Trăn trở làng Rối

Làng Rối Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) vốn được biết đến như cái nôi của nghệ thuật múa rối xứ Kinh kỳ với hơn 300 năm lịch sử. Phường múa rối nước Đào Thục đã trở thành nơi sản sinh ra những nghệ nhân múa rối tài ba, lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của đất nước.

Thủy đình của làng nơi từng nhộn nhịp đón khách nay lại không bóng người.

Thủy đình của làng nơi từng nhộn nhịp đón khách nay lại không bóng người.

Dù có bề dày truyền thống, tuy nhiên, làng nghề múa rối nước Đào Thục cũng như bao làng nghề khác đang đứng trước nguy cơ mai một và mất dần những bản sắc từ cơn sóng thị trường. “Nghề múa rối đòi hỏi cao về sự kiên trì nhưng thu nhập từ nghề lại thấp, đó cũng là lý do khiến lớp trẻ không mặn mà trong việc tiếp nối những truyền thống của cha ông”, anh Nguyễn Thế Nghị - Trưởng phường múa rồi Đào Thục chia sẻ.

Người làm rối nước làng Đào Thục phải đối diện trăm nghìn nỗi khó khăn vất vả. Tuy chỉ cách trung tâm Thành phố Hà Nội hơn 20km, nhưng Đào Thục vẫn đang cố gắng để thu hút thêm khách du lịch về với làng - cái nôi của rối nước xứ Kinh kỳ.

Những con rối được điêu khắc tinh xảo.

Những con rối được điêu khắc tinh xảo.

Mỗi người lại làm một nghề khác nhau để có thể trang trải cuộc sống và mỗi tối họ lại ngồi lại để sửa chữa, tập luyện, làm những con rối để phục vụ các khán giả đến làng. Cũng bởi số tiền thu nhập ít ỏi nên lớp trẻ trong làng không mấy hưởng ứng vào các lớp truyền nghề của các lớp đi trước. Sau nhiều năm cố gắng vận động các con em trong làng thì đến nay cũng mở được một lớp dạy các em từ cách điều khiển con rối đến cách điêu khắc. Cũng bởi tư tưởng của các cụ ngày trước chỉ truyền nghề cho con trai và con dâu không truyền cho con gái vì sợ mất nghề nên có khá nhiều em gái yêu thích mà không được theo nghề. Tuy nhiên, giờ tư tưởng thoáng hơn nên có thể truyền cho cả con trai, con gái và chỉ truyền cho người trong làng, mặc dù những người làng bên dù thích cũng không được học. ”

Khi có khách dù nắng hay mưa, nóng hay lạnh những nghệ nhân múa rối đều phải trầm mình xuống dòng nước, đứng sau lớp cói xanh để phục vụ các khán giả. “Những ngày nắng ấm còn đỡ, chứ những ngày mưa lạnh các cô chú đều phải uống nước mắm để ấm người rồi trầm mình xuống nước diễn”. Phường rối Đào Thục có khoảng gần 30 diễn viên nhưng mỗi người lại chọn cho mình một nghề khác nhau như công nhân, nông dân, thợ mộc… Chỉ mỗi khi làng có Hội, chương trình giao lưu văn hóa hay có khách du lịch về làng xem biểu diễn họ mới tập trung lại.

Chú Nguyễn Thế Nghị cho hay: “Những khó khăn của làng giờ cũng đã được khắc phục - đó là thu hút được lớp nghệ nhân trẻ tham gia vào phường. Cùng với đó là mở lớp dạy cho lớp trẻ trong làng tiếp cận nghệ thuật rối nước, tiếp nối cha ông duy trì và bảo vệ truyền thống của làng. Những năm gần đây thì khách quốc tế trong và ngoài nước về đây xem múa rối ngày một đông nên có nhiều show diễn hơn. Chính nhờ thế mà lớp trẻ trong làng có đất dụng võ cũng như tiếp cận được nhiều hơn có thể vừa học vừa thực hành.

Khó khăn lớn nhất mà đến giờ vẫn chưa khắc phục được là các nghệ nhân biết chơi nhạc cụ trong làng không nhiều, vì nhạc cụ dân tộc là thứ rất hay nhưng lại khó để giữ gìn được. Kinh phí cho một buổi biểu diễn không nhiều, không đủ chi trả cho cả những người chơi nhạc sống nên việc những người trong làng biết chơi nhạc cụ dân tộc càng ít.”

Hầu hết khi được hỏi về nỗi trăn trở lớn nhất của người nghệ nhân rối nước nói riêng hay người dân làng Đào Thục nói chung, mọi người đều mong muốn Nhà nước sẽ sớm cho một chuyến xe buýt từ trung tâm thành phố về thẳng làng để có thu hút khách du lịch cũng như sinh viên, học sinh các trường về làng trải nghiệm môn nghệ thuật đậm dấu ấn truyền thống.

Mong rằng những mong muốn của người dân làng rối Đào Thục sớm thành hiện thực để Đào Thục luôn tồn tại, phát triển, giữ gìn bộ môn nghệ thuật truyền thống mang đậm dấu ấn đất Việt.

Đào Quỳnh Anh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/tran-tro-lang-roi-305552.html