không ngắt quãng và có mã số phụ tùng in trên bao bì cùng hướng dẫn sử dụng.

Trang Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tran-lan-phu-tung-xe-may-gia-vi-pham-quyen-so-huu-tri-tue-tren-thi-truong-224265.html