'Trần Tình Lệnh': Lam Vong Cơ - Mười sáu năm vấn linh, chờ một người trở lại
Ba nghìn điều gia quy nghiêm khắc của Vân Thâm Bất Tri Xứ đến cuối cùng lại dưỡng ra được một kẻ si tình đến cố chấp. Sau đêm định mệnh ở Bất Dạ Thiên năm ấy, Lam Vong Cơ vẫn luôn vấn linh không ngừng suốt 16 năm, luôn ôm hi vọng có thể đợi được ngày người thương trở về.
____________
Ba nghìn điều gia quy, dưỡng một kẻ si tình
Mười sáu năm vấn linh, chờ một người trở lại
____________
Lam Vong Cơ gặp một người đặc biệt năm 15 tuổi.
Là vị công tử đứng thứ 4 trên bảng xếp hạng công tử thế gia, đại đệ tử của Vân Mộng Giang thị, Ngụy Anh, tự Vô Tiện.
Ngụy Anh 15 tuổi là một thiếu niên dương quang xán lạn, thông minh hoạt bát, tinh nghịch náo nhiệt, không hề báo trước xuất hiện trong cuộc sống khuôn mẫu nhàm chán của y, tô điểm vào đó nhiều sắc màu rực rỡ, khiến trái tim luôn bình lặng của y rung động.
Y lại bất lực nhìn hắn từ thiếu niên phong quang vô hạn trở thành Di Lăng lão tổ bị người đời nguyền rủa, chán ghét, căm hận, luôn kêu gọi thanh trừ.
Y đã rất nhiều lần cảnh báo và ngăn cản hắn tiếp tục con đường tà đạo này, cũng luôn bày tỏ thiện ý giúp đỡ chân thành, nhưng người kia không nghe theo y. Ở Cùng Kỳ đạo hôm ấy y không ngăn nổi hắn, y đã bất lực rơi nước mắt một cách lặng lẽ dưới cơn mưa tầm tã - lần khóc thứ hai trong cuộc đời Lam Vong Cơ.
Ngụy Anh lên Loạn Táng Cương rồi, Lam Vong Cơ đến Di Lăng không ít lần, có lẽ chỉ mong được một lần “vô tình gặp lại”. Y ở đường lớn Di Lăng nghe được hai tiếng “Lam Trạm” vui vẻ quen thuộc, cả trái tim như ấm lên, ánh mắt tha thiết, trầm luân và mừng rỡ ấy không phải Lam Hi Thần cũng nhìn ra được.
Y nhìn Ngụy Anh từ xa chạy tới, nụ cười rạng rỡ tươi sáng, miệng không ngừng gọi “Lam Trạm”, giống như thiên sứ giáng trần tiến thẳng vào trái tim y. Giây phút ấy trần thế náo nhiệt bỗng trở nên trong vắt, Lam Trạm chỉ nhìn thấy nụ cười rực rỡ như nắng mai của một người.
Có A Uyển ôm chân y, có Ngụy Anh cười với y, cả ba người cùng nhau ăn một bữa cơm ở một quán nhỏ ven đường, giản dị nhưng bình yên. Ngày hôm đó, Lam Trạm nổi tiếng băng sương lạnh lùng đã mỉm cười dịu dàng vì chút hạnh phúc nhỏ bé tình cờ.
Lam Trạm biết Ngụy Anh coi hai tỷ đệ Giang gia như ruột thịt, hắn rất muốn nhìn thấy đứa cháu mới ra đời của mình, vì vậy đã chủ động đề xuất mời Ngụy Anh đến dự lễ đầy tháng của Kim Lăng, giúp hắn có cơ hội được gặp người thân. Bái thiếp mời Ngụy Anh đến dự lễ đầy tháng của con trai Kim Tử Hiên và Giang Yếm Ly là do đích thân Lam Trạm viết, câu đầu tiên là “Ngụy Anh hôm nay có bình an không?”.
Ngày cả tu tiên bách gia đều tụ họp lại vây giết hắn ở Bất Dạ Thiên năm ấy, giết được Di Lăng lão tổ, là ngày vui vẻ và mãn nguyện nhất của huyền môn bách gia, cũng là ngày đau đớn và tuyệt vọng nhất trong sinh mệnh Lam Trạm.
Đêm hôm ấy, lúc đầu y cũng vẫn như trước, cố gắng cản hắn lại, muốn nói cho hắn mọi chuyện không đơn giản, đại hội Thệ Sư này có một âm mưu nhằm vào hắn. Y khuyên hắn đừng thổi Trần Tình nữa, Tị Trần của y cũng đã muốn lao tới chém đứt cây quỷ sáo tà mị kia.
Nhưng khi nghe thấy hai tiếng “A Tiện” quen thuộc, Ngụy Anh lao xuống chiến trường bên dưới để tìm kiếm sư tỷ, nhân cơ hội đó không biết có bao nhiêu mũi kiếm của những kẻ tự xưng “chính nghĩa” kia hướng vào hắn đâm tới.
Ngụy Anh không để tâm đến bọn họ, hắn chỉ muốn tìm kiếm người thân của mình, nhưng đời nào những người kia chịu tha cho hắn. Mà dù hắn có muốn phản kháng, hắn biết lấy cái gì để đỡ những cây kiếm lạnh lẽo vô tình kia, khi mà một chút linh lực để dùng Tùy Tiện cũng không còn? Không sao cả, bởi vì phía sau hắn là Lam Vong Cơ.
Lam Vong Cơ lập tức lao xuống theo hắn, bảo hắn hãy thổi sáo đi, hãy dùng Trần Tình để tự vệ đi, Lam Trạm cũng luôn đứng bên cạnh hắn, chú ý bốn phương tám hướng xung quanh hắn, dùng hết sức lực của bản thân để bảo hộ Ngụy Anh an toàn.
Lam Vong Cơ luôn đoan chính mẫu mực, là tấm gương sáng chói của đệ tử thế gia, nhưng ở giây phút người kia gặp nguy hiểm, y đã vứt hết cái gọi là “gia quy”, “thanh danh”, “gương mẫu” ra khỏi đầu rồi.
Gia huấn cái gì, danh tiếng trong sạch của Hàm Quang Quân cái gì, hình phạt của trưởng bối Lam thị cái gì, Lam Trạm không quan tâm. Trong mắt y giờ khắc ấy chỉ có Ngụy Anh, cho dù phải gánh chịu hậu quả như thế nào, kể cả có chết ở Bất Dạ Thiên hôm nay, y cũng phải dùng hết khả năng của mình để bảo vệ Ngụy Anh, dù chỉ còn một hơi thở cũng phải che chở cho người ấy.
Thế nhưng y lại tận mắt nhìn thấy Ngụy Anh của y rơi từ đỉnh Bất Dạ Thiên xuống dưới, bị hung thi lệ quỷ dưới trướng cắn trả, thân xác nát tan, hồn phi phách tán.
Hắn chết, nhưng chết một cách thanh thản, bởi vì hắn nghĩ mình không còn gì để lưu luyến trên nhân thế nữa rồi. Trong suy nghĩ của hắn lúc ấy, cả nhánh gia tộc của Ôn gia mà hắn muốn bảo vệ đều bị giết, Ôn Tình và Ôn Ninh chết rồi, sư tỷ cũng qua đời, đến cả Giang Trừng cũng oán hận giơ kiếm muốn đâm chết hắn, tà khí cũng chẳng còn nghe lời, hắn không điều khiển được chúng nữa. Hai bàn tay trắng, tất cả đều đã mất hết, hắn còn gì để tiếc nuối hồng trần?
Kiếp này Di Lăng lão tổ thông minh xuất chúng, cái gì cũng biết, chỉ là không biết trái tim Lam Vong Cơ. Hắn không hiểu lòng y, không hiểu tình cảm sâu đậm y dành cho hắn. Hai tiếng “Ngụy Anh” thét lên đau đớn nhường ấy, như dùng tất cả tâm can của mình để cố níu giữ chút hơi tàn của người thương.
Một đệ tử được nuôi lớn bằng gia quy như Lam Vong Cơ, lại sẵn sàng chĩa thẳng Tị Trần vào 33 vị tiền bối Lam gia để bảo vệ Ngụy Anh ở lần vây quét Loạn Táng Cương thứ nhất.
Sau cuộc chiến Bất Dạ Thiên, Lam Vong Cơ trở về Vân Thâm Bất Tri Xứ, gánh chịu cơn thịnh nộ của các bậc trưởng bối, bị phạt 300 roi giới tiên (trong nguyên tác là 33 roi), suốt một năm không xuống được giường, suốt ba năm diện bích trong Hàn Đàm Động không thể ra khỏi Cô Tô.
Giới tiên là vật như thế nào, chỉ hai ba roi là đủ đòi mạng, vậy mà Lam Vong Cơ chịu đủ 300 roi, lại kiên quyết không vận linh lực chống đỡ, cứ như vậy cắn răng chịu đựng. Lần phạt này có lẽ là hình phạt nặng nhất từ trước tới nay ở cả tu tiên giới, bởi vì làm gì có con cháu nhà nào phạm phải trọng tội đến mức phải chịu 300 roi giới tiên, một hai roi cảnh cáo đã là hình phạt cực nặng rồi. Nhưng vết thương thể xác dù có đau đớn đến đâu cũng không sánh được với tổn thương trong tâm y lúc này.
Đó là lần đầu tiên Hàm Quang Quân dám dùng giọng điệu ấy để chất vấn trưởng bối, cũng nói ra được những thắc mắc và uất ức kìm nén trong lòng y.
Lam Trạm là do chính người phụ nữ mà Lam thị coi là “gian tà” sinh ra đấy, thì làm sao?
Lam Trạm tâm duyệt một Ngụy Anh bị người đời coi là “tà ma ngoại đạo” đấy, thì làm sao?
Lam Trạm đích thân nuôi dạy một đứa trẻ mang huyết thống Ôn gia bị cả Tu Chân giới coi là “dư nghiệt” đấy, thì làm sao?
Ai chính ai tà, ai đen ai trắng? Chính là gì, tà lại là gì? Không ai trả lời được.
Trong mắt Lam Trạm, Ngụy Anh chưa bao giờ là “tà”, chỉ là hắn lương thiện đến cố chấp mà thôi. Những việc Ngụy Anh làm không hề sai, hắn bảo vệ nhánh phụ Ôn gia không chỉ là báo ân, mà còn là bảo vệ kẻ yếu, bảo vệ lý tưởng trong lòng hắn.
Lời hứa năm xưa Ngụy Anh luôn nhớ kỹ, Lam Trạm cũng chưa từng quên. Đêm hôm đó y chĩa kiếm vào cả những bậc trưởng bối Lam gia không chỉ để bảo vệ Ngụy Anh, mà còn là bảo vệ “chính nghĩa” thực sự trong lòng y, y làm tất cả để “không thẹn với lòng”.
Khi chỉ vừa có chút sức xuống núi, Lam Trạm đã cố gắng lết tới Loạn Táng Cương. Ở trên mảnh đất hoang tàn đó, y không tìm thấy bất kỳ dấu vết gì của người kia, dù cho chỉ là một chút xương vụn hay một mảnh tàn hồn… Y lục tung cả Loạn Táng Cương, chỉ tìm được một Ôn Uyển đang sốt cao hấp hối, là đứa bé mà Ngụy Anh từng nuôi, ngoài đám thỏ ra thì A Uyển là minh chứng duy nhất rằng người kia đã từng tồn tại trên đời.
Y đưa A Uyển về Cô Tô, đặt tên mới cho bé là Lam Nguyện, tự Tư Truy. “Nguyện” là “ước nguyện”, “Tư” là “tương tư”, “Truy” là “tìm kiếm”, nhưng đáng tiếc “Tư Truy” lại là “Tư quân bất khả truy” (Nhớ người nhưng không thể tìm). Ngay cả cái tên của đứa trẻ đã thể hiện được nỗi nhớ khắc vào xương tủy và sự tìm kiếm tuyệt vọng của Lam Vong Cơ dành cho một người không còn trên nhân thế.
Suốt 16 năm ròng rã, mỗi ngày Vong Cơ cầm đều không ngừng vang lên những âm thanh vấn linh. Có lẽ cầm ngữ mà Lam Trạm sử dụng nhiều nhất chính là “Ngụy Anh hôm nay có bình an không?”, “Ngụy Anh đang ở đâu, có thể trở về không?”. Day dứt đến thế, nhớ nhung mòn mỏi đến thế, chỉ mong có một tia sáng trong bóng đêm, chỉ mong nghe được hai tiếng “Lam Trạm” tươi vui của cậu thiếu niên năm ấy một lần nữa.
Cầm kỹ của Lam nhị công tử xuất thần nhập hóa, cầm ngữ đã sớm thuộc lòng, thế nhưng dù y có đàn vấn linh như thế nào cũng không nhận được một chút phản ứng, và y cứ thế năm này qua năm khác tiếp tục vấn linh trong vô vọng.
Sau khi Ngụy Anh rời bỏ nhân gian, trong tĩnh thất của Hàm Quang Quân có thêm một cái hầm nhỏ đựng đầy Thiên Tử Tiếu mà người ấy thích, Lam Trạm một vò cũng không đụng vào, y cất giữ chúng ở đó để dành cho người kia.
Phải chăng vì năm ấy Tị Trần lỡ đánh vỡ một vò rượu, người đó nói với y “Huynh đền Thiên Tử Tiếu cho ta”, nên Lam Trạm mua rất nhiều Thiên Tử Tiếu về chỉ mong được đền cho người, chỉ mong người về uống, nhưng người không về.
Lam Trạm cũng có một lần thử uống Thiên Tử Tiếu mua ở Thải Y Trấn Cô Tô, muốn thử xem mùi vị người kia thích là như thế nào.
Đêm ấy trong lúc say, y mở cổ thất trong Vân Thâm Bất Tri Xứ, lục tung lên không biết để kiếm thứ gì. Huynh trưởng hỏi y tìm gì, y nói muốn tìm cây sáo, Lam Hi Thần đưa một cây sáo ngọc cho y, nhưng y liên tục nói không phải cái này.
Tìm không thấy Trần Tình, nhưng tìm được một miếng là sắt của Ôn thị, sau khi tỉnh dậy Lam Trạm lại thấy trên ngực mình có một vết lạc ấn giống hệt vết Ngụy Anh từng chịu dưới động Huyền Vũ năm xưa vì cứu một cô nương.
Suốt những năm ấy Lam nhị công tử có mỹ danh “phùng loạn tất xuất”, bởi vì nơi nào có hung thi lệ quỷ hoành hành y đều đích thân đến nơi, trực tiếp ra tay, nhưng trước khi tiêu diệt luôn phải vấn linh một khúc hỏi chúng về Ngụy Anh.
16 năm dài đằng đẵng, Tư Truy trưởng thành trong tiếng vấn linh của Vong Cơ cầm, đã từ một đứa nhỏ 3 tuổi trở thành một thiếu niên ưu tú nổi bật trong đám hậu bối thế gia.
Lam Trạm mỗi ngày vừa gẩy đàn vấn linh, vừa chăm sóc đám thỏ, vừa nuôi dạy A Nguyện nên người, nhưng người ấy vẫn chẳng có dấu hiệu nào sẽ trở về.
16 năm qua đi, mọi thứ đều thay đổi, bãi bể nương dâu, thế sự vô thường, chỉ có một Lam Vong Cơ vẫn tình nguyện ở đây chờ Ngụy Anh.
Lam Trạm nặng tình như thế, chung thủy như thế, cũng cố chấp như thế!
Thúc phụ đặt tên tự cho đứa cháu thứ hai của mình là “Vong Cơ” nghĩa là “quên hết chuyện thế tục”, đến cả tên của bội kiếm cũng là “Tị Trần” - “không nhiễm bụi hồng trần”.
Đó là hi vọng và mong muốn của Lam Khải Nhân dành cho Lam Trạm.
Cũng đồng thời là một lời cảnh cáo mang dụng ý sâu xa!
Cũng phải thôi, một khi trong lòng đã vương vấn một người, làm sao có thể quên cho được? Tiểu Phong trong “Đông Cung”nhảy Vong Xuyên diệu kì cũng chỉ đổi được 3 năm quên lãng, không thể đổi “cả đời được quên”. Còn Lam Trạm, dù chỉ một giây một phút, y cũng chưa bao giờ quên Ngụy Anh! Không muốn, cũng không thể!
Cứ tưởng chỉ là một thoáng rung động thuở thiếu thời, không ngờ lại là tình cảm sắt son sâu nặng, một đời một kiếp như thế. Càng nhiều năm qua đi, trái tim Lam Trạm lại càng quay ngược trở về để tìm kiếm một hình bóng trong quá khứ, một hình bóng đã khắc sâu trong tim y từng ấy năm, trước giờ chưa từng thay đổi.
“Đợi chờ không đáng sợ, đáng sợ là không biết phải đợi đến bao giờ.”
(Bên nhau trọn đời - Cố Mạn).
Nếu Ngụy Anh thực sự không bao giờ về nữa thì sao? Xin mượn một câu của Tứ vương gia Tạ Diên Tiêu trong “Vương phi bướng bỉnh”: “Các người có thể đợi người mình yêu bao lâu? Ta, có thể đợi người ấy cả cuộc đời”. Lam Trạm chắc chắn sẽ làm thế!
May mắn làm sao, 16 năm sau trên núi Đại Phạn, y lại nghe thấy khúc Vong Tiện năm nào, đã xác định rõ được đó là Ngụy Anh của y. Hắn về rồi!
16 năm vấn linh, tựa trải qua luân hồi. Khoảnh khắc nhìn thấy người, mọi đau thương nhung nhớ mà y phải chịu đựng trong 16 năm này, đều là xứng đáng!
Năm xưa ở Bất Dạ Thiên y không níu giữ nổi một người bên bờ vực sinh tử, trơ mắt nhìn người đó tan thành tro bụi. Bây giờ người đã quay về, y sẽ tuyệt đối không bao giờ buông tay nữa, không bao giờ chần chừ nữa, trực tiếp đem người về Vân Thâm Bất Tri Xứ, hoàn thành ước nguyện cháy bỏng nhất trong lòng suốt những năm qua. Y lại được nghe một tiếng “Lam Trạm” trong trẻo, không cần đau khổ vấn linh nữa.
Ngụy Anh hôm nay rất bình an! Lam Trạm hôm nay rất vui vẻ!
Vong Tiện một khúc định tình, sau 16 năm lại vang lên lần nữa trong ngày gặp lại.
Tái bút:
Fans của thuyền Vong Tiện xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới một người, dù không thể nói ra tên anh (tránh spoil), vì “nhờ phúc” của anh mà Vong Tiện mới có ngày đoàn tụ. Không quản mục đích của anh là gì, fans vẫn luôn ghi nhớ công lao của anh, cảm ơn rất nhiều!
Cảm ơn Mạc Huyền Vũ đã chấp nhận hiến xá, cảm ơn sự lương thiện và vị tha của cậu. Nếu thế giới này không dung được những con người quá trong sáng, lạc quan và nhân ái như cậu, thì hi vọng ở một thế giới khác, cậu sẽ có được hạnh phúc của riêng mình, vì cậu xứng đáng. Cảm ơn, A Vũ!