Tràn lan sốc, độc... hại!
Hàng chục kênh YouTube lớn và rất lớn bị gỡ bỏ, chức năng kiếm tiền của nhiều kênh có lượng người theo dõi hàng đầu bị chặn, nhưng các video có nội dung nhảm nhí, chưa phù hợp tiêu chuẩn cộng đồng của Việt Nam vẫn tràn lan trên thế giới mạng. Không đơn thuần là trò giải trí, thu hút người xem để mua vui, tăng tương tác, có chủ kênh YouTube, Tik Tok kiếm cả trăm triệu đồng một tháng, hàng tỷ đồng một năm nhờ sản xuất nội dung trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đã hấp dẫn nhiều người lao vào cuộc phiêu lưu trong thời công nghệ cũng như kích thích sự ra đời của các video được coi như 'rác mạng'...
Hàng chục kênh YouTube lớn và rất lớn bị gỡ bỏ, chức năng kiếm tiền của nhiều kênh có lượng người theo dõi hàng đầu bị chặn, nhưng các video có nội dung nhảm nhí, chưa phù hợp tiêu chuẩn cộng đồng của Việt Nam vẫn tràn lan trên thế giới mạng. Không đơn thuần là trò giải trí, thu hút người xem để mua vui, tăng tương tác, có chủ kênh YouTube, Tik Tok kiếm cả trăm triệu đồng một tháng, hàng tỷ đồng một năm nhờ sản xuất nội dung trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đã hấp dẫn nhiều người lao vào cuộc phiêu lưu trong thời công nghệ cũng như kích thích sự ra đời của các video được coi như "rác mạng"...
Bỗng dưng... giàu có!
Còn nhớ, tháng 11-2019, tài khoản YouTube có số lượng người đăng ký theo dõi hàng đầu Việt Nam đăng tải video mà ai trót xem qua đều dễ rùng mình sợ hãi: "Thả 100 cái dao trên cao xuống". Với các chi tiết diễn tả một thanh niên buông tay để rơi hơn 100 con dao từ sân thượng ngôi nhà mà đích đến là miếng thịt đặt trên xốp mỏng cùng quả dưa hấu và những chai nước ngọt, video được thực hiện khá cẩu thả, dễ gây ra những ngộ nhận nguy hiểm cho người muốn bắt chước, nhưng lại không hề bật chức năng giới hạn độ tuổi và cảnh báo nội dung giúp mỗi cá nhân tự cân nhắc trước khi xem. Gặp phản ứng gay gắt từ cộng đồng, sau nhiều ngày, chủ kênh đã đặt video ở chế độ riêng tư. Tuy nhiên "Thả 100 cái dao trên cao xuống" không phải video có hơi hướng tiêu cực duy nhất của kênh này mà chủ kênh từng có sản phẩm bị cơ quan chức năng mời làm việc do không tuân thủ quy định của pháp luật...
Thực tế từ năm 2019 tới nay, cùng với tốc độ phát triển mỗi ngày của công nghệ lẫn sự gia tăng doanh số quảng cáo, lượng video vô bổ, thậm chí độc hại cũng được phát tán theo cấp số nhân. Đặc biệt, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tại châu Á, thị trường video trực tuyến đã chạm mốc 30 tỷ USD và Việt Nam là một trong những điểm nóng gia tăng nhanh nhất về số lượng người xem. Các nền tảng chia sẻ video trực tuyến không còn đơn độc trên YouTube mà lan sang Facebook, Instagram cùng "cơn sốt" mới: Tik Tok... Những lan tỏa từ các hiện tượng "thần kỳ" như kênh Bà Tân vlog của một phụ nữ nông thôn nghèo, bỗng chốc... nổi tiếng và giàu có, đã kéo theo làn sóng... nhà nhà làm YouTube, người người thành YouTuber. Kênh Bà Tân vlog thuở ban đầu chất phác, hồn hậu với những video thiên về ẩm thực kèm các câu nói dễ thương, ngay lập tức trở thành hot trend "gần 60 nồi bánh chưng của bà", "siêu to khổng lồ"... đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Mục đích rõ ràng: càng nhiều người đăng ký kênh càng thắng, càng hút được nhiều người xem video là thành công, các YouTuber bắt đầu ào ạt xông vào cuộc chiến lôi kéo lượt view, subscribe (đăng ký theo dõi)... Vũ khí giành thắng lợi trong "cuộc chiến" này chính là những video mang hơi hướng giật gân, câu khách... Nắm bắt thị hiếu của một bộ phận người dùng mạng xã hội, các chủ kênh chia sẻ video vắt óc nghĩ ra các nội dung sốc, độc mà ít bận tâm đến hệ quả có hại cho người xem, nhất là lứa tuổi thanh thiếu nhi... Có những video luôn được chạy dòng chữ: "Bạn đã giúp chúng tôi có được 8 đồng khi click vào đây". Từ sự ganh đua lợi nhuận ít màng đến hiệu ứng xã hội, mối lo về một không gian mạng thiếu an toàn, thiếu văn hóa đã thường trực trong số đông người, đặc biệt các phụ huynh có con nhỏ... Hy hữu, có trường hợp trẻ nhỏ phải cấp cứu vì nguy hiểm tính mạng khi thực hiện những hành vi dại dột do sự xúi bẩy từ các video hướng dẫn tự tử trên mạng. Trước thềm Tết Canh Tý 2020, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) đã rất lấy làm tiếc khi phải cắt đi cánh tay của một nam sinh lớp 9 do đa chấn thương. Đầu năm nay, một em bé 10 tuổi ở Quảng Ninh trốn đi mua cồn về đốt bị bỏng nặng, giữ được mạng nhưng bố mẹ bé phải tốn kém rất nhiều tiền chạy chữa.
