Trần tình của thanh niên mắc trọng tội vì a dua theo chúng bạn

Nghe bạn rủ đi đánh nhau, Nguyễn Văn Điều, SN 1996, ở Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội sốt sắng tham gia mà không ngờ nhận về cái kết đắng. Cái chết của nạn nhân khiến Điều không thôi suy nghĩ.

Chỉ vì a dua

“Phiên tòa sơ thẩm, bị kết án 12 năm tù, tôi đã sốc vì không nghĩ rằng mức án dành cho mình quá cao như vậy. Hôm đánh nhau ấy, tôi có mặt, chưa cầm gậy đánh họ cái nào nhưng khi cả ba người ấy nhảy xuống hồ, hình như tôi cũng cầm gạch đá ném xuống”, Điều kể, đôi mắt xa xăm như thể vẫn chưa tin đó là sự thật.

Được biết, sau phiên tòa sơ thẩm, Điều đã làm đơn kháng cáo và được giảm xuống còn 11 năm tù. Hiện phạm nhân này đang cải tạo ở trại giam số 5 Bộ Công an.

Dáng người dong dỏng, nước da rám nắng khỏe khoắn, Điều bảo từ ngày vào trại cải tạo mới biết thế nào là lao động thực sự, ăn ngủ cũng nền nếp, qui củ chứ không như ở nhà. “Tôi nghỉ học từ năm lớp 9 do không thi đỗ vào cấp ba, học trung tâm giáo dục thường xuyên thì không thích nên ở nhà. Xác định là theo nghề nông của bố mẹ nhưng đã làm được cái gì ra hồn đâu, toàn chơi là chính thôi”, Điều kể.

Gặp Điều đúng lúc anh ta đi làm về, mồ hôi mết mải hai bên thái dương. Gần 3 năm sống trong trại cải tạo, Điều đã quen với công việc của mình. Thanh niên này bảo mặc dù xuất thân là con nhà làm nông nghiệp, bản thân cũng đã bỏ học ở nhà mấy năm rồi nhưng Điều chưa từng có 1 buổi lao động trọn vẹn. Hầu như chỉ là nhúng tay, nhúng chân vào một việc nào đó, nhanh nhanh chóng chóng rồi kiếm cớ chuồn.

Niềm yêu thích và có lẽ nơi khiến anh ta lưu lại lâu nhất mỗi khi ra khỏi nhà chính là quán internet và hàng trà đá, nơi mà Điều có thể thoải mái tám chuyện với bạn bè. Chỉ đến khi vào đây, Điều mới hiểu thế nào là trồng rau, tưới rau và thu hoạch. Thế nên khi thấy mấy cây rau bị cơn mưa rào mùa hạ làm cho giập nát, anh ta có vẻ xót xa. “Trong này nắng nóng nhiều hơn, đất cũng không tốt như ở quê nhà nên trồng được cây rau khó nhọc lắm”, Điều nói. Hỏi về tội trạng của mình, nam phạm nhân này bảo, anh ta đã 2 năm được xếp loại khá nên đang cố gắng để cuối năm nay có tên đề nghị xét giảm.

Theo lời Điều kể thì tối ngày 19-6-2014, sau khi cơm nước xong, Điều ra quán internet của gia đình anh Nguyễn Bá Ngọc ở thôn Đức Thịnh ngồi chơi điện tử thì hai người bạn phi xe đến. Họ bảo vừa gặp nhóm thanh niên đánh mình mấy hôm trước ở thị xã Sơn Tây nên rủ Điều đi đánh trả thù. Thấy nhóm bạn đồng ý tham gia, Điều cũng đứng lên. Cũng theo lời nam phạm nhân này thì một nguyên nhân nữa khiến anh ta muốn rời máy tính là vì hôm đó đánh mấy con lô đều trượt, hơn nữa hai người rủ đi đánh nhau lại là người cùng xã nên không nỡ từ chối.

Cả nhóm đã nhặt gậy tre và thanh gỗ ở xưởng gỗ gần đó rồi đèo nhau ra bờ đập hồ Tản Đà thuộc địa phận xã Văn Hòa, huyện Ba Vì (Hà Nội). Tại đây, các đối tượng đã xông vào đánh các anh Nguyễn Danh Kiên, Nguyễn Chí Tú và Dương Văn Cường, đều là người cùng huyện, khác xã với Điều, khi đó đang ngồi chơi ở bờ đập.

Bị đánh bất ngờ, ba thanh niên này hốt hoảng nhảy xuống hồ lánh nạn. Đứng trên bờ, nhóm của Điều hò hét nhau dùng gạch đá ném xuống hồ với mục đích không cho 3 người này lên bờ. Sợ bị đánh nên cả ba bơi sang bờ bên kia để thoát thân nhưng do không biết bơi nên anh Dương Văn Cường đã chết đuối. Hai anh Kiên, Tú may mắn bơi sang được bờ bên kia, chạy thoát. Điều không biết được điều đó cho đến khi bị bắt. “Lúc CA tới nhà bắt, tôi còn ớ người ra vì cứ nghĩ họ nhầm. Họ bảo tôi tham gia giết người trong khi tôi chỉ đi đánh nhau”, Nguyễn Văn Điều kể.

Nhớ lại những ngày trong trại tạm giam chờ xét xử, Điều bảo đó là thời gian anh ta khủng hoảng tâm lý nhất. “Đêm đầu tiên ở buồng tạm giam tôi không sao ngủ được. Những người cùng buồng cũng tâm trạng như vậy. Họ bảo tôi cứ thức thoải mái đi, đến lúc mắt díp lại khắc buồn ngủ”, Điều kể.

