Trăn trở giữ 'chữ tình' trong những bản án dân sự
Trong mỗi phiên tòa xét xử, những Kiểm sát viên Phòng 9, VKSND tỉnh Hà Nam luôn tự nhắc mình phải công tâm, đặt mình vào hoàn cảnh của mỗi người liên quan trong vụ án, để đưa ra ý kiến 'thấu tình, đạt lý', để hài hòa các mối quan hệ giữa những người liên quan, để tranh chấp không kéo dài và giữ lại 'chữ tình' trong mỗi bản án…
Phát hiện nhiều bản án đánh giá chứng cứ không khách quan
Trưởng Phòng 9, VKSND tỉnh Hà Nam Trần Thị Đông và Phó Trưởng phòng 9 Nguyễn Viết Luận tiếp PV vào một buổi trưa ngày đầu tháng 11. Chia sẻ về thành tích của phòng, KSV Trần Thị Đông khiêm tốn, Phòng 9 không có nhiều thành tích nổi bật, các phòng khác anh em vất vả hơn nhiều.
Tuy nhiên, được sự động viên của các cấp lãnh đạo Viện và nỗ lực của các cá nhân trong phòng, chúng tôi chỉ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, đóng góp ý kiến trong những bản án tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác, góp phần cho mỗi phán quyết của Tòa án được công bằng, đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của các đương sự liên quan. Phòng 9 đặt ra yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm đột phá là: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại.., chú trọng phát hiện vi phạm và thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị.
Báo cáo công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, Phòng 9 nhấn mạnh, thông qua công tác kiểm sát việc lập hồ sơ giải quyết án dân sự, HNGĐ và kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án, VKS 2 cấp đã phát hiện những vi phạm: Bản án đánh giá chứng cứ không khách quan, toàn diện và không chính xác dẫn đến tuyên án không phù hợp với thực tế khách quan; bản án tính án phí dân sự sơ thẩm không đúng; bản án chia thừa kế không đúng; bản án bác yêu cầu cấp dưỡng và buộc đương sự chịu án phí dân sự không đúng; bản án giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu không chính xác....
Năm 2019, VKS 2 cấp đã ban hành 12 kháng nghị phúc thẩm đối với 12 bản án, quyết định của Tòa án. Tòa án cấp phúc thẩm đã xét xử chấp nhận: 5/5 kháng nghị, còn 7 kháng nghị Tòa án chưa giải quyết. Đối với những vi phạm khác, VKS 2 cấp đã tổng hợp ban hành 13 kiến nghị với Tòa án và các cơ quan hữu quan trên địa bàn, tăng 1 kiến nghị so với cùng kỳ năm 2018.
Công tác kháng nghị phúc thẩm phần nào khẳng định vị trí, vào trò của VKS trong kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo vệ pháp chế XHCN, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Điển hình như: kháng nghị phúc thẩm của VKS tỉnh đối với vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất, yêu cầu hủy Quyết định đền bù hỗ trợ của UBND huyện Kim Bảng”.
Đây là vụ án có tính chất phức tạp, liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc, tỉnh Hà Nam. Đường lối giải quyết vụ án giữa VKS và HĐXX sơ thẩm có phần trái quan điểm. Quyết định của bản án sơ thẩm đã gây bức xúc cho 13 hộ gia đình là bị đơn trong vụ án, cũng như các hộ dân khác trên địa bàn xã Khả Phong, huyện Kim Bảng dẫn đến người dân dựng chòi, cắm cờ, căng băng rôn, biểu ngữ tại khu vực đất đã thu hồi, cản trở việc thi công của doanh nghiệp Xuân Trường khi đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho đại lễ Vesak diễn ra tại chùa Tam Chúc.