Tik Tok (một nền tảng chia sẻ video ngắn ra đời từ năm 2016) thông báo đã gỡ hàng trăm triệu video có nội dung bạo lực trên thế giới, trước cả khi người dùng báo cáo, trong đó phần lớn các video đó chưa có lượt xem...
YouTube không cho phép xuất hiện các nội dung gây tổn hại cho sức khỏe và tinh thần của trẻ em: Khiêu dâm trẻ vị thành niên, quấy rối tình dục, kích động bạo lực, xúi bẩy trẻ em có hành vi gây hại cho chính mình, tránh các nội dung gây nên cảm xúc tiêu cực cho trẻ em như đau buồn, chửi bới, lăng mạ cá nhân, hướng dẫn người khác bắt nạt trẻ em, tránh các nội dung về ma túy, cái chết, bạo lực...
Trẻ em - vùng nhạy cảm đang thiếu an tòan
Đạt nút vàng YouTube trong một quãng thời gian ngắn kỷ lục, được hưởng ứng nhiệt thành và trở thành YouTuber được truyền thông săn đón, công chúng yêu mến, Bà Tân vlog đã mất phương hướng, bối rối khi duy trì phong độ của mình. Trong khi đó, con trai bà Tân, chủ nhân các kênh Hưng vlog và Hưng troll hơn một lần nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì xuất bản các video bị coi là phản cảm. Tiếc thay, những kênh YouTube không có định hướng giáo dục như Hưng vlog mỗi lúc một sản sinh thêm, gây nên sự nhiễu loạn chưa từng có. Theo quy định hiện hành của pháp luật, các cá nhân đều có quyền thiết lập kênh mạng xã hội riêng, được quyền sản xuất nội dung nhưng phải chịu trách nhiệm về các nội dung do mình đăng tải cũng như chấp hành sự hậu kiểm của các cơ quan chức năng. Làn sóng phẫn nộ của dư luận khiến YouTuber Thơ Nguyễn phải tạm đóng kênh YouTube của mình một thời gian... Sau video Xin vía Kumathong trên Tik Tok bị phản ứng kịch liệt, phía Tik Tok đã xóa kênh của Thơ Nguyễn. Ở kênh YouTube của mình, Thơ Nguyễn cũng phải ẩn nhiều nội dung từng bị cộng đồng lên án.
Rất dễ để điểm danh, gọi tên các kênh YouTube, Tik Tok... chứa đựng nội dung có hại với trẻ em, nhưng để tránh sự hiếu kỳ, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi tạm thời không nhắc đến. Dù vậy trên thực tế, có nhiều sự việc đáng tiếc đã xảy ra, như một thiếu niên phải nằm viện vì tai nạn bỏng do học đòi làm pháo theo YouTube, những cô bé con tự cắt tóc mình cũng vì... bắt chước video trên mạng... Dù các nền tảng mạng xã hội đều có Tiêu chuẩn cộng đồng, và các Tiêu chuẩn cộng đồng có quy định chặt chẽ bảo vệ trẻ em, nhưng nhiều YouTuber, Vlogger... tinh khôn, luôn biết cách lách qua sự kiểm duyệt của A.I (trí tuệ nhân tạo) để đăng tải nội dung vi phạm. Chính sách chặn chức năng quảng cáo, ràng buộc chặt chẽ hơn khi cung cấp chức năng tính tiền từ quảng cáo của YouTube cũng là tác nhân khiến các YouTuber, Vlogger... bất chấp hơn khi đăng tải các sản phẩm đánh vào trí tò mò của công chúng, cốt gây sự chú ý khiến người dùng vô thức click vào các video tầm phào, lệch lạc, thậm chí nguy hại...
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tieu-diem-hangthang/tran-lan-soc-doc-hai--647911/