Trăn trở nghề rèn Quang Trung ở Nam Định

Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều ngành nghề truyền thống, trong đó có nghề rèn đang dần bị mai một theo năm tháng. Tuy nhiên, tại một số làng nghề làm rèn trong tỉnh Nam Định, vẫn còn nhiều người thợ vì đam mê với nghề 'gia truyền', hằng ngày họ vẫn cố gắng duy trì, gìn giữ nghề xưa.

Ngày 28/12, chúng tôi tìm về xóm Hội, làng Nhất thuộc xã Quang Trung, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, nơi đây từ lâu được mọi người biết đến với nghề rèn dao, rìu, búa, liềm cùng nhiều dụng cụ truyền thống khác phục vụ "nhà nông" nổi tiếng ở nước ta. Sản phẩm rèn Quang Trung được đem bán ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Ngay từ đầu đường đi vào xóm Hội, Nhất những tiếng đập lách cách phát ra từ những cơ sở rèn đã vang lên inh ỏi.

Theo người dân thôn Nhất chia sẻ với PV, thời xưa trong làng nhà nào cũng "đỏ lửa", tiếng tiếng quai búa rền vang khắp vùng. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ khiến nhiều ngành nghề truyền thống trong đó có nghề rèn phải chấp nhận "rời bỏ cuộc chơi" vì sự cạnh tranh khốc liệt của các mặt hàng công nghiệp.

Các sản phẩm như dao, rựa, cuốc, xẻng, bộ dao được sản xuất công nghiệp với mẫu mã đẹp, giá rẻ mà lại tốt, bày bán với giá rất mềm ngoài thị trường khiến sản phẩm rèn thủ công trở nên ế ẩm.

Lửa nghề ở Quang Trung vẫn rực sáng mỗi ngày.

Lửa nghề ở Quang Trung vẫn rực sáng mỗi ngày.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tráng (48 tuổi) nằm trong cụm công nghiệp Quang Trung, người theo nghề rèn từ bé cho biết, từ ngày còn bé ông đã theo bố và các cụ tham gia rèn. Thời xưa rèn bằng tay vất vả, mỗi ngày chỉ làm ra được vài sản phẩm, ngày nay nhờ máy móc giúp đỡ ít vất vả.

"Những người "lặn lội" theo giữ nghề rèn còn lại cũng là những mái đầu bạc vẫn ngày ngày quai búa, đánh đe cầm chừng. Không làm không được, vì nó ăn sâu trong máu thịt" - ông Tráng tâm sự thêm.

Cũng theo vị thợ rèn này, với sự phát triển của công nghệ, ngày nay nghề rèn gặp nhiều khó khăn, không theo được xu hướng hiện đại. Các sản phẩm rèn giờ khách đặt cũng ít dần đi. Đặc biệt, nghề rèn cũng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nên nhiều người họ cũng "bỏ nghề".

Tương tự, vừa gắp miếng sắt đang cháy đỏ rực trong lò ra rồi đặt lên đe để rèn, ông Hoàng Văn Dần (thôn Nhất) một người theo nghề hơn 30 năm cho biết, thời thịnh vượng nhất của nghề rèn ở Quang Trung cách đây mấy chục năm. Khi đó tất cả mọi nông cụ như cuốc, rựa, lưỡi liềm đến con dao cắt rau đều do các lò rèn trong xóm làm hết.

Ngày nay nghề rèn có sự hỗ trợ của máy móc hiện đại.

Ngày nay nghề rèn có sự hỗ trợ của máy móc hiện đại.

"Hơn 30 năm về trước, ai đi qua đây có nhắm mắt cũng tìm được lò rèn. Vì cứ nghe phì phò từ bể thổi, hoặc tiếng búa đập chan chát trên đe thì đó là lò rèn rồi. Sản phẩm được làm ra không chỉ sử dụng trong xóm mà còn được bán cho các chợ ở trong và ngoài thành phố và nhiều tỉnh thành khác nhau, vì thế nuôi sống cho nhiều gia đình làm nghề rèn nơi đây" - ông Dần kể lại.

Ông Dần chia sẻ thêm: "Thời xưa nơi này đỏ lửa suốt, có hàng trăm lao động tại đây, hàng làm không kịp bán. Nhà tôi thuê cả thợ để làm nhưng giờ thuê chắc chắn không ai làm nghề này nữa. Trước kia rèn thủ công, phải có 2 người kết hợp với nhau mới có thể tạo ra được một sản phẩm.

Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình có nhiều đời làm thợ rèn, nên tình yêu nghề của người thợ lam lũ này dường như đã ngấm vào máu. Tuy nhiên ông cũng từng có ý định bỏ nghề, xin làm công việc khác vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Thế nhưng vì trăn trở với nghề truyền thống, truyền từ đời ông, cha nên ông quyết tâm theo và tìm cách giữ nghề".

Ông Hoàng Văn Dần (thôn Nhất) trên tay với thanh sắt còn đỏ hỏn.

