Trăn trở giữ lửa cho ca trù
Với nỗ lực đưa ca trù ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của UNESCO, 2 năm qua, Hà Nội đã tổ chức Liên hoan tài năng trẻ ca trù. Sân chơi đã thu hút hàng trăm thí sinh – đào nương, kép đàn nhỏ tuổi. Tuy nhiên, hầu hết thí sinh tham gia liên hoan ca trù đợt 2 đều ở độ tuổi 6 - 10, kỹ năng và giọng hát còn nhiều hạn chế.
Thiếu những gương mặt quen
Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội lần 2 thu hút gần 60 thí sinh tham gia. Trong không gian của khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, khi các ca nương biểu diễn, những làn điệu ca trù đã thu hút đông đảo du khách quốc tế. Họ không chỉ tò mò về những đào nương, kép đàn trong bộ quần áo tứ thân, ngân nga ca trù mà còn bởi, thí sinh tham gia hầu hết đều là những em nhỏ mới 6 - 10 tuổi.
Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội lần 2 năm 2019 có sự tham gia của 30 thí sinh dự thi múa hát tập thể; 26 thí sinh dự thi đào nương, kép đàn và trống chầu của 8 nhóm, CLB ca trù trên địa bàn Hà Nội; 3 thí sinh tự do. Thí sinh lớn tuổi nhất 30 tuổi, nhỏ nhất 7 tuổi. Có 13 thí sinh là đào nương và kép đàn trong độ tuổi từ 6 - 15, chiếm 50%; còn lại là các nhóm múa từ 6 - 15 tuổi.
Là thể loại âm nhạc được du khách nước ngoài cảm nhận là “quốc hồn” của Việt Nam, tuy nhiên, từ lâu ca trù đã không còn thu hút đông đảo người theo học và cũng kén chọn người nghe. Trong Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội lần 2, thí sinh tham gia chỉ có 10% là những ca nương, kép đàn cũ. Nguyễn Thị Trinh (CLB ca trù Lỗ Khê, Đông Anh) là một thí sinh hiếm hoi thuộc gương mặt quen.
Chia sẻ về đam mê theo đuổi ca trù, Trinh chia sẻ: “Bà em thích ca trù nên thường dẫn em đi nghe vào những dịp lễ. Thấy em thích, bà cho em theo học CLB ca trù Lỗ Khê. Tuy nhiên, quá trình học rất khó khăn vì em vừa phải học văn hóa ở trường, vừa phải học ca trù”. Thí sinh Nguyễn Thị Trinh cũng cho biết, để yêu thích ca trù, em không chỉ học hát mà còn cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của từng ca từ, qua đó hiểu thêm lịch sử của đất nước.
Hiếm người hát hay
Theo dõi Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội 2 năm liên tiếp, nghệ nhân ca trù Nguyễn Văn Vằng (CLB ca trù Tranh Thôn, Phú Xuyên) luôn trăn trở về việc truyền dạy ca trù cho các em nhỏ, giữ lại tổ nghiệp của ông cha. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, nghệ nhân Nguyễn Văn Vằng cho hay: “CLB Tranh Thôn đã truyền dạy ca trù cho các em nhỏ được 4 - 5 đời nghệ nhân. Hiện nay, CLB thường xuyên có khoảng 30 học viên theo học. Thế nhưng, việc truyền dạy gặp nhiều khó khăn vì các cháu còn bận học. Khi có kỹ năng cao lên một chút thì các cháu lại nghỉ. Bây giờ, một số cháu lấy vợ, lấy chồng ở địa phương thì còn tham gia biểu diễn, số còn lại đều bỏ nghề ca hát”.
Chính vì việc thiếu nguồn nhân lực, các em nhỏ được đào tạo lại chưa đủ độ “chín” nên khi biểu diễn tại các sân khấu có nhiều khán giả như tại Liên hoan ca trù trẻ Hà Nội, thí sinh đôi lúc còn mắc sai sót. Trong một số tiết mục, thí sinh dù đã được các ca nương, nghệ nhân hỗ trợ đàn, trống nhưng việc thẩm âm, bắt nhịp vẫn còn lệch lạc. Có một số trường hợp, nghệ nhân phải dừng phần diễn đã chỉ bảo, hướng dẫn ca nương cách hát, nhắc tên bài. Bên cạnh đó, trong một vài tiết mục của Liên hoan, Ban Giám khảo phải đề nghị đội ngũ kỹ thuật không điều chỉnh âm vang, tiếng ngân để hỗ trợ thí sinh, tránh làm mất đi bản sắc của ca trù.
Sau khi nghe các phần trình diễn của thí sinh, nghệ nhân Nguyễn Văn Vằng chia sẻ: “Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội được tổ chức cũng là dịp để xem khả năng biểu diễn của các em đến đâu. Nhưng thực tế, nói về ca trù, các em bây giờ chưa đi biểu diễn được. Dẫu vậy, việc các em nhớ và hát được các làn điệu đã là điều đáng quý, còn nói hát nhuần nhuyễn, hát hay thì hiếm lắm mới có một người”.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tran-tro-giu-lua-cho-ca-tru-356916.html