Trước tình hình đó, Lãnh đạo VKSND tỉnh Hà Nam đã quyết liệt chỉ đạo Phòng 9 tham mưu xây dựng kháng nghị phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm, theo hướng bảo vệ quyền lợi cho 13 hộ dân là bị đơn trong vụ án. Ngày 30/9/2019, TAND cấp cao tại Hà Nội đã xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của VKS tỉnh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Giữ “chữ tình” trong những bản án hôn nhân - gia đình
Kiểm sát viên Trần Thị Đông chia sẻ: Những năm gần đây, các vụ việc HNGĐ chiếm tỷ lệ lớn, đa số là ly hôn ở các cặp vợ chồng trẻ. Trong những vụ án ly hôn, Kiểm sát viên luôn tâm niệm đưa ra quan điểm để TAND ra phán quyết đảm bảo quyền của các đương sự, nhưng phải bảo vệ được quyền của trẻ em, nhóm yếu thế trong các vụ án ly hôn.
Phó Trưởng Phòng 9 VKSND tỉnh Hà Nam, Nguyễn Viết Luận, trầm ngâm: Tại Hà Nam có nhiều bản án ly hôn, người phụ nữ và những đứa con chung rơi vào hoàn cảnh rất éo le, nếu chiếu theo quy định của pháp luật mà xử thì gây ra những bi kịch rất đau lòng. Năm 2018, TAND huyện Bình Lục mở phiên tòa công nhận thuận tình ly hôn giữa anh Nguyễn Văn Ngọc và chị Trần Thị Huyền (tên nhân vật được thay đổi - PV). Theo đó, vợ chồng anh Ngọc và chị Huyền có hai người con chung là cháu Nguyễn Thị Lan và Nguyễn Văn Khôi, trong thời điểm vợ chồng anh Ngọc đưa đơn ly hôn thì cháu Khôi dưới 2 tuổi, nên theo quy định của pháp luật, cháu trai sẽ do chị Huyền chăm sóc, còn cháu Lan (6 tuổi) giao cho anh Khôi chăm sóc.
Tuy nhiên, một năm sau thì chị Huyền nộp đơn yêu cầu xin thay đổi quyền nuôi con, chị Huyền muốn nuôi cả cháu Lan. Lí do chị Huyền đưa ra là do con gái bị mắc bệnh tim bẩm sinh từ nhỏ, nếu được ở với mẹ sẽ được chăm sóc tốt hơn. Sau khi xem xét hoàn cảnh cháu bé, những chứng cứ cho thấy, đại diện VKS tham gia phiên tòa đã nêu quan điểm về việc đề nghị TAND tỉnh Hà Nam chấp thuận cho chị Huyền được nuôi 2 cháu bé, anh Ngọc sẽ phải trợ cấp nuôi con, và có quyền thăm và chăm sóc con.
Phó Trưởng phòng 9 Nguyễn Viết Luận cho biết thêm, trong các phiên xét xử về án hôn nhân gia đình, đại diện VKS luôn phải có tâm niệm xem xét các góc cạnh của vấn đề, để đảm bảo quyền cho người phụ nữ và trẻ em. Một vụ án rất hy hữu, khi người chồng bỏ mặc vợ và 3 cô con gái trong 5 năm liền không chu cấp tiền, mặc dù hai vợ chồng chưa ly hôn. Trong vụ án này, VKS đã nêu quan điểm, người chồng phải “cấp dưỡng nuôi con trong thời gian bỏ mặc”.
Kiên định tìm “góc khuất” trong những vụ án dân sự
Các vụ án dân sự thường phức tạp, nhiều vụ án kéo dài và để giải quyết thấu tình, đạt lý không hề đơn giản, đòi hỏi Kiểm sát viên không chỉ có nghiệp vụ vững chắc mà cần có sự kiên trì, tâm huyết, trách nhiệm, tình yêu với nghề, nên trước những vụ án, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên Phòng 9 luôn trăn trở giải quyết làm sao cho đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân. Trước những bản án, quyết định giải quyết các vụ, việc dân sự của Tòa án không đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, VKS đã kiên định tìm ra những góc khuất để ban hành kháng nghị, bảo đảm công bằng cho các đương sự.
Trưởng Phòng 9 chia sẻ, năm 2012, TAND TP Phủ Lý ra phán quyết trong vụ kiện “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” giữa nguyên đơn là Đỗ Thị Thanh Loan và bị đơn là vợ chồng chị Trần Thị Kim Dung và anh Đinh Xuân Hùng.
