Trăn trở Cao Sơn
Có khí hậu và cảnh quan thiên nhiên được ví như 'Sa Pa thu nhỏ' của xứ Thanh, thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, song do nhiều nguyên nhân mà đến nay, bà con thôn Son, Mười, Bá (hay còn gọi là khu Cao Sơn, thuộc xã Lũng Cao, huyện Bá Thước) vẫn chưa thể phát huy những tiềm năng, lợi thế trên.
Một góc thôn Son, xã Lũng Cao (Bá Thước).
Ngược Cao Sơn vào những ngày hè oi ả, mới 8 giờ sáng mà cái nắng đã chói chang. Ông Hà Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Cao thúc giục: “Nên đi sớm, chứ thời tiết này mà phải đánh vật với con đường xuống cấp là vất vả đấy!”. Mặc dù được dự báo trước, nhưng tôi thực không dám tin, sự xuống cấp của tuyến đường lại khiến cho chúng tôi di chuyển khó khăn đến vậy. Tại nhiều điểm dốc cao, khúc cua tay áo, mặt đường gần như bị biến dạng, bong tróc với những “ổ voi”, “ổ gà” nguy hiểm.
Để hạn chế tai nạn, đảm bảo quan sát cho người đi đường, đơn vị chức năng đã phải lắp thêm hệ thống các gương cầu lồi. Song, vẫn có những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra. Nói về nguyên nhân tuyến đường xuống cấp, theo Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Cao Hà Văn Tuấn: “Tuyến đường đầu tư từ lâu, không có hệ thống thoát nước hai bên đường nên hễ mưa lớn là xảy ra hiện tượng xói mòn, làm hỏng kết cấu mặt đường. Chưa kể, vào mùa mưa lũ, tình trạng sạt lở cũng diễn ra thường xuyên, tình trạng ách tắc giao thông, thậm chí gây chia cắt diễn ra nhiều ngày”.
Đây không chỉ là tuyến đường huyết mạch từ trung tâm xã Lũng Cao lên các thôn Son, Bá, Mười mà cũng là tuyến đường duy nhất để bà con xuống trung tâm xã. Tình trạng hư hỏng khiến việc đi lại của bà con gặp không ít khó khăn, nông sản làm ra cũng chỉ mang tính tự cung tự cấp.
“Chợ Phố Đoàn, một trong những chợ nổi tiếng luôn có sức tiêu thụ lớn, với nhiều du khách, tuy nhiên bà con các thôn Son, Bá, Mười lại rất khó khăn để giao thương, mua bán. Nguyên nhân bởi khoảng cách xa, tuyến đường lại xuống cấp. Thay vào đó, bà con thường phải sang chợ huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình). Đây cũng là một trong những điều đáng tiếc vì người dân bản địa lại khó khăn trong việc buôn bán ở chợ địa phương” - anh Tuấn chia sẻ.
Gần 1 giờ đồng hồ “đánh vật” với con đường đầy khó nhọc, chúng tôi cũng đặt chân đến Cao Sơn. Ở độ cao gần 1.200m so với mực nước biển, các thôn Son, Bá, Mười gần như khu biệt bởi những dãy núi cao hùng vĩ. Từ đây, chúng tôi có thể dễ dàng phóng tầm mắt ra xa để chiêm ngưỡng những nếp nhà sàn đặc trưng của người Thái nằm nhấp nhô dọc triền núi; những thửa ruộng bậc thang uốn lượn đương mùa lúa chín. Điều đặc biệt ai cũng có thể cảm nhận thấy, đó là khí hậu mát mẻ nơi đây. Ông Tuấn lý giải: “Dù nền nhiệt độ chung ở các nơi lên tới gần 40 độ thì ở Cao Sơn, nền nhiệt thời điểm cao nhất cũng chỉ dưới 30 độ”.
Anh Nguyễn Văn Lương (một du khách từ Hà Nội) cho biết: “Không nghĩ là Cao Sơn lại thừa hưởng nét đẹp yên ả, thanh bình đến vậy. Thiên nhiên hoang sơ của những cánh rừng nguyên sinh, cùng với đời sống văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc Thái đã đem đến cho tôi những trải nghiệm thú vị. Chắc chắn tôi sẽ cùng bạn bè trở lại nơi đây vào một dịp khác”.
