Trăn trở bên những lá đơn xin giảm án
Được thành lập từ năm 2015, VKSND cấp cao tại Hà Nội (Viện cấp cao 1) phải nghiên cứu, giải quyết lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm hình sự rất lớn từ VKSND tối cao chuyển về, cộng với lượng đơn mới phát sinh hàng ngày do công dân gửi đến (trung bình khoảng 50-60 đơn/40-50 vụ, việc mỗi tháng), trong khi số lượng Kiểm sát viên còn thiếu, phải kiêm nhiệm giải quyết các việc khác...
Giữ chữ “tình” trong các bản án
Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm hình sự đầu tiên của Viện cấp cao 1 sau khi được thành lập là Quyết định số 01/QĐ/VC1-V1 ngày 14/12/2015, kháng nghị Bản án hình sự phúc thẩm số 24/2014/HSPT ngày 27/3/2014 của TAND tỉnh H.D. Bản án này đã y án sơ thẩm đối với các bị cáo, trong đó có bị cáo Vũ Văn Tr. (Tr. bị tuyên phạt về 2 tội danh “Cướp tài sản” và “Cưỡng đoạt tài sản”, với vai trò chủ mưu, cầm đầu vụ án). Tuy nhiên, Tr. không đồng ý với hai bản án nên khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm, cả về tội danh và hình phạt.
Nhận được đơn khiếu nại của công dân do VKSND tối cao chuyển xuống, Viện 1 đã nghiên cứu hồ sơ, nhận thấy: hành vi của Vũ Văn Tr. thực hiện đối với bị hại chỉ cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản”, không thỏa mãn yếu tố cấu thành tội “Cướp tài sản” như các cơ quan tố tụng hai cấp đã quy kết, nên đã có báo cáo đề xuất lãnh đạo Viện cấp cao 1 kháng nghị giám đốc thẩm vụ án, được lãnh đạo Viện nhất trí. Sau khi Viện cấp cao 1 kháng nghị giám đốc thẩm vụ án đối với bị cáo Tr., Tòa án cùng cấp đã xét xử giám đốc thẩm, chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKS, quyết định hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm của Tòa án hai cấp tỉnh H.D để điều tra lại theo quy định của pháp luật.
Nhớ lại quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vụ án này, Phó Viện trưởng Viện cấp cao 1 Lê Tư Quỳnh (phụ trách Viện 1, người ký thay Viện trưởng Viện cấp cao 1 quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vụ án) cho biết: Khi Viện cấp cao 1 được thành lập, qua nghe báo cáo và trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án, tôi thấy hành vi của bị cáo Tr. chỉ cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản” nên đã báo cáo Viện trưởng kháng nghị giám đốc thẩm vụ án, theo hướng hủy án để điều tra lại. Chỉ thời gian ngắn sau khi VKS kháng nghị, Tòa cấp cao mở phiên giám đốc thẩm, phiên họp toàn thể đã biểu quyết nhất trí 100% kháng nghị của VKS.
Phó Viện trưởng Viện cấp cao 1 Lê Tư Quỳnh cho biết, trong nhiều năm trực tiếp và phụ trách giải quyết án giám đốc thẩm về hình sự, ông đã đọc hàng trăm lá đơn, nghiên cứu hàng trăm hồ sơ vụ án hình sự có khiếu nại giám đốc thẩm một cách thận trọng, khoa học. Nhiều trường hợp dù đã được giải quyết đúng pháp luật, nhưng đương sự không chấp nhận, vẫn tiếp tục có đơn đề nghị xem xét, gửi đơn đến nhiều cơ quan khác nhau gây nên tình trạng khiếu kiện kéo dài, gây mất thời gian, công sức, ảnh hưởng đến hiệu quả thụ lý, giải quyết đơn của đơn vị.
“Chúng tôi vẫn trực tiếp lắng nghe họ trình bày, xem xét thận trọng hồ sơ vụ án nhưng nhận thấy vụ án đã được giải quyết đúng pháp luật, không bị oan, sai, cũng không có thêm tình tiết nào mới để có thể xem xét theo thủ tục đặc biệt, nên chỉ biết giải thích cho họ hiểu đúng về quyền và nghĩa vụ của họ; về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong việc xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của BLTTHS;… để họ chấm dứt khiếu nại và tự giác chấp hành bản án đã có hiệu lực pháp luật”.
“Cũng qua trực tiếp tiếp công dân, nghiên cứu đơn thư của họ, chúng tôi cảm nhận được họ đặt niềm tin rất lớn vào ngành Kiểm sát. Như trường hợp của Vũ Văn Tr. ở tỉnh H.D., khi được tin Viện cấp cao 1 kháng nghị giám đốc thẩm vụ án, Vũ Văn Tr. xúc động nói “Tôi vẫn còn niềm tin vào pháp luật”.
Một vụ án gần đây mà Viện cấp cao 1 kháng nghị giám đốc thẩm thành công là trường hợp bị án Vũ Thị H. ở tỉnh H.D. (thụ án 15 tháng tù về tội Hủy hoại tài sản), xuất phát từ lá đơn được viết sơ sài, chỉ với vài dòng nhưng mắc nhiều lỗi sai chính tả của bị án…
Cơ sự dẫn đến việc H. phải chịu án là: chiều hôm đó, H. đến quán ăn của anh trai làm việc thì thấy bố mẹ đẻ ở nhà bên cạnh đang chửi nhau với anh trai mình. Do trước đó cũng bị bố mẹ mắng chửi thường xuyên làm cản trở việc kinh doanh nên H. cùng tham gia chửi nhau, sau đó H. phóng xe máy đi mua chai xăng mang vào nhà bố mẹ đẻ, đổ rồi châm lửa đốt. Hậu quả đã làm hư hỏng một số tài sản trong nhà, tổng giá trị thiệt hại là hơn 3,9 triệu đồng. Sau khi Tòa sơ thẩm xét xử kết án 24 tháng tù, bị cáo và cả bị hại đều có đơn xin cho bị cáo được hưởng án treo nhưng chỉ được Tòa án cấp phúc thẩm giảm 9 tháng tù (còn phải thụ án 15 tháng tù).
Để bảo đảm vụ án được giải quyết đúng pháp luật, tổ công tác gồm Phó Viện trưởng Viện cấp cao 1 Lê Tư Quỳnh và đồng chí Vũ Văn Biểu - Phó Viện trưởng Viện 1 đã trực tiếp về địa phương để xác minh thực tế. Lúc đó, mẹ con H. đang sống trong một căn nhà lụp xụp nằm sát cạnh nghĩa trang của làng. Kết quả xác minh của tổ công tác cho thấy những nội dung mà H. trình bày để xem xét được hưởng án treo là có căn cứ: bị cáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: hiện đang đơn thân nuôi 3 con nhỏ, trong đó có 1 cháu bị khuyết tật vận động mức độ nặng, không tự chăm sóc được bản thân, bị cáo lại đang mang thai lần thứ 4. Trước đó, trong quá trình tố tụng ở địa phương, H. đã tự nguyện hòa giải và khắc phục toàn bộ thiệt hại đã gây ra. Căn cứ Nghị quyết số 02/2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 BLHS về án treo thì hành vi phạm tội của bị cáo thuộc trường hợp cho hưởng án treo.
Sau khi Viện cấp cao 1 có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vụ án, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội đã xét xử giám đốc thẩm, biểu quyết nhất trí 100% kháng nghị của VKS: sửa bản án phúc thẩm về phần trách nhiệm hình sự đối với bị cáo, xử phạt bị cáo H. 15 thán tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Hủy hoại tài sản”.
