Trăn trở những dự án kéo dài hàng thập kỷ

Việc tháo gỡ vướng mắc để tái khởi động các dự án 'treo' tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và nhiều địa phương trên cả nước nói chung vẫn đang là vấn đề nan giải của chính quyền địa phương.

Một người nông dân "thăm ruộng" trong quy hoạch Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN

Một người nông dân "thăm ruộng" trong quy hoạch Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN

Tại Tp. Hồ Chí Minh, tình trạng nhiều dự án, công trình xây dựng chậm tiến độ, chậm triển khai, thậm chí bị “treo” suốt hàng chục năm trời đang trở thành một “vấn nạn” khiến nguồn lực đất đai bị lãng phí, làm “nham nhở” bộ mặt đô thị và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân sống trong vùng quy hoạch cũng như sự phát triển bền vững của thành phố.

Việc tháo gỡ vướng mắc để tái khởi động các dự án “treo” này tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và nhiều địa phương trên cả nước nói chung vẫn đang là vấn đề nan giải của chính quyền địa phương.

Dự án "treo" cả chục năm

Nằm sát trung tâm Tp. Hồ Chí Minh, dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa ở quận Bình Thạnh luôn trong tình trạng um tùm cỏ dại, ao đầm, sình lầy nhếch nhác.

Được phê duyệt quy hoạch từ năm 1992 với tổng diện tích gần 427 ha nằm trọn trên bán đảo Thanh Đa, tính đến nay, dự án này đã “treo” quy hoạch gần 30 năm.

Theo quy hoạch ban đầu, khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa là một đô thị sinh thái hiện đại nhưng giữ đậm bản sắc dân tộc, bao gồm chức năng chính là công viên sinh thái cảnh quan thiên nhiên, kết hợp chức năng thương mại, công cộng dành cho dân số khoảng 80.000 người. Năm 2004, dự án được giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư nhưng đơn vị này không triển khai được nên đến năm 2010, chính quyền Tp. Hồ Chí Minh thu hồi quyết định.

Cuối năm 2015, Liên danh Tập đoàn Bitexco và Công ty Emaar Properties PJSC (Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất) được Ủy ban Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh chỉ định làm nhà đầu tư với số vốn hơn 30.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án trong 50 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, Emaar Properties PJSC sau đó đã rút lui vì thời gian bàn giao đất “sạch” kéo dài quá lâu.

Trong những năm sau đó, có nhiều nhà đầu tư bày tỏ mong muốn được triển khai dự án này, nhưng rồi cũng lần lượt ra đi do vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng.

Việc treo quy hoạch suốt gần 30 năm qua đã khiến khu vực bán đảo Thanh Đa, vốn chỉ nằm cách trung tâm Tp. Hồ Chí Minh chưa đến 10 km, trở thành một “miền quê” với những khu đất bị bỏ hoang hoặc dùng để trồng hoa màu, đào ao nuôi cá.

Hiện khu vực này có hơn 3.000 hộ dân với khoảng 45.000 nhân khẩu, ngoài một số hộ dân kinh doanh, buôn bán ở dọc trục đường Bình Quới thì khi đi sâu bên trong bán đảo, đặc biệt là khu vực ven sông, đa số người dân vẫn lam lũ với nghề trồng lúa, chăn bò, nuôi cá…

Hầu hết nhà ở của người dân đều hư hỏng, xuống cấp trầm trọng nhưng do nằm trên đất quy hoạch “treo” nên không thể thực hiện giao dịch mua bán hoặc xây dựng, cải tạo chỗ ở do việc xin giấy phép để sửa chữa rất khó khăn.

Nhiều người dân không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến những địa phương khác của Thành phố liên tục phát triển với nhiều khu đô thị, công trình hiện đại nhưng cư dân bán đảo Thanh Đa lại phải sống cuộc sống tạm bợ, rơi vào cảnh "đi không được, ở cũng không xong”.

Cùng chung số phận “treo” trường kỳ ở Tp. Hồ Chí Minh là Khu đô thị Tây Bắc, có quy mô 6.000 ha trải dài trên địa bàn huyện Hóc Môn và Củ Chi, được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch năm 1998 và kế thừa, cập nhật vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của Thành phố trong Quyết định số 24/QĐ-TTg năm 2010 về phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2025. Dự án được định hướng thành một khu đô thị vệ tinh trung tâm, là đầu mối thương mại, dịch vụ, tài chính, khoa học… ở khu vực phía Tây Bắc của Thành phố. Song, đến nay, khu đô thị này này vẫn chỉ nằm trên giấy.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân là do việc đền bù, giải phóng mặt bằng các khu dân cư hiện hữu trong ranh giới quy hoạch khu đô thị chưa thực hiện được, dẫn đến tình trạng bức xúc, khiếu kiện; đặc biệt là khu vực tập trung các hộ dân đã sinh sống từ trước dọc theo Quốc lộ 22 với diện tích khoảng 1.674,2 ha.