Ông Hoàng Văn Dần (thôn Nhất) trên tay với thanh sắt còn đỏ hỏn.

Cũng theo ông Dần, thời buổi này duy trì nghề rèn, sản xuất các sản phẩm hoàn toàn bằng thủ công thế này không dễ. Muốn theo được nghề, không chỉ khéo tay mà cần phải có sự kiên trì, có sức khỏe và chịu khó. Kiên trì để bám trụ với nghề, tỉ mỉ để tập trung quan sát, để phân biệt thanh sắt với ngọn lửa trong lúc rèn và thổi hồn vào từng sản phẩm giúp cho sản phẩm rèn đạt chất lượng cao. Bởi vì chỉ cần mất tập trung một chút, thì thép trên ngọn lửa than được tôi quá già hoặc quá non khiến cho sản phẩm không đạt chất lượng và cũng có thể không thể dùng được.

Ngoài ra người thợ rèn rất dễ bị bệnh nghề nghiệp như: Mắt yếu, bệnh phổi, giảm thính giác… Vì vậy, không ai còn mặn mà với cái nghề "làm bạn" với lò lửa này nữa.

Vừa nói hết câu, ông Dần lại say sưa làm việc, ánh mắt ông luôn tập trung vào từng nhát búa, những nhát bùa đều đều, có lực đang dần biến khối sắt thành hình một chiếc liềm.

Một sản phẩm phục vụ nông nghiệp được rèn ở Quang Trung.

Một sản phẩm phục vụ nông nghiệp được rèn ở Quang Trung.

Cách lò ông Dần không xa, tại lò rèn nhà ông Ngô Văn Thuân (xóm Hội) gần 40 năm trong nghề cho biết, hiện nay những người làm nghề rèn ở trong làng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

"Nghề rèn ở đây được coi như một nghề "cha truyền con nối" với những kinh nghiệm quý báu được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác đã tạo "thương hiệu" một thời cho làng nghề. Nhưng hiện nay, nhiều lò rèn trong làng đành "tắt lửa" hoặc chuyển đổi nghề bởi nhiều lý do. Càng ngày, những sản phẩm gia dụng càng phong phú, những dụng cụ lao động cũng ít được sử dụng hơn do có máy móc hỗ trợ nên đầu ra sản phẩm nghề rèn cũng thu hẹp dần.

Hơn nữa, những người thợ rèn có tay nghề cao, yêu nghề nay đã già yếu và lớp trẻ thì không mấy ai mặn mà theo nghề" - ông Thuân tâm sự.

Theo một thợ rèn khác có thâm niên hơn 40 ở làng rèn Quang Trung cho biết, để rèn ra một sản phẩm không hề đơn giản. Cái khó nhất, cũng là bí quyết người thợ. Muốn có sản phẩm tốt, phải thành thạo việc chọn sắt và thép. Ngày trước, người ta thường dùng than gỗ, nay chủ yếu phải dùng than tổ ong mới đủ nhiệt độ đốt cho sắt và thép nóng chảy để tạo hình.

Về cơ bản, quy trình rèn của những thợ rèn Quang Trung không khác nhiều so với các lò rèn truyền thống ở nơi khác.

Về cơ bản, quy trình rèn của những thợ rèn Quang Trung không khác nhiều so với các lò rèn truyền thống ở nơi khác.

Trong quá trình rèn, người thợ nhìn qua độ hồng của sắt và thép trên ngọn lửa là biết vừa hay chưa về sự pha chế đồng đều. Chỉ cần non, già một chút là sản phẩm không sắc bén. Cái khó nữa mỗi loại thép có độ hồng khác nhau. Người thợ xác định như thế nào là vừa, đòi hỏi phải có con mắt tinh tường.

Bí quyết thứ hai nữa là nước tôi. Nước tôi là khi sản phẩm cho qua lửa lần cuối rồi nhúng vào nước lã. Nước tôi già hay non một chút thì dụng cụ cũng không sắc. Nước tôi như thế nào cho vừa thì cũng do sự tinh tế của người thợ. Công đoạn cuối cùng là mài. Trước đây, người làm nghề thường mài bằng đá suối nhưng ngày nay với sự tiến bộ, ngoài việc sử dụng đá suối thì đã có máy mài. Những sản phẩm như dao, rựa, cuốc xẻng, búa, liềm,… từ những lò rèn Quang Trung được rèn bằng kỹ thuật thủ công, chất lượng đạt tới độ bền và sắc.

Với các thợ rèn ở Quang Trung, nghề rèn chẳng thể mang lại cho họ một cuộc sống vương giả, nhưng chính niềm say mê đã cho họ thêm nghị lực vượt qua khó khăn để giữ cái nghề truyền thống này. Họ quan niệm, còn sức thì còn làm để "giữ lửa".

Xem thêm video đang được quan tâm:

Giá nhà, đất nền Hà Nội đang tăng theo bảng điều chỉnh giá đất mới của Hà Nội

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tran-tro-nghe-ren-quang-trung-o-nam-dinh-17224122917335907.htm