Tràn lan thiết bị công nghệ xâm phạm đời tư trên mạng

Thiết bị nghe lén, quay trộm là những sản phẩm kinh doanh có điều kiện và chỉ dùng cho các đơn vị chuyên trách nhưng hiện nay được bán tràn lan không kiểm soát. Thậm chí các loại thiết bị đặc thù sử dụng để phá sóng chỉ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an mới được kinh doanh và người mua cũng phải được sự cho phép của các bộ này cũng được bán tràn lan trên mạng.

Dễ như… mua rau

Theo Nghị định số 66/2017/NĐ-CP, quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị có hiệu lực từ ngày 5/7/2017 thì các loại thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình chỉ được bán cho các cơ quan chuyên trách phục vụ bảo vệ an ninh và điều tra hình sự gồm: cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; cơ quan có trách nhiệm thi hành biện pháp ghi âm, ghi hình bí mật theo điều kiện, thẩm quyền, thủ tục về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt do bộ luật tố tụng hình sự quy định.

Thiết bị làm nhiễu sóng được bán trên sàn thương mại điện tử Lazada.

Thiết bị làm nhiễu sóng được bán trên sàn thương mại điện tử Lazada.

Việc buôn bán các sản phẩm này còn được quy định chặt chẽ như hàng quý, cơ sở phải gửi báo cáo, kèm theo thống kê danh sách cơ quan đã mua thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị gửi cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự. Khi sản phẩm bị hư hỏng phải tổ chức tiêu hủy.

Nghị định này cũng định nghĩa, thiết bị ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình là thiết bị ghi âm, ghi hình giấu trong đồ vật thông thường hoặc thiết bị ghi âm, ghi hình được giả dạng thiết bị, đồ vật thông thường. Thiết bị ngụy trang dùng để định vị là thiết bị có tính năng xác định vị trí, mục tiêu được giấu trong thiết bị, đồ vật thông thường hoặc giả dạng thiết bị, đồ vật thông thường…

Thế nhưng chỉ cần search cụm từ “thiết bị ghi âm”, “thiết bị quay trộm”, “thiết bị nghe lén” trên mạng xã hội sẽ cho ra hàng loạt những hội nhóm rao bán các sản phẩm này với những lời quảng cáo có cánh. Mua bán dễ dàng, nhanh gọn, lắp đặt tận nơi, kín đáo và bí mật, các loại thiết bị theo dõi đang “làm mưa làm gió” trên thị trường. Ai cũng có thể dễ dàng tìm kiếm đủ loại thiết bị theo dõi, với mức giá chỉ từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.

Một page có tên “Camera siêu nhỏ - thiết bị định vị nghe lén ghi âm - công ty công nghệ 268” quảng cáo: “Camera pin sạc dự phòng H8-quay hình ảnh 4k nét căng, kết nối từ xa qua điện thoại mẫu mới 2023 camera ngụy trang sạc dự phòng vẫn sử dụng để sạc cho điện thoại và các thiết bị khác như một chiếc pin dự phòng thông thường, ngoài ra nó được gắn thêm một chiếc camera mini siêu nhỏ giúp bạn có góc quay rộng 150 độ cũng như độ phân giải 4k siêu nét, hỗ trợ thẻ nhớ tối đa 128GB, dung lượng pin 15h ngoài ra muốn sử dụng lâu thì có thể cắm điện trực tiếp để sử dụng 24/24, ngoài ra chiếc camera pin dự phòng này có tích hợp 2 mắt hồng ngoại đen quay đêm không hề phát sáng giúp bạn quay đêm được kể cả trong điều kiện ánh sáng tối như mực vẫn quay tốt”.

Không chỉ trên mạng xã hội, trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, “bút ghi âm”, “thiết bị nghe lén từ xa”, “camera quay lén siêu nhỏ”, “camera ngụy trang cúc áo”, “sim ghép nghe lén điện thoại”, “con chip định vị siêu nhỏ”… gắn vào điện thoại để đọc trộm tin nhắn Zalo, Faceook, Viber trên điện thoại… cũng rao bán nhan nhản.

Bất kì ai cũng có thể mua các sản phẩm này mà không cần cung cấp bất kì loại giấy tờ nào cho người bán. Chỉ từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng, người mua có thể sở hữu cho mình một thiết bị được quảng cáo công khai là thiết bị dùng để quay lén mà không sợ bị cơ quan chức năng xử lý.