Theo nội dung đơn khởi kiện của chị Loan, năm 2009, chị Loan mua đất của anh Hùng, chị Dung tại TP Phủ Lý với số tiền 120 triệu đồng. Sau đó, chị Loan đã làm thủ tục đứng tên mảnh đất đó nhưng anh Hùng, chị Dung không giao lại nhà đất cho chị Loan. Trong khi phía chị Dung, anh Hùng lại cho rằng, thực chất hợp đồng chuyển nhượng trên là hợp đồng “giả cách” để chị Loan cho anh Trịnh Xuân Dũng (em trai chị Dung) mượn tiền. Anh Hùng, chị Dung đề nghị Tòa án: Hủy Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và tài sản gắn liền với đất. Hủy giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất UBND thành phố cấp cho chị Đỗ Thanh Loan.
Vụ án trên, qua nhiều cấp xét xử nhưng mâu thuẫn chưa được giải quyết dứt điểm, năm 2015, TAND cấp cao tại Hà Nội đã ra quyết định giám đốc thẩm về vụ “Tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng đất và tài sản gắn liền với đất”. Theo đó, TAND cấp cao đã ra quyết định hủy toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm, sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Hà Nam xét xử sơ thẩm theo quy định. Bản án sơ thẩm số 02/2018/DSST-TC ngày 28/3/2018 của TAND tỉnh Hà Nam quyết định: Chấp nhận Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liến với đất giữa anh Hùng, chị Dung với chị Loan được công chứng ngày 15/12/2009. Buộc chị Dung và anh Hùng phải trả lại toàn bộ nhà và đất cho chị Loan.
Sau khi xét xử sơ thẩm, nguyên đơn, bị đơn đều kháng cáo. Ngày 12/4/2018, VKSND tỉnh Hà Nam ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án trên. Theo kháng nghị của VKSND tỉnh Hà Nam, xác định hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất giữa chị Dung, anh Hùng và chị Loan là hợp đồng giả tạo nhằm che giấu giao dịch vay tiền giữa anh Trịnh Xuân Dũng với chị Loan cần phải tuyên vô hiệu và xử lý hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất có chữ ký của các bên, có công chứng để cho rằng việc chuyển nhượng nhà, đất là có cơ sở, không có việc che giấu hợp đồng vay tài sản là chưa đảm bảo tính khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác trong việc xem xét, đánh giá chứng cứ dẫn đến tuyên xử buộc chị Dung, anh Hùng phải trả nhà, đất cho chị Loan là không đúng với bản chất vụ việc, không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã thu thập, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm lại vụ án theo hướng hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo quy định của pháp luật.
Bản án dân sự phúc thẩm số 670/2018/DSPT ngày 18/12/2018 của TAND cấp cao tại Hà Nội quyết định: Không chấp nhận kháng cáo của chị Đỗ Thanh Loan, chấp nhận kháng cáo của chị Trịnh Thị Kim Dung và chấp nhận một phần kháng nghị của Viện trưởng VKSND tỉnh Hà Nam; sửa bản án dân sự sơ thẩm số 02/2018/DSST-TC ngày 28/3/2018 của TAND tỉnh Hà Nam. Nội dung bản án hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa anh Hùng, chị Dung với chị Loan, hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất số BE 676930 do UBND cấp cho chị Đỗ Thanh Loan.
Qua những chia sẻ trên, PV cảm nhận ở những Kiểm sát viên Phòng 9, VKSND tỉnh Hà Nam đã luôn đấu tranh tìm ra lẽ phải, sự công bằng, đảm bảo pháp luật được thực thi nghiêm minh. Điều này được thể hiện qua những quyết định kháng nghị, văn bản kiến nghị được Kiểm sát viên dày công nghiên cứu để có những lập luận chặt chẽ, đầy sức thuyết phục. Chính vì vậy, các quyết định kháng nghị đều được Tòa án chấp nhận, bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự...
Năm 2018, Tập thể Phòng 9, VKSND tỉnh Hà Nam đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”; Năm 2018, 2019: Tập thể Phòng 9, VKSND tỉnh Hà Nam được Viện trưởng VKSND tối cao tặng Bằng khen trong phong trào thi đua Thực hiện Cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Nhiều cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và được Viện trưởng VKSND tối cao tặng Bằng khen.