Trần Nhật Minh-Kẻ lãng du thâm tình, tài hoa

Nghệ thuật không phải là thứ cứ đi là đến, mà phải có hạt giống tâm hồn neo đậu. Nhà báo Trần Nhật Minh - Trưởng ban Văn học Nghệ thuật VOV6, Đài Tiếng nói Việt Nam là một người nắm giữ nhiều hạt mầm quý giá.

Cứ đủng đỉnh rong chơi, nhẩn nha, sáng tác đến với anh nhiều khi không chủ ý, chợt đến trong những cơn cớ cảm xúc, giữa tình thâm, hay lát cắt tâm trạng, thế sự.

Tôi đã gặp anh vài lần ngoài đời, chứng kiến những khoảnh khắc nghệ sĩ của anh. Trần Nhật Minh là một gã lãng du đa tài, đến với khu vườn nghệ thuật, mỗi thửa đất, anh cất một hạt giống, ký thác cảm xúc của mình, và chắc chắn sẽ trở về để chúng vươn xanh, đến với những nẻo đời. Vì thế sáng tác của anh đôi khi ở giữa bộn bề, dở dang mà anh để người đọc tự điền vào những khoảng bỏ ngỏ. Nhưng tất cả đều mang hình vóc của chàng sinh viên Văn khoa K34 đa tài, Đại học Tổng Hợp Hà Nội thuở nào.

Được chăm chút trong yêu thương và khắc kỷ của nếp gia phong, cậu bé Trần Nhật Minh cứ thế lớn lên giữa gió bụi Kinh Kỳ đa đoan, trong thao thiết cuộn chảy của phù sa Hồng Hà. Không độc đoán trong mộng tưởng, anh chia đều cho những mơ man: báo chí, thơ ca, văn xuôi, hội họa, âm nhạc và thể thao. Ai biết được trong sắc diện đàn ông vạm vỡ ấy còn ươm ủ những cơn đi hoang khác nữa? Có thể lắm chứ, vì Trần Nhật Minh là một tâm hồn nghệ sĩ.

“Miền sau cánh cửa” là một cuốn sách đầu tiên xếp nếp thời gian 30 năm trong đời báo chí của anh. Lật giở từng trang, từng trang thấy hiện lên những cung đường, phận người, chuyện nghề, chuyện đời, vui buồn cõi thế. Với tôi, đó là những áng văn tươi ròng sự sống. Trên tất cả 252 trang viết, thấy hiện lên một chàng lãng tử, miên du miền lắng. Thấm thía vào con chữ là những ân tình chan chứa của anh dành trọn vẹn cho những gương mặt anh yêu thương, trân quý. Đọc 38 bài viết trong cuốn sách ấy, thấy nghề và đời anh chậm trôi, thủ thỉ câu chuyện tuổi thơ anh bên ông nội, chiếc roi tre của bố, bao xô xệch cuộc thế, cả những trăn trở dọc hành trình gió bụi anh đã trải.

Ký họa của họa sĩ Nguyễn Đình Toàn về Nhà báo Trần Nhật Minh.

Ký họa của họa sĩ Nguyễn Đình Toàn về Nhà báo Trần Nhật Minh.

Văn là người, thơ là anh, tất cả đều lắng chắt từ Trần Nhật Minh. Ai đâu ngỡ, con người thô tháp, đến mỗi cuộc cười ào ào, sôi nổi ấy lại mang một tâm hồn yếu đuối của loài thi sĩ. Có nghe anh ngâm thơ mới phần nào tới thế giới run rẩy, mộng mơ trong anh. Trần Nhật Minh được trời phú cho một chất giọng nam đẹp, tone trầm mà da diết. Thơ đi qua cổ họng anh, thì xung quanh Trần Nhật Minh trong veo một khoảnh khắc nghệ thuật. Tôi thấy, anh có năng lực biến cuộc vui thành “cuộc nghệ thuật”. Bởi khi giọng thơ anh ngân lên, bạn bè xung quanh đều mở hồn đến với một bầu xao xuyến. Chỉ thế thôi, đã hé mở phần nào về một người trên cương vị dẫn dắt báo nói về văn học nghệ thuật?

