Trần Thị Nhi Yến lọt Top 8 chân chạy nữ 100m nhanh nhất châu Á
Không thể cạnh tranh với các đối thủ cực mạnh như Veronica Shanti (Singapore), Ge Man-qi (Trung Quốc) hay Fasihi Farzaneh (Iran), thế nhưng việc góp mặt trong 8 chân chạy hay nhất giải là thành tích rất đáng ghi nhận của Trần Thị Nhi Yến.
Một năm trước còn là cái tên cực kỳ xa lạ, rất ít người biết đến nhưng Trần Thị Nhi Yến nhanh chóng tỏa sáng theo cách riêng rất ấn tượng của cô khi liên tục tạo ra những điểm nhấn trên đường chạy 100m nữ.
Nếu đem câu hỏi "Làm gì để chen chân vào hàng ngũ các chân chạy hàng đầu" đặt ra với Nhi Yến, cô gái 18 tuổi này hẳn chỉ có thể cười trừ và đưa ra các thông số thành tích do chính cô tạo dựng để lý giải.
Ở đợt chạy bán kết đầu tiên cự ly 100m nữ Giải vô địch điền kinh châu Á 2023 chiều 14-7, Trần Thị Nhi Yến được thi đấu ở đường chạy số 5 – chỉ dành cho những chân chạy đạt thành tích tốt tại vòng loại – và cô sải những bước chạy mạnh mẽ để về đích thứ ba với thành tích 11 giây 55, lọt tiếp vào đợt chạy chung kết Giải vô địch điền kinh châu Á 2023.
Trước các đối thủ cực mạnh như Veronica Shanti (Singapore), Ge Man-qi (Trung Quốc), Fasihi Farzaneh (Iran) hay Kristina Maria Knott (Philippines), Nhi Yến về đích cuối cùng ở vị trí 8/8 cùng thông số thành tích 11 giây 64. Kết quả này không khiến chân chạy trẻ quê Long An buồn lòng bởi ngay ở lần đầu tiên tham dự đấu trường châu Á, thứ hạng giành được hoàn toàn vượt ngoài mong đợi của cá nhân Nhi Yến lẫn HLV Nguyễn Thị Thanh Hương.
Sau khi liên tục cải thiện thông số từ 11 giây 75 (HCV Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 và HCĐ SEA Games 32), 11 giây 68 (HCV Giải Vô địch điền kinh TP HCM mở rộng 2023), 11 giây 57 ở vòng loại rồi 11 giây 55 ở bán kết giải vô địch châu Á, Trần Thị Nhi Yến coi như đã "chốt" thành tích trung bình dao động trong khoảng 11 giây 60 cùng một vị trí trong Top 8 châu lục. Ở tuổi 18, cô còn cả tương lai phía trước để có thể theo chân các đàn chị Vũ Thị Hương hay Lê Tú Chinh trên đường chạy tốc độ.
Thêm một ngày kết quả không như mong muốn của điền kinh Việt Nam khi chưa có thêm bất cứ tấm huy chương nào. Sau khi chỉ về hạng 5 ở cự ly sở trường 1.500m, Nguyễn Thị Oanh chiều 14-7 tiếp tục tranh tài ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật. Đối đầu cùng những chân chạy hàng đầu như Parul Chaudhary (Ấn Độ), Xu Shuang-shuang (Trung Quốc) hay Reimi Yoshimura (Nhật Bản), Nguyễn Thị Oanh chỉ có thể kết thúc cự ly ở vị trí thứ 6 với thành tích 10 phút 09 giây 62. Thông số này kém xa cả kỷ lục quốc gia (9 phút 43 giây 83) lẫn kỷ lục SEA Games (9 phút 52 giây 06) do chính Oanh nắm giữ.
Ngần Ngọc Nghĩa xếp hạng 7/8 ở đợt chạy bán kết 100m nam thứ ba với thành tích 10 giây 53, không vào nổi đợt chạy chung kết; Bùi Thị Thu Thảo xếp hạng 8/8 ở chung kết nội dung nhảy xa nữ với thành tích 6,22m; Nguyễn Trung Cường thậm chí còn không hoàn thành cự ly sở trường 3.000m vượt chướng ngại vật nam… Tất cả cho thấy, sân chơi châu lục lần này thật sự khắc nghiệt với các nền điền kinh trung bình. Sau ba ngày thi đấu, điền kinh Việt Nam mới giành được 1 tấm HCĐ của Nguyễn Thị Hường ở nội dung nhảy 3 bước.