Trần Mộng Hùng - giá trị cuộc đời để lại
Khi Trần Mộng Hùng lặng lẽ từ biệt tất cả để đi về cõi khác ở tuổi 72, hình ảnh ông hiện ra trong những câu chuyện của những người ở lại hoàn toàn không chỉ là ACB mà tên tuổi ông tất nhiên không thể tách rời...
Cho đến khi được vợ con đưa từ Mỹ về yên nghỉ mãi mãi trên quê nhà Cái Bè, Tiền Giang vào những ngày đầu tháng 5 năm 2024, tôi tin chắc là ông Trần Mộng Hùng chẳng mảy may bận tâm rằng nhiều người chưa biết vai trò sáng lập của ông đối với ACB, và cả sự đóng góp lớn của ông trong việc hình thành những tổ chức kinh tế quan trọng khác ở Sài Gòn từ những năm 80 thế kỷ trước. Những lời chia sẻ của vợ con ông, bạn bè ông buổi chiều ngày 4 tháng 5 năm 2024 trong khu vườn rộng lớn và yên ả nơi ông chọn nằm lại cuối đời đã cho tôi niềm tin ấy.
Bản tính giấu mình của Trần Mộng Hùng, hay như ta quen nói là sự khiêm tốn, đã hình thành ở ông từ khi còn là sinh viên đại học ngành Ngân hàng (học xong trước 1975 và tốt nghiệp sau 1975) cho đến khi là giảng viên Trường Cao cấp Ngân hàng TP.HCM, khi trở thành nhân vật quan trọng cùng các ông Nguyễn Hữu Định, Phạm Phú Ngọc Trai đặt nền móng xây dựng Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC). Đặc biệt là ngay cả khi trở thành ông chủ thực sự tài năng của “ông lớn” ACB, Trần Mộng Hùng vẫn giữ một phong cách giấu mình ấy.
Ngày ông nằm xuống, nếu ông Nguyễn Thành Long (nguyên Chủ tịch EximBank, Tổng Giám đốc SJC) không chia sẻ công khai thì chắc rất nhiều người (nhất là các doanh nhân trẻ) vẫn chưa được biết về một dấu mốc lịch sử của kinh tế Việt Nam. Đó là vào năm 1988, cả nước lâm vào tình trạng lạm phát khủng khiếp, mức lãi suất huy động của các Quỹ Tín dụng có lúc đã lên đến 12% đến 15% /tháng, nhiều hàng hóa sản phẩm có giá trị đều được mua bán định giá bằng vàng.
Trần Mộng Hùng chính là người có ý kiến quan trọng cùng các ông Nguyễn Hữu Định, Phạm Phú Ngọc Trai sử dụng nhiều biện pháp linh hoạt khai sinh miếng vàng 4 số 9 SJC, đưa vào sản xuất kinh doanh, góp phần bình ổn thị trường vàng, kéo lùi lạm phát cho cả nước. Với uy tín của một cựu giảng viên đại học chuyên ngành tài chính - ngân hàng, Trần Mộng Hùng đã trân trọng mời nhiều tri thức của trường Đại học Kinh Tế về làm việc với SJC, là nguồn lực nòng cốt cho SJC suốt nhiều năm.
Đầu thập niên 1990, khi Việt Nam có sự thay đổi chính sách, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, Trần Mộng Hùng đã quyết định cùng các cổ đông sáng lập là Phạm Trung Cang và Trịnh Kim Quang thành lập một ngân hàng thương mại cổ phần với tên gọi khi ra đời năm 1993 là Ngân hàng Á Châu (ACB). Quyết định đó của một người học chuyên về ngân hàng, dạy về ngân hàng và đã có gần 10 năm thực tiễn hoạt động tài chính kinh doanh trước cột mốc 1993 đã được chính thành tựu 30 năm qua của ACB khẳng định là vô cùng chính xác.
Khi nói đội ngũ ACB hôm nay nhiều kỹ năng, luôn có khát vọng vươn lên, không xa lạ với các khuynh hướng phát triển của ngành ngân hàng toàn cầu thì không thể không khẳng định một cách mạnh mẽ là chính trí tuệ, tài năng, tấm lòng trong sáng của nhà sáng lập Trần Mộng Hùng là những chất liệu tuyệt vời đã xây dựng, kết nối, nuôi dưỡng nên tài sản vô hình và vô giá đó. Giá trị tài năng và nhân cách Trần Mộng Hùng ẩn sâu trong những giá trị cốt lõi của ACB và cũng là kim chỉ nam cho hành động – cống hiến của cả đội ngũ: Cẩn trọng, Chính trực, Minh bạch, Cách tân, Hài hòa, Hiệu quả.