Sẽ là phiến diện nếu không gọi tên thi sĩ Trần Nhật Minh. Với thơ, đó là một Trần Nhật Minh luôn dàn dụa, tưởng như những tế bào yêu thương trong anh không đủ để căng ra cho những rung ngân của trái tim. Người con trai, tuổi đời đã hắt bóng, trên mỗi nẻo nghề xa xôi hay từ máu thịt đều cất lên tiếng “Mẹ”. Đứa con trai đã đi quá nửa đời người, đủ để sàng sảy và ngẫm ngộ từ những trải nghiệm, thì sâu thẳm vẫn là Mẹ. Giữa bao giông bão, bể dâu, mộng du, Mẹ đã giữ cho anh khỏi trượt ngã. Phẩm chất người đàn ông được định giá qua cách anh ta ứng xử với đấng sinh thành.

“Mẹ ơi trên trái đất này

Bao nhiêu bão đã thổi gày ngón tay

Thế gian muôn sự đổi thay

Con, nguyên vẹn của những ngày ấu thơ

Mẹ gần kề mỗi cơn mơ

Níu con khỏi ngã bên bờ mộng du…”

Sau Mẹ là em. Người đàn ông nào cũng có em của riêng mình. Trần Nhật Minh đến em qua cây sinh mệnh, mỗi lá lấp láy sáng. Một khoảng không miên viễn run rẩy qua lá “từng chiếc mồ côi”. Em đã đi, qua khoảng lặng cây, qua “gió gào bức bối”, qua anh. Em bỏ lại bao nhiêu hao khuyết, lá rơi như mắt biếc. Em bỏ lại anh, cơn say tình yêu lưu đày. Em không ra khỏi đời anh vì kí ức vẫn tràn đầy nhớ. Yêu Trần Nhật Minh đẹp trong từng thảng thốt.

“trút những đường sinh mệnh

từng chiếc mồ côi

cây chết lặng

gió gào bức bối

Em bỏ lại giấc mơ

như lá trút

năm vợi tháng

tháng vợi ngày

ngày vợi phút giây

anh vời vợi

vệt heo may

rớt cùng lá biếc

những đường gân bạc màu trên những phiến say

trong giấc mơ em,

Anh, một lá lưu đày…”

Tôi còn thấy một Trần Nhật Minh trong tiếng thơ thế sự trước những ngổn ngang nhưng vẫn tràn đầy yêu tin. Dù cuộc đời vốn vậy, đủ vị mặn chát, đắng cay, mất mát, đổ vỡ, nhưng vượt lên tất cả nỗi hành khổ là một đức tin, một niềm hóa giải. Thơ anh đã hàn gắn những sang chấn tâm hồn, để chan chứa ban mai tinh khiết từ mắt đêm.

“Sáng nay

cái cây đã đổ trong tôi mọc thêm nhánh mới

hàng cây ven đường lá thắm bờ môi

Tiếng chuông gục bóng chiều lưu lạc

cây đã đổ trong tôi

chết giữa ngày thường

chợt tràn diệp lục

lòng rào lên tiếng gió

non tơ biêng biếc điệp trùng

tôi thiêm thiếp ngủ dưới quầng mát Đức tin đổ dài mặt đất

ríu rít lời chim rạng rỡ mặt người”

Có một Trần Nhật Minh chơi với khuông nhạc. Trong nhạc, anh thực sự biến ảo. Chất nhạc náu trong tạng Trần Nhật Minh, đi vào từng nốt thơ, gặp duyên, bừng lên. Những kẻ đồng “bệnh Đan Thiềm” thường tự trị thương bằng vẻ đẹp của nghệ thuật. Vì lẽ ấy mà nhạc đưa đôi bạn vong niên: nhạc sĩ Trần Nhật Dương và nhà báo Trần Nhật Minh cùng cất lên khúc nhạc lòng đồng điệu qua âm nhạc. Vốn chơi thân ngoài đời, lại gặp nhau trong sự bay bổng của nghệ thuật, các anh đã có chung những đứa con tinh thần. Nhạc cất lên tự cảm xúc, thơ cũng chính là ngôn ngữ do cảm xúc chắp cánh. Vì thế, nhạc với Trần Nhật Minh tự nhiên như hơi thở. Có khi anh viết thơ, không chủ ý sáng tác nhạc nhưng lại lay động phím nhạc Trần Nhật Dương. Và các anh đã hòa quyện để cùng tỏa sáng. “Bản hùng ca một thời kiêu hãnh” và “Hát lên Việt Nam” là 2 ca khúc đã đoạt giải thường niên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Ca khúc “Bản hùng ca một thời kiêu hãnh” là tấm lòng hai chàng trai Kinh Kì dành tặng cho Thủ đô thân yêu của mình nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Để thấy rằng, nhạc và thơ như quyện hòa trong anh. Chính lời thơ anh viết đã khơi mở dòng chảy âm nhạc trong nhạc sĩ Trần Nhật Dương: “Lửa soi sáng những câu thơ viết vội…/ những câu thơ như hoa nở điệp trùng/ Mẹ sinh con trong bóng tối căn hầm/ giữa bom thù hủy diệt quê mình”. Chất hùng tráng của Hà Nội đi từ khói lửa chiến tranh để thắng lợi huy hoàng đến lắng sâu của hôm nay đã được anh thả một nốt nhạc sử thi, mà thấm đẫm đời thường qua câu thơ đầy ấn tượng “Nước mắt Sông Hồng, trầm tích phù sa”.

