Trăn trở lưu giữ giống bưởi đỏ 'tiến vua'
Giống bưởi đỏ Đông Cao tại huyện Mê Linh, Hà Nội có màu sắc lạ kỳ, khi nhỏ quả có màu xanh, khi chín chuyển dần sang màu đỏ nhìn rất bắt mắt. Những năm gần đây, bưởi đỏ Đông Cao được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng săn đón để làm quà biếu, tặng hoặc bày mâm ngũ quả dịp Tết đến xuân về.
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, bưởi đỏ Đông Cao hay còn gọi là bưởi “tiến vua” có từ cách đây khoảng hơn 100 năm trước, do một người dân trong vùng đem về trồng. Thời điểm đó, mỗi quả bưởi đỏ có giá trị bằng một đấu gạo, bởi sự độc, lạ về màu sắc và chất lượng quả bưởi.
Sản vật trời ban
Để tìm hiểu về giống bưởi đặc biệt này, chúng tôi tìm đến nhà Giám đốc HTX bưởi đỏ Đông Cao, ông Lương Văn Phương - người gắn bó lâu nhất và cũng là người dành rất nhiều tâm huyết cho giống bưởi quý hiếm này.
Ông Phương cho biết, vườn bưởi của gia đình ông có từ khi bố ông còn sống, có tuổi đời hơn 60 năm (từ những năm 1965). Hồi đó, có năm, vào dịp Trung thu, sau khi thương lái đến thu mua tại vườn, những quả có hình thức không đẹp còn sót lại trên cây, vài tháng sau vào dịp cận Tết, những quả bưởi đó chuyển sang màu đỏ nhìn rất bắt mắt. Thấy đẹp, độc đáo và lạ mắt nên gia đình ông đã nhân rộng sản xuất giống bưởi này.
Đến nay, cây bưởi của gia đình đã được nhân rộng ra toàn xã Tráng Việt. HTX bưởi đỏ Đông Cao đang bảo tồn 5 gốc bưởi gần 100 năm tuổi, ở dưới các cây đều có mã vạch truy xuất nguồn gốc và được cho phép cấy ghép, lai tạo giống. Gia đình ông Phương cũng đang quản lý 2 cây bưởi “tổ”, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội cấp mã quản lý và đánh giá là cây bưởi đầu dòng. Ngoài ra, gia đình ông còn có hơn 2.000 cây bưởi đỏ ở năm thứ 5 và gần trăm gốc bưởi có tuổi đời 20 năm, hơn 30 gốc bưởi có tuổi đời trên 30 năm, đang cho thu hoạch vài nghìn quả mỗi năm.
Không chỉ có giá trị về mặt kinh tế, giống bưởi đỏ Đông Cao còn mang một màu sắc rất đặc biệt. Khi vào vụ khoảng tháng 9 tháng 10 thì vỏ quả có màu xanh như bao giống bưởi khác và ruột đỏ, mọng nước, ăn có vị chua, thanh mát. Nhưng khi đến dịp Tết thì quả bưởi chuyển hết sang màu đỏ mận từ trong ra ngoài, nhìn rất là bắt mắt nên được người dân chọn để trưng bày trên mâm ngũ quả khi Tết đến xuân về. Cũng xuất phát từ sự đặc biệt của loại quả này mà bưởi đỏ Đông Cao còn được người dân gọi với một cái tên khác là “bưởi tài lộc”.
Bảo tồn nguồn gen quý
Để bảo tồn gen và duy trì giống cây bưởi đỏ này, cuối năm 2018, ông Phương và một số nông hộ tâm huyết với giống cây này đã quyết tâm thành lập HTX bưởi đỏ Đông Cao. Ngay từ những ngày đầu thành lập, HTX đã tích cực phối hợp với với các viện nghiên cứu nông nghiệp và các chuyên gia ngành để tiến hành nghiên cứu, nhân giống bưởi đỏ. Quá trình này bao gồm việc tuyển chọn các cây bưởi giống tốt nhất, có khả năng kháng bệnh cao và năng suất vượt trội. Đồng thời, chú trọng đến việc duy trì các đặc tính truyền thống của giống bưởi đỏ qua từng thế hệ.
Giám đốc HTX Bưởi đỏ Đông Cao Lương Văn Phương chia sẻ: “Đây được coi là công việc đòi hỏi nhiều công sức và gặp không ít khó khăn, hiện nay tôi cùng với các hộ thành viên HTX rất tích cực phối hợp cùng Trung tâm Tài nguyên thực vật (Bộ Khoa học và Công nghệ) xây dựng nhà màng nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen bưởi đỏ ngọt, bưởi bánh nem và đỏ lũm theo hướng sản xuất hàng hóa, giúp bảo tồn giống bưởi đỏ quý hiếm của thôn Đông Cao, đồng thời khai thác bán giống tuân thủ theo quy định, có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo chất lượng".
Có thể nói, bưởi đỏ không chỉ là một sản phẩm nông nghiệp mà còn là biểu tượng văn hóa, gắn liền với các lễ hội và phong tục truyền thống của người dân địa phương. Hiện nay, ông Lương Văn Phương cùng với các hộ thành viên HTX Bưởi đỏ Đông Cao luôn hướng tới việc gìn giữ và phát triển giống bưởi đỏ thông qua việc ghép cành, nhân giống để bán cây con, chuyển giao công nghệ cho bà con những vùng khác. Điều này không chỉ gìn giữ một phần di sản văn hóa và sinh học quý giá mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của nông nghiệp Việt Nam. Những nỗ lực này là minh chứng rõ ràng cho việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa bảo tồn và phát triển trong sản xuất nông nghiệp.
Nâng cao giá trị
Để gìn giữ và phát huy sản vật “trời ban” của địa phương, hiện nay, ông Phương cùng với HTX Bưởi đỏ Đông Cao đã và đang triển khai nhiều chiến lược quan trọng, không ngừng cải tiến quy trình trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch bưởi theo hướng hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, chuyển đổi quy trình trồng và chăm sóc cây thông thường sang phương pháp hữu cơ toàn phần, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật an toàn, thân thiện với môi trường. Đồng thời, triển khai các dự án phát triển bền vững, đảm bảo sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.
Khoảng vài năm trở lại đây, với sự bùng nổ của thông tin đại chúng, bưởi đỏ Đông Cao đã được lan tỏa rộng rãi đến người tiêu dùng, nhờ đó thương hiệu Bưởi đỏ Đông Cao dần được khẳng định vị thế trên thị trường. Cũng từ đó, mỗi năm đến mùa thu hoạch, HTX cung cấp ra thị trường trên 3 vạn quả bưởi với doanh thu trên 3 tỷ đồng. Đặc biệt, những quả bưởi to, đẹp có giá bán có thể lên tới nửa triệu đồng mà vẫn “cháy hàng” mỗi dịp Tết đến xuân về. Nhờ giống cây này mà những năm gần đây, người dân địa phương đã thoát nghèo, ăn nên làm ra, nhiều hộ gia đình vươn lên khá giả.
Với giá trị kinh tế cao, bưởi đỏ Đông Cao đã trở thành một trong những “báu vật” của người dân thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội. Là người dành rất nhiều tâm huyết, gắn bó trong nhiều năm qua, việc gìn giữ và góp phần phát triển thương hiệu bưởi đỏ Đông Cao luôn là câu chuyện trăn trở của người đàn ông này. “Chúng tôi mong rằng sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa từ các các cấp chính quyền, để bưởi đỏ Đông Cao xứng danh là sản vật trời ban”, Giám đốc HTX Bưởi đỏ Đông Cao Lương Văn Phương gửi gắm.