Nhu cầu khám phá bí mật của người khác ngày một tăng cao. Có cầu ắt có cung, ngoài các thiết bị an ninh bị cấm lưu hành trên thị trường đang nhan nhản trên các trang web quảng cáo, rao vặt, tài khoản mạng xã hội... thì các sản phẩm phần mềm theo dõi điện thoại cũng được giới thiệu và tỏ ra vô cùng nguy hiểm.

Thế nhưng giá cả các phần mềm nghe lén này cũng lên tới cả chục triệu đồng, chạy ẩn trên chính chiếc điện thoại của đối tượng bị theo dõi, mà để sử dụng, người dùng cần phải cài đặt trộm từ trước. Phần mềm này có dung lượng nhẹ nên cài đặt rất nhanh trên điện thoại mục tiêu với những thao tác đơn giản.

Các thiết bị nghe lén được bán công khai trên mạng.

Các thiết bị nghe lén được bán công khai trên mạng.

Liên hệ với một nick rao bán thiết bị định vị chỉ để theo dõi chồng vì nghi ngờ ngoại tình, phóng viên được người này khẳng định chắc nịch: “Chị yên tâm, ghi âm, ghi hình cực nét, chị cứ gắn bí mật trên xe ôtô là biết được hết chồng chị đi đâu làm gì, gọi điện, liên lạc với ai”. Nhưng khi phóng viên hỏi nguồn gốc xuất xứ thiết bị thì người này chỉ nói là hàng nhập, đảm bảo nguồn gốc, bảo hành 1 năm cho khách sử dụng. Người này cũng không quên quảng cáo: “Nếu chị muốn theo dõi chồng tốt nhất là cài đặt phần mềm nghe lén, giá hơi “chát” nhưng có thể nghe lén mọi cuộc gọi, đọc được mọi tin nhắn, định vị được vị trí. Quan trọng là có cài trộm được không”.

Luật Viễn thông năm 2009 có quy định việc nghe lén điện thoại của người khác là một hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông. Điều 38, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Do đó, mọi hành vi sử dụng các thiết bị hay phần mềm chuyên dụng để truy cập bất hợp pháp vào máy điện thoại của người khác, nhằm mục đích kiểm soát, theo dõi, đánh cắp thông tin... có dấu hiệu của tội phạm quy định tại Điều 159 Bộ luật Hình sự năm 2015, tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.

Thiết bị cấm kinh doanh cũng được bán công khai

Không chỉ có các thiết bị nghe lén, ghi âm ghi hình, các sản phẩm có tác dụng phá sóng điện thoại, sóng 3G-4G, wifi, phá sóng loa kéo... đang được bày bán công khai tại nhiều sàn thương mại điện tử, cùng với những lời quảng cáo về nội dung và hình ảnh cụ thể về tác dụng của các loại thiết bị phá sóng, gây nhiễu sóng này.

Camera ngụy trang dưới bút viết.

Camera ngụy trang dưới bút viết.

Chỉ cần gõ trên mạng từ khóa “Thiết bị phá sóng”, “Thiết bị gây nhiễu”, “Thiết bị gây nhiễu Bluetooth và Wifi”, “Thiết bị gây nhiễu GPS”, “USB chặn sóng”… sẽ cho ra hàng loạt các trang web, các sàn thương mại điện tử bày bán các sản phẩm có chức năng chung là phá các loại sóng của bluetooth, wifi, GPS với đủ mức giá. Từ loại chỉ 200 ngàn đồng cho tới loại hơn 1 triệu đồng với phạm vi phá sóng mạnh yếu khác nhau. Loại rẻ tiền có thể chỉ phá được sóng các loại điện thoại đời cũ, còn loại đắt tiền có thể phá sóng của các loại smartphone với bán kính hoạt động lớn hơn.

Một gian hàng của sàn thương mại điện tử Lazada quảng cáo một chiếc máy phá sóng có giá khoảng 1 triệu đồng, đây là một thiết bị mini cầm tay, có thể bỏ trong balo, túi xách để đem đi và sử dụng ở bất cứ đâu. Thiết bị này có khả năng làm nhiễu nhiều loại sóng như sóng của máy nghe lén, sóng điện thoại, định vị GPS, wifi… và đặc biệt là các loại thiết bị điều khiển từ xa trong bán kính tầm 5-15m. Người bán cũng quảng cáo, thiết bị gây nhiễu này không ảnh hưởng đến các loại máy chạy điện khác và cơ thể người.