“Hát lên Việt Nam" là khúc hát Tổ quốc, tiếng cha ông dậy từ 4.000 năm lịch sử nòi giống Tiên Rồng, đi qua bao trầm tích lịch sử, những miền địa lý, những tượng đài bất tử về con người Việt Nam bất khuất. Lịch sử, văn hóa, niềm tự hào dân tộc… tất cả chất chứa trong tác phẩm. Âm nhạc đã thổi vào mỗi khán giả tình yêu, trách nhiệm trước vẻ đẹp non sông.

“Việt Nam ngọt tiếng ru ầu ơ của mẹ

Cha đọc câu Kiều năm tháng vẫn lặng nghe

Việt Nam tình nghĩa câu dân ca như suối trong nguồn

Là những dòng sông chở nặng phù sa...”

Họa sĩ Trần Thắng- Tốc họa của Trần Nhật Minh

Họa sĩ Trần Thắng- Tốc họa của Trần Nhật Minh

Sẽ là thiếu sót, nếu không đọc cây cọ Trần Nhật Minh. Hội họa với anh không chỉ là một cuộc rong nhan, mà còn chốn cất giấu thâm tình. Tôi rất thú vị với những tốc họa ngẫu hứng của anh dành cho những người bạn. Tấm tình anh chỉ vỏn vẹn trải trên trang giấy trắng với những nét họa mảnh sắc đen. Với 2 gam màu cổ điển, chắc chỉ đi trong những khoảnh khắc mà trái tim anh đã ứ đầy yêu thương, nhưng đã lột tả được bức chân dung tinh thần của nhân vật. Đó không chỉ là diện mạo nhân trắc học của những người bạn, đó còn là cảm hiểu mà anh dành cho họ. Khó nhất là vẽ họa sĩ, vì tự họ đã toát lên cái tinh thần hội họa của riêng mình. Trần Nhật Minh đã làm được việc khó.

Anh dành trọn tình cảm của mình cho họa sĩ Trần Thắng - người bạn “đồng niên cùng thuận tay trái và đồng cảm vài thứ "amateur" khác”. Anh đã có những lời gan ruột về bạn mình, chỉ qua con chữ thôi, người đọc cũng đến đủ ấm áp với tình bạn ấy. Trần Thắng chuyên thiết kế minh họa sách báo, tạp chí. Anh dành tâm huyết cho nhiều tác giả có tên tuổi như: Nguyễn Huy Thiệp, Đào Trọng Khánh, Nguyễn Quang Thiều. Mỗi bìa sách của anh không chỉ thâu tóm được hồn vía của tác phẩm mà còn là một sáng tạo nghệ thuật độc lập, đem đến cho người đọc một bất ngờ, một thú vị. Trần Thắng đã tặng bạn mình, một món quà không thể định giá, khi cuốn sách “Miền sau cánh cửa” ra đời, khiến mỗi lần nhắc lại kỷ niệm, Trần Nhật Minh không khỏi bồi hồi. Hiểu bạn, nên anh len lỏi vào thế giới bưng kín sau ánh mắt qua cặp kính, thảo thành công một Trần Thắng với cửa sổ tâm hồn là những khối tam giác đối lập, cùng những đường tròn ngẫu hứng. Dấu hỏi dựng ngược họa mũi, bộ râu ngoài đời vào tranh như những nếp sách đọc dang dở, mái tóc là đôi ba vệt thời gian. Ở bức tốc họa này, tôi đồ rằng, không chỉ họa bạn mình, Trần Nhật Minh còn sáng tạo nên một Trần Thắng, đủ đầy với ý nghĩa tình thâm.

