Trấn Thành cần làm gì khi tố cáo người miệt thị Hari Won?
Trấn Thành cần tìm một văn phòng thừa phát lại để lập vi bằng nhằm lưu giữ những thông tin trên mạng để làm chứng cứ và gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an.
Sáng ngày 4-7 trên trang cá nhân, MC Trấn Thành đăng tải một số hình ảnh và đoạn bình luận của tài khoản có tên T.N.C với những lời lẽ xúc phạm, miệt thị gia đình anh. Tài khoản mạng này công kích Hari Won và cho rằng cô sẽ không thể mang thai vì từng mắc ung thư cổ tử cung.
Trước những lời lẽ xúc phạm vợ mình, MC Trấn Thành khẳng định anh sẽ báo công an để truy tìm ra chủ tài khoản trên và làm rõ sự việc.
Tuy nhiên, nhiều bạn đọc thắc mắc trong trường hợp này Trấn Thành làm cách nào để lưu giữ hợp pháp thông tin về những lời lẽ của người xúc phạm vợ mình, làm bằng chứng khi tố cáo đến công an?.
Ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh, TP.HCM, hướng dẫn: Trước hết, người bị xúc phạm cần thu thập bằng chứng thông qua việc nhờ một Văn phòng thừa phát lại lập vi bằng. Việc lập vi bằng cần phải thực hiện ngay sau khi phát hiện có hành vi xâm phạm vì nếu để lâu thì những thông tin đó có thể bị gỡ bỏ, xóa dấu vết.
"Cách lưu giữ thông tin trên mạng xã hội thì trước hết,sao chụp lại toàn bộ trang mạng đã đưa thông tin này. Tuy nhiên, việc thu thập chứng cứ không dễ dàng vì có thể status đăng một thời gian rồi được xóa đi.
Ngay khi phát hiện status, hãy lập tức nhờ thừa phát lại lập vi bằng. Vi bằng được coi là chứng cứ hợp pháp để cá nhân bị xúc phạm liên hệ cơ quan chức năng nhờ can thiệp, xử lý.
Kế tiếp, người bị xúc phạm cần yêu cầu người xúc phạm mình gỡ bỏ những thông tin sai lệch xuống và xin lỗi công khai. Nếu họ đã thực hiện, người bị xúc phạm cần cân nhắc việc khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Đồng thời, tùy theo tính chất, mức độ, người bị xúc phạm có thể gửi đơn tố cáo đến công an, kèm theo vi bằng để làm chứng cứ.
Sau khi lập vi bằng, người bị xâm phạm về uy tín, danh dự có thể tự mình hoặc thông qua luật sư làm đơn tố cáo ra công an hoặc khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Vậy với người xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác thì pháp luật hiện hành quy định chế tài ra sao?
Luật sư Huỳnh Văn Nông, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết: Về xử lý hành chính, theo điểm a, khoản 1 Điều 5 Nghị định số 167/2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự...), người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng.
Về mặt hình sự, nếu hành vi đã đủ yếu tố cấu thành với tội phạm tương ứng nào thì sẽ bị xử lý đối với tội đó. Cụ thể, tại điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như sau: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm.