Trăn trở bài toán huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh cần nguồn lực rất lớn để thực hiện. Trong khi đó, nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam còn hạn chế so với nhu cầu thực tế.
Nguồn lực tài chính hạn chế
Tại diễn đàn khoa học với chủ đề "Diễn đàn tăng trưởng xanh Việt Nam 2023" ngày 3/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực trong hoạch định chính sách và thúc đẩy nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh.
Tuy nhiên, nỗ lực này mới chỉ là bước khởi đầu, cơ hội và thách thức còn rất nhiều trước mắt.
Các nhà khoa học cũng như doanh nghiệp đánh giá mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 là rất tham vọng, vừa là thách thức vừa là cơ hội để có thể thu hút các nguồn lực nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh sẽ đem lại những lợi ích to lớn và lâu dài. Song, tăng trưởng xanh cần nguồn lực rất lớn để thực hiện.
“Cần thúc đẩy hai nguồn lực tài chính và con người như thế nào để triển khai, thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh trong khi nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, đặc biệt phải phải ứng phó với rất nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu”, bà Ngọc trăn trở.
Cũng theo bà Ngọc, tăng trưởng xanh liên quan mật thiết tới kinh tế đối ngoại. Đó là đầu tư nước ngoài, là hỗ trợ phát triển của các đối tác song phương, đa phương và tiếp cận dòng công nghệ tiên tiến trên thế giới.
Những hoạt động này cần đặt ở mức rất rộng ở tất cả các cấp để huy động được nguồn lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh ở Việt Nam.
Hiện đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn là động lực quan trọng giúp Việt Nam thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh.
“Cần thiết kế khuôn khổ chính sách thu hút được dòng đầu tư xanh, thu hút dòng vốn nước ngoài gián tiếp vào các dự án đầu tư xanh nhưng lại khắc phục được và xử lý được các vấn đề liên quan đầu tư dàn trải, không tập trung. Đây là bài toán mà Bộ KH&ĐT mong muốn lắng nghe chia sẻ từ các chuyên gia và nhà khoa học”, Thứ trưởng chia sẻ.
PGS,TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2011-2021, Việt Nam cũng đã đạt được những bước tiến lớn trong việc huy động đầu tư cho chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời với bảo tồn tài nguyên môi trường.
Tuy nhiên, nguồn lực tài chính huy động để thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế.
Việc thu hep khoảng cách giữa nhu cầu đầu tư và dòng tài chính thực tế đang đặt ra những yêu cầu về cải thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân - khu vực được đánh giá là chưa phát huy hết tiềm năng tương xứng.
Nhằm giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đòi hỏi sự đầu tư đáng kể từ khu vực Nhà nước và tư nhân.
“Rất khó định lượng các khoản đầu tư cần thiết vì việc này đòi hỏi phải xác định và tính toán được chi phí của các biện pháp thích ứng không chỉ ở các ngành kinh tế khác nhau mà còn ở các khu vực địa lý cụ thể”, ông Tuấn nêu.
Chuyên gia khuyến nghị, Nhà nước cần xây dựng, áp dụng khung chính sách về khuyến khích và ưu đãi đầu tư, cơ chế và các công cụ tài chính nhằm khơi thông nguồn lực xã hội, huy động hiệu quả nguồn lực tài chính của khối doanh nghiệp cho ứng phó biến đổi khí hậu.
Rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phát hành trái phiếu xanh. Nghiên cứu, xây dựng quy định về bảo hiểm xanh, xây dựng danh mục các sản phẩm bảo hiểm xanh nhằm bảo hiểm trách nhiệm ô nhiễm môi trường đối với các ngành có rủi ro môi trường cao.
Cùng với đó, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh và ngân hàng xanh, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính xanh.
Huy động tài chính xanh từ nhiều nguồn
Nhấn mạnh đến nguồn vốn tài chính xanh, TS Nguyễn Thanh Hải - chuyên gia kinh tế của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) cho biết, nguồn vốn tài chính xanh trên thế giới trong 10 năm gần đây tăng theo cấp số nhân, đã trở thành dòng vốn chủ đạo và được khuyến khích phát triển.
Quy mô thị trường tài chính xanh toàn cầu đã tăng từ 5,2 tỷ USD vào năm 2012 lên hơn 540 tỷ USD vào năm 2021. Trong đó, trái phiếu xanh chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường tài chính xanh, với lượng phát hành hàng năm tăng từ 2,3 tỷ USD năm 2012 lên 335 tỷ USD, đã đạt tổng dư nợ 2,008 tỷ USD vào năm 2022.
Trong Báo cáo điểm lại tháng 8 năm 2023, Ngân hàng thế giới (WB) ước tính, riêng tổng nhu cầu tài chính phát sinh thêm để Việt Nam thực hiện lộ trình giảm thải carbon và nâng cao khả năng chống chịu có thể lên đến khoảng 701 tỷ USD trong giai đoạn 2022- 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm. Trong khi đó, báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển của WB công bố tháng 7 năm 2022 chỉ tính là 368 tỷ USD.
Theo chuyên gia, huy động nguồn vốn tài chính xanh quy mô lớn cho Việt nam phải đến từ nhiều nguồn tài chính xanh quốc tế và trong nước, từ khu vực công và đặc biệt là từ khu vực tư nhân, từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp và đặc biệt là từ hệ thống tài chính, ngân hàng bằng các công cụ tài chính xanh.