Mặc dù địa danh Cao Sơn đã phần nào in sâu vào tâm trí du khách là điểm du lịch nức tiếng, nhưng di chuyển từ thôn Son, qua thôn Mười và cuối cùng là thôn Bá, điều chúng tôi dễ nhận thấy lại là đời sống của bà con nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn và số lượng hộ làm du lịch, sống nhờ ngành “công nghiệp không khói” này, chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Phó Chủ tịch UBND xã Hà Văn Tuấn lý giải: Ngoài khó khăn cách trở về giao thông thì thôn Son, Mười, Bá cũng gặp phải rất nhiều bất cập khác. Đơn cử như năm 2021 thôn Son, thôn Mười mới được thụ hưởng điện lưới quốc gia; thôn Bá thì tận đầu năm 2023. Đây là những “rào cản” kéo dài khiến cho kinh tế nơi đây chậm phát triển. Qua rà soát cuối năm 2022, thôn Son với 103 hộ, 438 nhân khẩu (tỷ lệ hộ nghèo 35,92%, cận nghèo 42,72%); thôn Mười với 63 hộ, 253 nhân khẩu (tỷ lệ hộ nghèo 50,79%; cận nghèo 42,86%); thôn Bá 26 hộ, 108 nhân khẩu thì tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 56,48%.
Theo ông Ngân Văn Thương, trưởng thôn Bá thì, tiềm năng phát triển du lịch là rất lớn nhưng đến nay cả thôn chỉ duy nhất có 1 hộ làm du lịch. Sở dĩ, du lịch nơi đây chưa phát triển là do đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Diện tích đất ở ít, chủ yếu là đất lâm nghiệp, đất rừng. Trong khi điện lưới thì mới được đầu tư, hạ tầng cơ sở vật chất, giao thông còn nhiều khó khăn cũng là những rào cản nhất định, tác động lên đời sống của bà con Nhân dân nơi đây.
Dù vậy, ông Thương tin tưởng: “Mấy năm trở lại đây bà con đã tập trung vào việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ những diện tích trồng ngô kém hiệu quả chuyển sang trồng cam, quýt, măng đắng... Đây là những sản phẩm du lịch có giá trị kinh tế cao, luôn được các tiểu thương săn đón”.
Đơn cử như, trường hợp hộ gia đình ông Ngân Văn Kim, với 400 gốc cam, quýt, mỗi năm gia đình ông thu nhập gần 100 triệu đồng. Ông Kim chia sẻ: “Nói về cây lúa thì mang tính tự cung, tự cấp, đủ cho nhu cầu của người dân. Riêng cây măng đắng, cây cam, quýt đang là những cây trồng có giá trị, phù hợp với điều kiện khí hậu mát, lạnh nơi đây. Ngoài thu nhập về kinh tế, đây cũng là những sản phẩm du lịch, được du khách ưa chuộng".
Tuy nhiên, cũng theo ông Kim thì, một khi những cây trồng này trở thành sản phẩm hàng hóa thì hạ tầng giao thông, kết nối giao thương phải được đầu tư, phát triển, có vậy đầu ra sản phẩm mới được đảm bảo.
Ông Lương Văn Thuân, Chủ tịch UBND xã Lũng Cao, khẳng định: Trong thời gian tới, xã Lũng Cao sẽ tiếp tục chỉ đạo các thôn tuyên truyền, vận động người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, thôn Son, Bá, Mười có đặc thù để phát triển sinh thái cộng đồng, UBND xã sẽ tập trung đẩy mạnh xúc tiến cho con em tại địa phương đi học, tập huấn nghiệp vụ du lịch, đồng thời, tuyên truyền cho bà con nâng cao ý thức về sản phẩm du lịch. “Để đưa du lịch nơi đây thực sự phát triển, cũng mong có sự đầu tư đến từ các cấp, các ngành trong việc phát triển hạ tầng giao thông; phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc. Và, quan trọng nhất là việc quảng bá, thu hút nhiều nhà đầu tư phát triển về du lịch” - ông Thuân mong mỏi.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/tran-tro-cao-son/187919.htm