Hình phạt phải bảo đảm tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm
Theo Phó Viện trưởng Viện cấp cao 1 Lê Tư Quỳnh, đối với ngành Kiểm sát, hoạt động kháng nghị giám đốc thẩm vụ án hình sự là hoạt động kiểm sát công tác xét xử của VKS đối với Tòa án. Ngoài việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết vụ án, VKS đặc biệt quan tâm đến việc áp dụng pháp luật nội dung, về quyết định tội phạm và hình phạt của Tòa án, trăn trở làm sao ngoài việc bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật, hình phạt mà các Tòa án địa phương quyết định đối với các bị cáo còn phải bảo đảm được mục đích của hình phạt, vừa có tác dụng cải tạo, răn đe người phạm tội, vừa phải có tác dụng giáo dục, phòng ngừa chung…, để góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Vụ án sau đây là một ví dụ:
Theo nội dung vụ án: Tối ngày 2/7/2018, T.H., N., T. và H. đang đánh bạc (trực tuyến, qua trang “Http: Lvs788.com”) tại nhà của H. thì bị tổ công tác Công an thành phố L.C phát hiện, bắt quả tang. Quá trình điều tra xác định, các đối tượng đã sử dụng số tiền 19.360.000 đồng vào mục đích đánh bạc, trong đó T.H. bỏ ra 13.720.000 đồng; N. bỏ ra 4.640.000 đồng; T. mang theo 17.900.000 đồng nhưng chỉ bỏ ra 1.000.000 đồng để đánh bạc.
Tại Bản án số 93/2018/HSST ngày 24/10/2018 của TAND TP L.C. tuyên xử các bị cáo phạm tội “Đánh bạc”, áp dụng khoản 1 Điều 321; điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 58 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo T.H. 12 tháng tù và phạt bổ sung 15 triệu đồng; N. 8 tháng tù; H. 7 tháng tù, T. 6 tháng tù; phạt tiền N., H., T. - mỗi bị cáo 10 triệu đồng.
Sau khi các bị cáo có kháng cáo, TAND tỉnh L.C xét xử phúc thẩm đã quyết định chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo H., T.; Sửa Bản án số 93/2018/HSST ngày 24/10/2018 của TAND TP L.C, áp dụng Điều 36 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo H. 01 năm cải tạo không giam giữ, không áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền; xử phạt bị cáo T. 1 năm 3 tháng cải tạo không giam giữ...
Kiểm sát bản án, Viện cấp cao 1 nhận thấy: các bị cáo H., T. đều có nhân thân xấu, đã nhiều lần bị kết án. Bị cáo T. cũng đã từng bị xử phạt 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 2 năm, cùng về tội “Đánh bạc”. Theo quy định của pháp luật hiện hành, với nhân thân xấu như vậy, các bị cáo không đủ điều kiện để được hưởng án treo cũng như án cải tạo không giam giữ. Việc Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm để áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ (còn nhẹ hơn cả hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo) đối với các bị cáo H., T., là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, không bảo đảm tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm trong lúc tệ nạn cờ bạc đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp như hiện nay.
Từ phát hiện trên, Viện cấp cao 1 đã kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Tòa án cùng cấp hủy bản án phúc thẩm nêu trên, giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 93/2018/HSST ngày 24/10/2018 của TAND TP L.C về hình phạt đã áp dụng đối với bị cáo H. và T.. Vừa qua, TAND cấp cao tại Hà Nội đã xét xử giám đốc thẩm, quyết định chấp nhận toàn bộ nội dung kháng nghị của VKS.
Từ kết quả giải quyết các vụ án hình sự theo thủ tục giám đốc thẩm thời gian qua, Viện cấp cao 1 đã ban hành các thông báo rút kinh nghiệm, chỉ ra những vi phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương. Qua theo dõi, Viện cấp cao 1 thấy rằng những vi phạm đã được rút kinh nghiệm không còn xảy ra.
Số lượng đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm mà Viện cấp cao 1 đã giải quyết trong 3 năm gần đây, cụ thể là: Năm 2017, đã giải quyết 1068 đơn/386 vụ, việc; đã kháng nghị 56 đơn/52 vụ án. Năm 2018 đã giải quyết 433 đơn/254 vụ, việc; đã kháng nghị 26 đơn/24 vụ án. Năm 2019: giải quyết 355 đơn/234 vụ, việc, kháng nghị 41 đơn/32 vụ án.