Giá trị tài năng và nhân cách Trần Mộng Hùng không chỉ ghi dấu vô cùng sâu đậm cho sự nghiệp của ACB trong thời gian 14 năm ông làm Tổng giám đốc ACB và Chủ tịch hội đồng quản trị (1994 - 2008) mà còn ở chỗ những năm sau đó ông lùi lại phía sau cho lớp kế tục xuất hiện và phát huy năng lực. Lùi lại chứ không rời bỏ, đó là Trần Mộng Hùng, khi ông biết rằng ACB còn có lúc cần đến năng lực và kinh nghiệm của ông.
Năm 2012, khi xảy ra sự cố pháp lý ở ACB liên quan đến vai trò ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), Trần Mộng Hùng đã quay lại hội đồng quản trị để không chỉ tích cực tham gia xử lý tức thời khủng hoảng vừa xảy ra mà còn phải đồng thời kiên quyết cải tổ để đưa ACB trở lại đúng với chiến lược phát triển của người sáng lập. Trong chiến lược phát triển từ ngày đầu thành lập ấy có nguyên tắc kiên quyết không đầu tư vào địa ốc, không sử dụng ngân hàng như một công cụ huy động vốn cho các công ty trong cùng “hệ sinh thái”.
Thời điểm khó khăn ấy, Trần Mộng Hùng đồng ý với hội đồng quản trị đưa con trai ông là Trần Hùng Huy, năm ấy 34 tuổi, được đào tạo bài bản từ nước ngoài, lên làm Chủ tịch ACB. Khi nhận thấy ACB đã bắt đầu đi đúng quỹ đạo, ông Hùng rời hội đồng quản trị về giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý rủi ro từ năm 2018 và thôi trách nhiệm đó vào năm 2023, là năm ông lâm bệnh hiểm nghèo.
Khi Trần Mộng Hùng lặng lẽ từ biệt tất cả để đi về cõi khác ở tuổi 72, hình ảnh ông hiện ra trong những câu chuyện của những người ở lại hoàn toàn không chỉ là ACB mà tên tuổi ông tất nhiên không thể tách rời. Trong ký ức của doanh nhân nổi tiếng Phạm Phú Ngọc Trai, vai trò của Trần Mộng Hùng trong sự dẫn dắt tư duy cho bè bạn bằng kiến thức và cái tâm là rất ấn tượng. Cả một nhóm bạn hữu trẻ trung, nhiệt huyết những năm giữa thập niên 80 người còn, người mất: Nguyễn Hữu Định, Phạm Phú Ngọc Trai, Nguyễn Thị Nghĩa… dường như ai cũng có chung nhận định về Trần Mộng Hùng “Đó là một người rất giỏi, rất thông minh và rất khiêm tốn”.
Ông Trai nhớ lại trong bồi hồi: “Mấy đứa tụi này ngồi với nhau suốt những năm đầu thập niên 80. Mọi người, mọi nhà đều rất khó khăn. Bàn bạc mãi về việc phải làm cái gì đó để sống, để đóng góp cho xã hội. Làm Tribeco. Làm SJC 1988. Rủ nhau đi nước ngoài để coi người ta làm ăn thế nào. Chuyến đi nước ngoài đầu tiên năm 1989 của Nguyễn Hữu Định, Phạm Phú Ngọc Trai, Trần Mộng Hùng chỉ tới được Liên Xô, Cộng hòa Dân chủ Đức, Tiệp Khắc. Chuyến đi thứ hai 1990 mới tới được Đức (sau sự kiện “bức tường Berlin”) và Singapore.
Ngay năm sau đó, 1991, liên doanh IBC (SPCO, Tribeco và MCI Spore) ra đời (tiền thân của Pepsico và Suntory Pepsico Vietnam Beverage). Cả bốn anh chị em là Nguyễn Hữu Định, Phạm Phú Ngọc Trai,Trần Mộng Hùng và Nguyễn Thị Nghĩa (Chín Nghĩa, sau này là Chủ tịch Saigon Coop Mart, Anh hùng Lao động) đều nằm trong Ban lãnh đạo đầu tiên của liên doanh IBC. Cũng trong năm 1991, Saigon Coopmart (hệ thống bán lẻ đầu tiên của Việt Nam) được thành lập. Đến năm 1993 thì thành lập ACB do Trần Mộng Hùng giữ vai trò dẫn dắt.
Nhìn lại đã hơn 30 năm! Định đã rời cõi tạm lâu rồi. Giờ đến lượt Hùng. Nhớ thương các bạn quá. Những người bạn tốt, như Hùng, không bao giờ thực sự mất. Nghị lực sống của họ còn mãi trong trái tim và tâm tưởng của những ai yêu mến họ”.
