Tràn lan thực phẩm chức năng dành cho trẻ
Không ít phụ huynh khi thấy con có thể trạng thấp còi đã tự ý mua các loại thực phẩm chức năng (TPCN), sữa bổ sung canxi hay các sản phẩm dinh dưỡng để bồi bổ cho con mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ. Điều này có thể dẫn đến mất cân bằng các chất dinh dưỡng, thậm chí nhiều trường hợp nhập viện vì thừa chất.
Mua thuốc, kèm cả TPCN
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều phụ huynh tìm giải pháp nâng cao sức khỏe cho con em mình bằng các loại TPCN, được “thần thánh” hóa công dụng, bổ sung dưỡng chất, tăng sức đề kháng cho trẻ… trên các diễn đàn, trang mạng xã hội. Trong số đó, rất ít người đưa con đi khám, kiểm tra con mình thiếu chất gì, mà đặt niềm tin vào “bác sĩ Google”, tự tìm hiểu thông tin hoặc nghe truyền tai nhau về các loại TPCN, mà không biết rằng con mình chính là người ảnh hưởng trực tiếp.
Là “tín đồ” của các loại TPCN, chị Nguyễn Thị Thủy (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, từ khi xuất hiện đợt dịch Covid-19 đầu tiên, chị luôn thấp thỏm, sợ 2 con mình mắc virus nguy hiểm này. Ngoài việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế, chị Thủy còn tìm các loại TPCN có chứa vitamin C nhằm nâng cao sức đề kháng cho cả nhà. Bên cạnh đó, chị cũng thường xuyên mua, sử dụng các loại hoa quả chứa nhiều vitamin C như cam, bưởi. “Tôi thường xuyên ép 2 con phải uống nhiều vitamin C để tăng sức đề kháng, tưởng vậy là an tâm. Gần đây thấy con gái lớn hay bị đau bụng, nghĩ đơn giản là bé bị rối loạn tiêu hóa nên tôi mua men tiêu hóa về cho cháu uống, thay đổi chế độ ăn, hạn chế dầu mỡ, song tình trạng không được cải thiện, cháu liên tục kêu đau. Tôi đưa con đi khám và nhận được kết luận là cháu bị sỏi thận do thói quen lạm dụng TPCN có chứa vitamin C”, chị Thủy nói.
Chúng tôi tìm đến một nhà thuốc trên đường Hòa Hảo (quận 10) để mua thuốc trị ho cho trẻ. Theo lời tư vấn của nhân viên cửa hàng, muốn hết ho nhanh, ngoài thuốc mua theo đơn, chúng tôi còn mua thêm các loại siro ho của Đức và các TPCN bổ sung dưỡng chất, với tổng giá trị đơn thuốc hơn 400.000 đồng. Chúng tôi mang số thuốc này đến nhờ một bác sĩ chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Nhi đồng 1 tư vấn. Vị bác sĩ này cho biết, đây là các loại thực phẩm như kẹo, nước ngọt bị thổi phồng công dụng chứ không có tác dụng hỗ trợ điều trị.
Không chỉ được bày bán nhan nhản ở các nhà thuốc, TPCN dành cho trẻ em còn được bán nhiều trên các chợ điện tử, trang mạng xã hội. Tìm kiếm trên mạng Internet cụm từ “thực phẩm chức năng cho trẻ” hoặc “thực phẩm tăng sức đề kháng cho trẻ”, có hàng triệu kết quả khác nhau với đủ các loại vitamin, canxi, thực phẩm dinh dưỡng, bổ sung… Thậm chí có sản phẩm được quảng cáo “giúp tăng cường trí nhớ, thông minh, cao hơn, khỏe hơn...”. Trong các loại TPCN hiện đang lưu hành trên thị trường, phần lớn xuất xứ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mỹ... với mức giá khá cao, được nhiều người tin dùng, tạo cơ hội cho đối tượng xấu giả mạo nhãn mác, trộn hàng giả vào bán để trục lợi, rất nguy hiểm cho trẻ.
Hiểu đúng để sử dụng đúng
Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, TPCN dành cho trẻ em là sản phẩm hỗ trợ các chức năng trong cơ thể bé, giúp cơ thể bổ sung một số khoáng chất, chất dinh dưỡng... Tuy nhiên, nhiều bà mẹ lại quá tin tưởng và mua cho con mình sử dụng quá nhiều. TPCN chỉ thực sự phát huy tác dụng và phù hợp khi biết cách dùng. Nhiều bà mẹ nghĩ, cứ TPCN là tốt, không bổ ngang cũng bổ dọc, nhưng thực tế, TPCN không thể thay thế cho thức ăn hàng ngày như thịt, cá, rau để bổ sung dưỡng chất cho trẻ. “TPCN cũng chỉ là thực phẩm được thêm vào một số chất vi lượng, vitamin... nên không được dùng để thay thế cho việc ăn uống cũng như uống thuốc chữa bệnh của trẻ, và nếu lạm dụng đều không tốt. Với trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh nên bổ sung những thực phẩm giàu vitamin A, D, giàu chất sắt, canxi, kẽm cho trẻ như dầu gan cá, trứng gà, tôm đồng, lươn, gan, ngũ cốc, sữa... mà không cần tốn tiền để mua các loại TPCN”, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp tư vấn.
Còn theo TS-BS Trần Quang Nam, Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, quan niệm sử dụng TPCN để con thông minh hơn, cao lớn hơn là sai lầm. Các bậc cha mẹ chỉ sử dụng TPCN khi trẻ thực sự cần thiết và chỉ nên dùng TPCN cho những trẻ mắc bệnh mạn tính, ung thư, phải chữa trị bệnh dài ngày hoặc những trẻ thiếu dinh dưỡng trầm trọng, hấp thụ dinh dưỡng qua đường tiêu hóa không đủ. Còn những trẻ có chế độ dinh dưỡng tốt, không có nguy cơ gì về hấp thu thì không cần bổ sung TPCN.
“Khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào cần phải xem xét thành phần thuốc, liều dùng, chỉ định dùng cho đối tượng nào và có chống chỉ định gì hay không. Nếu sử dụng không đúng có thể gây hại cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Ví dụ, đa phần các sản phẩm tăng chiều cao đều chứa canxi. Nhưng cần phải xem đây là loại hợp chất canxi gì, liều dùng như thế nào. Nếu dùng dư thừa có thể gây sỏi thận, suy thận, vôi hóa mô mềm…”, TS-BS Trần Quang Nam khuyến cáo.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao, sự quan tâm chăm sóc cho trẻ cũng được chú trọng hơn, đôi khi quá mức. Do vậy, các loại TPCN giúp trẻ ăn ngon, tiêu hóa tốt, tăng cường sức đề kháng, tăng trưởng chiều cao... cho trẻ ồ ạt ra đời.
Đây chính là cơ hội để nhiều cơ sở và cá nhân tìm cách làm giả để trục lợi. Với người tiêu dùng, không phải ai cũng biết mua loại nào thực sự tốt và phù hợp với thể trạng của con mình. Ngoài việc quan sát bằng cảm quan về nhãn mác bên ngoài (độ sắc nét, màu sắc, xuất xứ...), phụ huynh cần tìm hiểu và mua các loại sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho trẻ tại những hiệu thuốc có uy tín, cũng như nhãn hàng được tin dùng và phải được chứng nhận của các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo sức khỏe cũng như tính mạng của con trẻ.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tran-lan-thuc-pham-chuc-nang-danh-cho-tre-727798.html