Buồng giam có mấy người, đều lần đầu gặp mặt. Mọi người hỏi thăm nhau về tôi của mình rồi bàn luận về tội danh, mức án. Điều bảo lúc đó thấy sao mà ai cũng hiểu biết, rành rẽ luật, còn tính được cả mức án cho người khác, vậy mà sao trước đó lại xử sự theo bản năng thế. “Tôi ở tạm giam gần 2 năm mới đi trả án, về đây cải tạo thời gian chưa được 3 năm nên dịp 2-9 này chưa đủ điều kiện xét giảm”, Điều kể.

Hỏi về cảm giác lần đầu nhận mức án, Điều trầm ngâm: “Biết là nạn nhân chết là thiệt thòi to lớn không gì bù đắp được nhưng tôi vẫn không nghĩ tội của mình lại nặng đến thế. Lúc nghe phán quyết của tòa, tôi tưởng mình nghe nhầm”.

Về trại giam số 5 cải tạo, Điều cho biết dù không thuận tiện cho việc cha mẹ đi thăm gặp nhưng ít gặp gia đình có lẽ lại hay hơn để “bố mẹ đỡ phải nghĩ ngợi và mình cũng nguôi ngoai day dứt”, như lời Điều bộc bạch.

Phạm nhân Nguyễn Văn Điều đang chăm sóc những luống rau mới trồng. Ảnh: N.Vũ

Phạm nhân Nguyễn Văn Điều đang chăm sóc những luống rau mới trồng. Ảnh: N.Vũ

Đôi lời nhắn nhủ

Về trại giam số 5 cải tạo, hỏi Điều còn có ai cùng vụ vào đây, anh ta lắc đầu bảo: cũng chỉ nghe nói thôi chứ chưa gặp ai. “Kể ra gặp được bạn trong này thì cũng vui đấy nhưng suy cho cùng thì có được ăn ngủ, làm việc cùng nhau đâu mà mong. Không gặp ai cũng tốt vì như thế đỡ phải nhớ lại chuyện cũ, đỡ phải cắn rứt và nuối tiếc”, Điều chia sẻ.

Sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp, được bố mẹ đầu tư cho ăn học nhưng do năng lực hạn chế nên Điều không đủ điểm thi đỗ vào trường THPT công lập. Học dân lập thì gia đình không đủ khả năng, học trung tâm giáo dục thì Điều không muốn. “Ở quê chỉ cần nghe nói học ở trung tâm giáo dục thường xuyên thôi là ánh mắt mọi người nhìn mình đã khác rồi. Từ lâu mọi người quan niệm là nơi đó dành cho thanh thiếu niên hư mà tôi thì không muốn mang cái tiếng ấy, thế là bỏ hẳn”, Điều cho biết.

Theo lời kể của thanh niên này thì chuyện đánh vài con lô, rượu chè với nhóm bạn thi thoảng anh ta cũng tham gia. Thế nên chuyện ăn ở, sinh hoạt của anh ta chẳng có nền nếp nào cả. “Cuộc sống trong trại cải tạo không đáng sợ như em đã hình dung trước đó. Em được xem tivi, được học văn hóa và thoải mái đọc truyện, sách báo. Những khi ấy em lại thấy tiếc cho bản thân mình. Giá như em đừng vì sĩ diện, đừng vì sợ thiên hạ hiểu lầm, cố gắng mà đi học tiếp để sau này học lấy một cái nghề thì tốt biết bao”, Nguyễn Văn Điều tâm sự.

Mỗi tháng được gọi điện về nhà một lần, Điều coi đó là cơ hội để biết bố mẹ ở nhà sống thế nào. Nam thanh niên này bảo không buồn lòng khi bố mẹ ít vào thăm cho dù những lúc đau ốm, nằm một mình trong buồng giam hoặc dưới bệnh xá cũng thấy tủi thân và nhớ nhà. “Tôi đã làm bố mẹ chịu nhiều tai tiếng, chắc giờ ở nhà bố mẹ vất vả lắm. Tôi chẳng mong gì hơn là bố mẹ ở nhà khỏe mạnh, có nhớ thương tôi thì ít vào thăm thôi, trong này tôi sẽ cố gắng cải tạo”, Nguyễn Văn Điều bộc bạch.

Giống như nhiều phạm nhân trẻ tuổi khác, Điều cũng không tránh khỏi tâm trạng tiếc nuối khi nhắc đến những ngày rong chơi uổng phí của mình. Anh ta bảo nếu có thể làm lại, anh ta sẽ chuyên tâm vào việc học hành để “có kiến thức đi học nghề thôi chứ em chẳng mong sau này học lên đại học”.

Điều bảo xác định là phải cố gắng để không uổng phí hết quãng đời thanh xuân của mình. “Tôi biết với bản án của mình, dù được về sớm hay muộn thì cũng có vết tích rồi, thật khó xin được việc làm nhưng sẽ quyết không để uổng phí công dạy dỗ của bố mẹ. Điều dự định và phấn đấu sẽ rút ngắn quãng thời gian 11 năm tù của mình để sớm trở về làm lại cuộc đời.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tran-tinh-cua-thanh-nien-mac-trong-toi-vi-a-dua-theo-chung-ban-158446.html