Trăn trở của người dân khu Lóng

PTĐT - Cách trung tâm xã 7km, nép mình dưới những rừng quế, keo, bồ đề là hơn 60 hộ đồng bào dân tộc Mường, Dao của khu Lóng (xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn) sống đoàn kết, quây quần bên nhau. Từ bao đời nay, người dân khu Lóng sống nhờ sản xuất lâm nghiệp, bám rừng mà thoát đói…

Nhiều gia đình ở khu Lóng đầu tư máy phát điện bằng nguồn nước nhưng chi phí cao, nguồn điện phập phù, không ổn định.

Nhiều gia đình ở khu Lóng đầu tư máy phát điện bằng nguồn nước nhưng chi phí cao, nguồn điện phập phù, không ổn định.

Vươn lên phát triển kinh tế
Ở khu Lóng 100% các hộ dân sống nhờ rừng, sản xuất lâm nghiệp bởi diện tích rừng trồng hơn 100ha. Trung bình mỗi hộ có 2ha đất rừng sản xuất, cá biệt có những hộ có cả chục, vài chục ha đất lâm nghiệp. Diện tích đất lâm nghiệp lớn, cùng với đức tính chịu thương, chịu khó, người dân khu Lóng đã biết tận dụng, biến “tấc đất thành tấc vàng” bằng việc phủ xanh thành những rừng keo, bồ đề. Trong đó, cây quế được ví như “vàng xanh”, trở thành báu vật mà người dân nơi đây không ngừng gìn giữ, mở rộng diện tích trồng. Con đường dài 7km dẫn vào “thủ phủ” của cây quế mới được đổ bê tông bằng phẳng, tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Cùng với bồ đề, keo là cây mang lại hiệu quả kinh tế, gắn bó lâu đời với người dân; một vài năm gần đây, thấy trồng quế mang lại giá trị cao hơn nên người dân trong khu chuyển hướng sang giống cây này. Quế là giống cây ưa đất đồi ẩm và khí hậu mát mẻ nên thích hợp khi được trồng trên diện tích đồi rừng ở khu Lóng. Giống cây này dễ trồng, khó bị đốn ngã bởi gió, bão và có giá trị kinh tế cao do mọi bộ phận từ thân, lá, cành đều có thể bán với giá khá ổn định. Dù chu kỳ thu hoạch lâu hơn cây keo nhưng trồng quế đến năm thứ 5 trở đi có thể tỉa dần cành, lá để bán. Theo tính toán của người dân, với chu kỳ 13 năm, 1ha quế sẽ cho thu nhập từ 600 - 700 triệu đồng, cao hơn so với những loại cây trồng khác được trồng trên diện tích tương ứng. Bởi vậy, trong khu có nhiều hộ trồng quế với diện tích lớn, trên 3ha. Lợi ích trồng rừng và cây quế đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân khu Lóng, nhiều hộ trong khu đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hiện tại bà con khu Lóng trồng xen kẽ keo, bồ đề và quế để lấy ngắn nuôi dài và định hướng chuyển dần sang trồng quế. Ông Phùng Sinh Quyên - Bí thư chi bộ khu Lóng cho hay: “Nhờ rừng mà đồng bào dân tộc Mường, Dao ở Lóng dần ổn định cuộc sống, thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu. Nhiều gia đình có tiền tỷ gửi tiết kiệm. Năm 2018, con đường vào khu được nâng cấp, hoàn thành, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang, sạch đẹp, mua sắm các vật dụng trong nhà phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày”.

Quế là cây trồng mang lại hiệu quả cao cho người dân khu Lóng.

Quế là cây trồng mang lại hiệu quả cao cho người dân khu Lóng.

Không muốn là hộ nghèoVới 24 hộ thuộc diện nghèo, 25 hộ cận nghèo trên tổng số 61 gia đình, Lóng hiện là khu dân cư có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của xã. Lý giải về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Oanh - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kiệt cho hay: “Lóng được đánh giá là khu có điều kiện, tiềm năng phát triển kinh tế lâm nghiệp nhất nhì xã. Nhiều lần đi khảo sát, thăm hỏi, chuyện trò cùng bà con, chúng tôi được biết có khá nhiều gia đình có của ăn của để, thậm chí có tiền gửi tiết kiệm. Thế nhưng, gần đây nhất, xã tổ chức chấm điểm hộ nghèo thì lại cho ra kết quả không mấy tích cực khi số hộ nghèo, cận nghèo giảm rất ít; có nhiều hộ những năm trước đã ra khỏi danh sách nhưng năm nay lại tái nghèo…”.Để tìm hiểu ngọn nguồn của câu chuyện, chúng tôi trao đổi với Bí thư chi bộ và được ông chia sẻ: “Đúng là mới đây nhất, qua chấm điểm hộ nghèo của xã, tỷ lệ nghèo, cận nghèo, tái nghèo của khu vẫn còn cao. Mới đầu nghe có vẻ bất hợp lý nhưng với chúng tôi đó là lẽ thường tình. Nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là do khu chưa có điện lưới Quốc gia. Theo quy định trong bảng tiêu chí chấm điểm, tại mục B1 về chỉ tiêu ước tính thu nhập của hộ, hầu hết các gia đình trong khu đều bị mất 50 điểm vì không tiêu thụ điện hàng tháng (mục số 8)”. Năm 2005, 2008 khu Lóng được dự án phi Chính phủ đầu tư 2 máy phát điện mini nhưng đến nay vì máy xuống cấp, phụ thuộc vào nguồn nước và nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng lên nên không đủ cung cấp. Trung bình một năm, người dân chỉ được sử dụng điện 6 tháng để thắp sáng, sinh hoạt. Cũng bởi chưa có điện nên theo mục số 11 về tài sản chủ yếu, các hộ cũng bị mất khá nhiều điểm (ti vi: 10 điểm, tủ lạnh: 10 điểm, bình nước nóng: 15 điểm…) do không có các thiết bị điện tử, điện lạnh cơ bản trong nhà hoặc đã bị hỏng hóc do nguồn điện không ổn định… “Chính vì thế, mặc dù có tiềm năng phát triển kinh tế nhưng do không có điện nên đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu Lóng gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi mong muốn sớm có điện lưới Quốc gia để cải thiện cuộc sống và được đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo” - Bí thư Chi bộ khu Lóng Phùng Sinh Quyên trăn trở.Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Oanh cho biết: “Trong thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền về việc giảm nghèo để người dân nâng cao nhận thức, tự mình vươn lên; đồng thời động viên, tạo thuận lợi để người dân khai thác thế mạnh kinh tế lâm nghiệp”. Hệ thống lưới điện Quốc gia đang trong kế hoạch xây dựng, hy vọng sẽ được đẩy nhanh tiến độ để người dân khu Lóng thuận lợi trong sinh hoạt, sản xuất; để họ không phải là hộ khi áp theo tiêu chí nghèo.

Lệ Oanh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/201912/tran-tro-cua-nguoi-dan-khu-long-168271