Còn nhớ, cách đây độ năm, sáu năm, trong những cuộc gặp gỡ thân tình, không bao giờ kết thúc dưới 5, 6 tiếng đồng hồ với vợ chồng Nguyễn Trọng Hạnh và vợ chồng tôi tại quán cà phê Dáng Xưa của Hạnh ở quận 6, Trần Mộng Hùng đã cho chúng tôi thêm một lần nữa nhận rõ ông là người có tầm nhìn xa như thế nào, nhân văn, chính trực như thế nào, dường như chưa bao giờ ngừng đau đáu trách nhiệm về các vấn đề thời sự kinh tế, tài chánh của đất nước. Khi thị trường đất đai đang sôi động nhất, Trần Mộng Hùng đã phải dụng tâm dụng trí rất nhiều để từ chối biết bao lời chào mời đầu tư vào địa ốc từ các đối tác, từ cả phía chính quyền.
Sự kiên quyết chối từ của ACB bắt nguồn từ một nguyên tắc bất di bất dịch “Đạo đức kinh doanh ngân hàng không cho phép đánh đu với sự liều lĩnh”. Trần Mộng Hùng đã nói như giảng giải rất nhiều cho chúng tôi (những người ngoại đạo) về các ví dụ thả nổi cho một vài ngân hàng có “hệ sinh thái” là vô số doanh nghiệp được lập ra để bằng mọi cách thức trái phép rút tiền ngân hàng để “nuôi” doanh nghiệp “ma” và để “bỏ túi”. Thật khó quên vẻ mặt của Trần Mộng Hùng trong lần gặp gỡ ấy, kiểu như thấy đó, nói đó mà chẳng chắc gì ngăn được cái phải ngăn.
Đặt tách trà xuống mặt bàn, Trần Mộng Hùng nói: “Để rồi xem cái gì sẽ xảy ra và chúng ta phải trả giá cho điều đó như thế nào”. Bây giờ, các đại án đã và đang được xét xử, cả thiên hạ đều thấy. Còn Trần Mộng Hùng thì đã “thấy” hậu họa từ rất nhiều năm trước…
Chiều ngày 4 tháng 5 năm nay, khi thắp nhang trước linh cữu ông Trần Mộng Hùng, nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã nói lớn với bức di ảnh của người quá cố treo trên cao giữa những tấm voan trắng phủ khắp các bức tường: “Ông Hùng ơi, chào ông nhé. Ông vui đi vì những người ở lại ai cũng nhớ ông, một người có tâm, một chuyên gia tài chính - ngân hàng rất giỏi, một nhà quản lý tài ba và đặc biệt rất khiêm tốn”.
Những lời từ biệt của ông Sang thực ra cũng là những lời trong lòng của rất nhiều người. Sự tài ba của Trần Mộng Hùng đâu chỉ nằm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Vượt lên kiến thức và kinh nghiệm dày dặn, tài ba của Trần Mộng Hùng còn ở bản lĩnh ứng phó với thời thế, thiết kế sớm và xa sự thừa kế, bằng đường băng bay lên cho một đội ngũ có nền tảng quản trị hiện đại, có triết lý kinh doanh lấy sự chuyên nghiệp, minh bạch và chính trực làm đầu. Đó cũng chính là giá trị cuộc đời ông để lại cho gia đình và xã hội.
Cha mẹ nào trên đời cũng được hầu hết con cái yêu thương, xem là hình mẫu sống. Và, Trần Mộng Hùng cũng trong số cha mẹ ấy khi đem theo chặng đường mới của đời mình những lời chia tay đặc biệt của con trai Trần Hùng Huy, Chủ tịch đương nhiệm ACB: "Tạm biệt ba của con. Cuộc đời con, điều may mắn lớn lao là được làm con của ba - tượng đài lớn, người hùng, người thầy trọn đời của con. Ba là người tận tâm với công việc nhưng luôn coi gia đình là trên hết. Ba nghiêm khắc nhưng rất yêu thương, tôn trọng và động viên con trai tự lập, thoải mái chọn con đường, cách sống của mình. Ba cũng đồng cảm và thấu hiểu mỗi vấp ngã của con, kiên nhẫn chỉ dạy cho con từng chút một về cuộc đời, về thế thái nhân tình, về nguyên tắc kinh doanh, về đối nhân xử thế. Ba đã dạy con sống chính trực, hướng dẫn cách suy nghĩ, ra quyết định, giao kết và đồng hành trong kinh doanh. Nhưng có lẽ giản đơn nhất, ba là ba của con. Con đường ba dẫn đi, con sẽ tiếp tục. Hành trình của ba sẽ có con cháu sau này tiếp nối. Ba đi thanh thản, ba ơi".
Còn gì hạnh phúc hơn cho một người cha, một người mở lối sự nghiệp khi được nghe những lời tận đáy lòng ấy của hậu bối.
Nguyễn Thế Thanh
(TP.HCM 8.5.2024)
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tran-mong-hung-gia-tri-cuoc-doi-de-lai-43611.html