Trân quý cũng cần đúng cách

Đất nước dài như cái đàn bầu của chúng ta lưu giữ, truyền tụng, truyền khẩu và truyền đời những loại hình văn hóa phi vật thể độc đáo và đặc sắc trải khắp giang sơn.

Đã có thời gian Ca trù bị lãng quên.

Đã có thời gian Ca trù bị lãng quên.

Điểm qua các văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là Di sản đại diện của nhân loại có thể thấy rõ điều đó: Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, dân ca quan họ Bắc Ninh, Hội Gióng ở Sóc Sơn (Hà Nội), Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Đơn ca tài tử Nam bộ,... và mới đây là Then của các dân tộc vùng Tây Bắc.

Chúng ta còn có tín ngưỡng thờ Mẫu, tam phủ, tứ phủ rất riêng biệt của người Việt hay Ca trù – một thể loại hát cần bảo vệ khẩn cấp. Một trò chơi dân dã, đơn giản, rất phổ biến trong dân gian ở khắp nơi là kéo co với nghi lễ của trò chơi này cũng được vinh danh là di sản văn hóa đại diện của nhân loại.

Từ trò chơi đơn giản này, chúng ta nhận ra một điều là không cần phải có biện pháp bảo tồn gì cả thì nó vẫn cứ rất phổ biến từ hội làng đến sân trường, từ trẻ con đến người lớn. Trò chơi thành biểu tượng của ý chí đoàn kết và sức mạnh đồng lòng mà không cần ai nhận ra, đó mới là sức sống thực sự mãnh liệt, dòng chảy văn hóa truyền thống Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác mà không cần đến sự thay đổi.

Trong các di sản văn hóa phi vật thể đó, đáng chú ý duy nhất là thể loại Ca trù trong danh sách cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO. Đã có thời, Ca trù bị lãng quên, thậm chí là bị cho là thể loại của văn hóa đồi trụy, thịnh hành ở chốn ăn chơi.

May mắn cho chúng ta là khi tưởng chừng như thế hế hệ sau này không còn biết đến tiếng “chát, tom” rộn rã và làn điệu say đắm lòng người, trong mối quan hệ giai nhân tài tử mà Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ từng say mê và là tác giả phần lời của một số bài “hồng hồng, tuyết tuyết”, thì vẫn còn những nghệ nhân vẫn ra sức gìn giữ vốn cốt cha ông.

Và vì thế Ca trù đã sống lại với ra đời và tiếp nối của các hội, chiếu hát Ca trù và lớp nghệ nhân sau này. Hát Xoan (xuân) Phú Thọ với sự trao duyên tình tứ trong mùa xuân trên đất Tổ tưởng chừng cũng đã lui vào quá vãng xa xôi nay đã được hồi sinh đúng nghĩa. Giai điệu đó sẽ đi cùng năm tháng với mùa xuân dân tộc đúng nghĩa.

Mỗi một thể loại di sản phi vật thể đều gắn liền với phong tục, tập quán của mỗi địa phương hoặc dân tộc khác nhau. Đó là bản sắc vùng miền và sắc tộc không thể trộn lẫn, ta có thể gọi đó là chất thuần khiết đặc trưng. Và, từ tính chất này, tự thân của một sự bảo tồn cùng năm tháng, mọi ý tưởng “đổi mới” và “phát triển” có thể phá hỏng đi di sản. Chúng ta hiểu sự “phát triển” là truyền bá rộng rãi, nhiều người biết đến để thưởng thức, giữ gìn nhưng bao giờ loại hình văn hóa đó cũng ở trong một không gian tương thích.

Ví dụ như việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, vùng đất cao nguyên hùng vỹ, con người cao nguyên khoáng đạt và tiếng cồng chiêng rền vang với những sử thi cao nguyên hùng tráng đã tạo nên một không gian uy nghi làm xúc động lòng người.

Hội Gióng phải mở tại chân núi Sóc Sơn và tục “cướp hoa tre” đầy tinh thần thượng võ không có gì phải lên án cả chỉ trích những người dùng bạo lực quá đà mà thôi! Cũng như vậy, hàng năm hàng triệu người vẫn hành hương về nơi đất Tổ để chiêm bái tổ tiên và cái cần lưu giữ chính là không gian thờ cúng thuần Việt, của người Việt, mọi sự “lai căng” xâm nhập vào đây dù là vật cúng tế hay mục đích thương mại đều phải loại trừ.

Đã là di sản thì phải biết giữ gìn, nhưng là phi vật thể thì cái giữ gìn đó cũng khác, đó là sự bảo tồn trong tâm khảm mỗi con người và một sự hiểu biết nhất định giá trị của loại hình văn hóa “đại diện của nhân loại” đó. Tự hào, tất nhiên rồi nhưng cũng phải biết lý do để tự hào và càng hiểu vì sao chúng ta phải trân quý, trân trọng và giữ gìn ra sao những “báu vật” vô hình mà cha ông để lại.

Phaly

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nghe-thuat/tran-quy-cung-can-dung-cach-485438.html