'Trận Stalingrad thứ hai' trong Đệ nhị thế chiến
Chiến dịch Budapest là một trong những chiến dịch phức tạp và khó khăn nhất đối với Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến II.
Cuối năm 1944, sau khi liên tiếp thua trận tại Romania, Bulgary và Nam Tư, phải rút quân khỏi Hy Lạp và Albany, thì Budapest và toàn bộ tuyến phòng thủ Tisza-Danube là những chốt chặn cuối cùng của quân đội Đức quốc xã ngăn cản quân đội Liên Xô tiến đến miền nam nước Đức.
Lực lượng chủ chốt bố phòng nơi đây là Cụm tập đoàn quân (TĐQ) phía Nam (tư lệnh, giai đoạn đầu là đại tướng Johannes Friebner, sau là thượng tướng Otto Wohler) với 35 sư đoàn, tổng cộng 190.000 quân Đức-Hung, bố trí trên 3 lớp chiến tuyến dọc theo sông Danube ở phía bắc và nam thành phố Budapest và tiếp tục chạy song song với biên giới Tiệp Khắc-Hungary. Bản thân thành phố Budapest cũng biến thành một pháo đài khổng lồ do các đơn vị Đức và Hungary chống giữ. Từ đầu năm 1945, lực lượng này được tăng cường 5 sư đoàn xe tăng, 2 sư đoàn kỵ binh và 1 sư đoàn bộ binh.
Để loại bỏ chốt chặn này, từ cuối tháng 10/1944 đến giữa tháng 2/1945, Hồng quân Liên Xô đã tiến hành chiến dịch Budapest. Diễn ra chủ yếu trên địa bàn thủ đô Budapest của Hungary và một số vùng lân cận, đây là một trong những chiến dịch phức tạp và khó khăn nhất đối với Hồng quân Liên Xô.
Chiến dịch Budapest kéo dài gần 4 tháng và bị ngắt quãng thành năm giai đoạn.
Giai đoạn một diễn ra từ ngày 29/10 đến hết ngày 3/11/1944. Trong giai đoạn này, các cuộc tấn công của Hồng quân Liên Xô trên toàn bộ mặt trận của Phương diện quân (PDQ) Ukraina 2 do Nguyên soái R. Malinovsky chỉ huy đã không đột phá được phòng tuyến của quân Đức trên tuyến sông Tisza. Tập đoàn quân 46 (Liên Xô) trên cánh trái chỉ tiến được 4 đến 6 km/ngày và tiếp cận tuyến sông Danube ở khu vực Baja. Ở giữa mặt trận, TĐQ cận vệ 7 hầu như dẫm chân tại chỗ trong bùn lầy đầu mùa đông. Các quân đoàn cơ giới Cận vệ 2 và 4 cũng phải dừng lại khi còn cách ngoại ô Budapest 15 km về phía đông nam. Ở cánh phải, các TĐQ 27, 40, 53 (Liên Xô), 4 (Romania) và Cụm kỵ binh cơ giới của tướng Pliyev chưa có cách gì để vượt qua phòng tuyến cứng rắn của quân Đức trên tuyến sông Tisza.
Giai đoạn hai diễn từ ngày 7/11 đến hết ngày 24/11/1944. Kết quả của giai đoạn này cũng như giai đoạn một, hai bên bất phân thắng bại với những tổn thất lớn về người và vũ khí, phương tiện.
Giai đoạn ba diễn ra từ ngày 3/12 đến hết ngày 26/12/1944. Lần này, sự tham gia của PDQ Ukraina 3 (Tư lệnh, Nguyên soái F. Tolbukhin) phối hợp với PDQ Ukraina 2 làm cho mật độ tấn công của Hồng quân Liên Xô dày đặc hơn. Quân Đức cũng tập trung một lực lượng xe tăng rất mạnh để phòng thủ Budapest. Kết thúc giai đoạn này, hai cánh quân xung kích của PDQ Ukraina 2 (TĐQ xe tăng 6) và PDQ Ukraina 3 (Quân đoàn xe tăng 18) gặp nhau tại khu vực Esztergom, bao vây gần 190.000 quân Đức và Hungary trong vòng vây tại Budapest. Thất bại trên hướng Budapest, ngày 28 tháng 12, tướng Johannes Friebner bị cách chức; tướng Otto Wohler-tư lệnh TĐQ 8 được chỉ định là Tư lệnh Cụm TĐQ Nam.
Giai đoạn bốn diễn ra từ ngày 2/1/1945 đến ngày 26/1/1945. Giai đoạn này bắt đầu bằng một bi kịch. Sau khi Budapest bị bao vây, chỉ trong một ngày 29/12/1944, hai nhóm quân sứ đàm phán hòa bình của Hồng quân Liên Xô đã bị quân Đức sát hại khi đi đàm phán với đối phương đề nghị ngừng bắn.
Với sự tham gia của 13 sư đoàn xe tăng và 2 sư đoàn cơ giới, quân Đức mở cuộc phản công nhằm giải vây cho Cụm quân Budapest của tướng Karl Pfeffer-Wildenbruch. Ngày 20/1/1945, xe tăng Đức đã tiến đến sông Danube tại khu vực cách Budapest 25 km về phía nam, đe dọa chia cắt đội hình của PDQ Ukraina 2 trên hướng nam Budapest. Ngày hôm sau, các trung đoàn pháo tự hành của Quân đoàn cơ giới Cận vệ 2 và 4 Hồng quân được điều đến bịt cửa đột phá. Đây là mũi phản công xa nhất mà quân Đức đạt được trong quá trình phản công giải vây Budapest.
Giai đoạn năm diễn ra từ ngày 27/1 đến ngày 13/2/1945. Cụm quân Đức bị vây tại khu vực Budapest còn cố gắng kháng cự thêm nửa tháng nữa trước khi hạ vũ khí đầu hàng.
Chiến dịch Budapest là một trong những chiến dịch ác liệt nhất trên chiến trường Đông Âu, về quy mô sử dụng binh lực, nó chỉ thua kém chiến dịch Berlin và tương đương với các chiến dịch tại Warswa, Đông Phổ. Trong số gần 190.000 quân Đức và Hungary bị nhốt trong "cái chảo" Budapest có 50.000 người thiệt mạng, 26.000 người bị thương, 138.000 người bị bắt làm tù binh. Thiệt hại của phía Liên Xô cũng đáng kể với 80.000 người chết, 240.000 người bị thương. Chính vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu gọi đây là “chiến dịch khó thứ 2” sau trận Stalingrad hay là “trận Stalingrad thứ hai”.
Chiến dịch Budapest thành công đã giải phóng gần như toàn bộ lãnh thổ Hungary và xóa bỏ những nút chặn con đường dẫn tới Tiệp Khắc và Áo. Nó cũng tước đi đồng minh chính trị cuối cùng của Đức tại Đông Âu cũng như nguồn dầu mỏ và lúa mì có tầm quan trọng sống còn trong việc nuôi sống bộ máy chiến tranh phát xít Đức. Có thể nói, chiến dịch Budapest là một trong những thắng lợi quyết định góp phần quan trọng đẩy nhanh chế độ Hitler đến bờ vực sụp đổ.