Bức tốc họa dành tặng họa sĩ Đào Hải Phong của Trần Nhật minh giúp tôi thấy được thần thái của một người - tranh lão luyện trên dòng chảy của hội họa đương đại. Đào Hải Phong vốn là một nghệ sĩ Hà Nội, con nhà nòi, nhưng anh luôn khiêm cung, tự gọi mình là “may mắn” được nghệ thuật chi chút. Thì qua tay cọ Trần Nhật Minh, tôi còn thấy được ở anh nét phong du, hóm hỉnh. Đôi mắt ấm áp, sống mũi cao, khuôn miệng rất sang, vài nét râu nhuốm màu tháng năm. Nếu không yêu, không đi vào thăm thẳm con người và tranh Đào Hải Phong thì ắt hẳn, anh không họa bạn mình đẹp, lay động đến thế.

Trần Nhật Minh lại trở nên chắc bút khi vẽ nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Đó là một tên tuổi gạo cội trong giới trí thức cả nước, phê bình văn học trên báo chí, thường xuyên viết các bài về các nhà văn, nhà thơ đương đại. Ông làm việc tại Viện Văn học Việt Nam, sau đó trở thành Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội từ năm 2010. Vẻ uyên bác, mực thước trên khuôn mặt nhân vật qua ánh mắt trực diện, nét mày rậm, cánh mũi cao, bộ tóc bạc đã thành thương hiệu. Qua vài nét chấm phá, tôi thấy được chân dung văn học ngạo nghễ của ông. Mới hay, Trần Nhật Minh vừa phiêu lại tiết chế. Anh phóng cọ qua những miền hoang du, nhưng chừng mực, nghiêm cẩn trong những nhìn nhận phẩm chất người. Qua những bản tốc ký ấy, có lẽ anh đã tốc họa mình chăng?

Cảm xúc của anh giản dị từ những lấm láp đời thường, hay trước vẻ bi oai, tráng lệ, có khi là một nỗi đau. Trên những bức họa màu của anh thường xuất hiện nhà thờ. Hứng họa ấy sinh ra khi người thân anh mất ở nước ngoài. Mỗi bức vẽ là mỗi góc nhìn của anh. Có khi cây thánh giá hứng lá sen đẫm sương, mảnh trăng khuyết biếc như một ngôi sao mai trên nền cam phảng phất xanh. Sự hòa quyện giữa lát thời gian tinh khôi đi giữa cây thập tự hành khổ, để giữ hương thanh quý của một loài hoa mọc lên tự bùn. Tranh anh là con đường hành đạo, vươn tới cái thiện trong vẻ nguyên sơ buổi đầu tinh khôi.

Có lúc ký ức anh lại dội về một mùa đỏ nào. Mùa mà hồn vương trên những tán cây đỏ, thân cây cũng cháy lên. Cả cái cây như màu đỏ ấy. Nhà thờ đỏ, những mái phố cũng cùng thắp sáng. Tôi xem ngọn lửa màu vẽ đó chính là nhiệt huyết, là trái tim ấm áp, là những khát vọng chưa bao giờ nguôi ngoai trong anh.

Tôi đã đọc và quan sát Trần Nhật Minh, để đưa ra đánh giá về một người không dễ, vì thời gian không ngừng biến thiên. Nhưng tôi thấy ở anh, một người đa tài, mà chất báo, chất văn, âm nhạc, hội họa, mỗi thứ, mỗi nét đã chắt chiu vẽ nên người đàn ông Hà Nội. Chọn nghệ thuật, là chọn con đường khó, người nghệ sĩ vắt mình trong cơn khổ hạnh để viết, nói, vẽ hay hát cho được cảm xúc về cuộc đời và con người mà thôi. Ở những khát vọng ấy, nhà báo Trần Nhật Minh đã tự mình góp nhặt vốn liếng để lại một chút “của tin”. Mà tôi trân trọng gọi đó là dấu ấn Trần Nhật Minh.

Nguyên Tô

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tran-nhat-minh-ke-lang-du-tham-tinh-tai-hoa-a613478.html