Ngoài ra, theo quảng cáo từ một gian hàng bán loại thiết bị phá sóng có giá 100-200 ngàn đồng chỉ bé bằng hai đầu ngón tay cho biết, đây là thiết bị phá sóng có khoảng cách lên tới 50m, giúp phá các loại sóng wifi, chặn hát karaoke ồn ào, loa kẹo kéo, loa gia đình… Người bán còn đăng tải kèm theo video hướng dẫn sử dụng loại thiết bị này với các bước vô cùng đơn giản.

Thiết bị định vị siêu nhỏ.

Thiết bị định vị siêu nhỏ.

Qua tìm hiểu được biết, các loại máy phá sóng này xuất hiện trên thị trường nhiều năm nay và được bán nhiều trên các sàn thương mại điện tử một cách công khai. Nhiều người thường mua về sử dụng để phá sóng hoặc gây nhiễu sóng của các loại loa, mic hát karaoke do bị làm phiền bởi hàng xóm xung quanh.

Tuy nhiên, dựa trên Khoản 7, Điều 13 Nghị định 96/2016/NĐ-CP về điều kiện an ninh, trật tự kinh doanh các thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động thì chỉ cơ sở thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an mới được kinh doanh thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động.

Trong khi đó, tại Khoản 19 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP cũng quy định những ai mua các thiết bị phá sóng cần phải được sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Vì vậy sự nguy hiểm của loại máy này khi được bán công khai và dùng vào mục đích bất hợp pháp cũng đã được nhiều chuyên gia cảnh báo. Các loại máy phá sóng có thể khiến các thiết bị chuyên dụng ghi lại hành trình xe như hộp đen, định vị GPS của xe hay camera quan sát dùng wifi bị gián đoạn. Với các tác dụng như vậy, loại thiết bị này dễ dàng bị kẻ gian lợi dụng cho mục đích xấu nếu được đưa ra thị trường một cách dễ dàng.

Để hạn chế và giám sát các loại thiết bị bị cấm kinh doanh này, trong thời gian qua, cơ quan chức năng của nhiều địa phương cũng đã có động thái kiểm tra, giám sát với việc kinh doanh buôn bán các thiết bị phá sóng, gây nhiễu. Đặc biệt là kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT để kinh doanh các sản phẩm này. Nhưng chỉ sau một thời gian, các loại máy phá sóng này lại được bán tràn lan, công khai, ai cũng có thể mua về để sử dụng.

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) trong thời gian vừa qua, nhiều người cũng tìm mua các thiết bị phá sóng để dùng nó để tác động đến máy hát karaoke không dây của người khác. Hành vi này đã vi phạm Nghị định 96/2016/NĐ-CP, trừ khi có giấy phép của Bộ Quốc Phòng và Bộ Công an. Tùy theo mức độ và hành vi, người vi phạm có thể bị phạt từ 2 đến 50 triệu đồng. Ngoài ra, những thiết bị vi phạm sẽ bị tịch thu.

Ngoài ra, người chủ sàn nắm quyền quản lý các sản phẩm được bán trên đó, người kinh doanh sản phẩm buộc phải có giấy phép kinh doanh, nếu không có mà vẫn tiếp tục cho họ đặt hàng lên để buôn bán mà không quản lý thì cũng có trách nhiệm liên quan. Nếu có hậu quả xảy ra hay trong các trường hợp khác thì cơ quan chức năng sẽ xử lý sàn TMĐT với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan hoặc vai trò đồng phạm nếu vụ án hình sự xảy ra.

Các sàn TMĐT phải hoạt động theo quy định pháp luật, kinh doanh những mặt hàng mà nhà nước cho phép, còn mặt hàng nhà nước cấm thì không được tiếp tay cho các tổ chức, đối tượng buôn bán. Việc xử lý thế nào thì tùy theo tính chất mức độ của những vụ việc mà cơ quan nhà nước phát hiện, nếu có dấu hiệu tiếp tay sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài việc xác minh giao dịch trên sàn TMĐT để xử lý về mặt hành chính, nếu có trường hợp tiếp tay cho các tổ chức tội phạm thì có thể bị xử lý hình sự.

Mai Ngọc

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/tran-lan-thiet-bi-cong-nghe-xam-pham-doi-tu-tren-mang-i694526/