Việc dự án bị “treo” kéo dài nhiều năm đã khiến người dân tại đây không thể sửa chữa, mua bán hay sang nhượng nhà trên chính mảnh đất của mình dù nhu cầu rất bức thiết, phải sống tạm bợ trong những căn nhà bị xuống cấp, ẩm thấp, nứt tường.

Nhiều hệ lụy

Một căn nhà tạm bợ nằm trong quy hoạch Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN

Một căn nhà tạm bợ nằm trong quy hoạch Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. Hồ Chí Minh, từ năm 2016 đến nay, Hội đồng nhân dân Thành phố đã thông qua 11 nghị quyết cho phép thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất đối với 1.445 dự án.

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 402 dự án đã hoàn thành (chiếm 28%), 741 dự án đang triển khai (chiếm 51%), còn lại 302 dự án đang được rà soát để đưa ra khỏi nghị quyết vì quá 3 năm đăng ký kế hoạch sử dụng đất nhưng chưa triển khai.

Nguyên nhân chủ yếu khiến các dự án trên bị chậm trễ là do phụ thuộc vào việc cân đối nguồn vốn ngân sách, tài chính của chủ đầu tư để bồi thường và thực hiện dự án, ngoài ra còn có khó khăn trong bồi thường, giá đền bù chưa thống nhất được với người dân.

Trong hàng loạt dự án treo tại Tp. Hồ Chí Minh, đáng kể đến nhất là những dự án dù đã được quy hoạch hàng chục năm nhưng đến nay vẫn không có chuyển biến. Người dân sống trong những khu quy hoạch này gặp vô số khó khăn khi không thể thực hiện việc sửa chữa, xây dựng hoặc thế chấp nhà ở cho ngân hàng…

Theo Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Giám đốc điều hành Công ty Luật AN PHA NA (Tp. Hồ Chí Minh), hệ lụy từ các dự án “treo” tồn tại lâu năm đã và đang tạo ra những tác động tiêu cực tới đời sống kinh tế - xã hội của các địa phương, khiến đời sống người dân trong vùng quy hoạch gặp nhiều khó khăn và đặc biệt là khiến tỷ lệ hiệu quả và hiệu suất sử dụng đất rất kém, gần như bằng 0, nghĩa là không đóng góp gì cho tăng trưởng kinh tế.

Các dự án “treo” trên diện rộng kéo dài hàng chục năm như khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa, khu đô thị Tây Bắc còn làm thui chột môi trường đầu tư tại địa phương. Điều đáng nói là trong khi nhiều nhà đầu tư có tiềm năng không có cơ hội triển khai, thì những nhà đầu tư thiếu năng lực lại được chỉ định thực hiện rồi để đất hoang hóa, làm lãng phí nguồn đất đai rất lớn.

Ông Trạch cho rằng, trước mắt thành phố cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể để khắc phục triệt để những tồn tại các dự án “treo” kéo dài nhiều năm qua.

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện và giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần được thống nhất chặt chẽ và nâng cao trách nhiệm cá nhân trong việc thúc đẩy tiến độ các dự án; tăng cường giám sát của các đoàn Đại biểu quốc hội, Hội đồng nhân dân trong các dự án quy mô lớn.

Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân Thành phố cũng cần chủ động đẩy mạnh việc rà soát, kiểm tra tính khả thi của các dự án do địa phương đề xuất thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất để tránh tình trạng nhiều dự án không khả thi vẫn được thông qua.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng, cho biết, vấn đề xử lý các dự án “treo”, chậm tiến độ vẫn đang là bài toán khó với chính quyền thành phố. Với trách nhiệm của cơ quan quản lý, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố sẽ tập trung rà soát kịp thời và có hướng xử lý để đưa những dự án “treo” ra khỏi nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố.

Sở cũng đề nghị các địa phương làm rõ nguyên nhân, khó khăn khiến dự án trên địa bàn bị “treo”; đối với các dự án đã bỏ ra khỏi kế hoạch sử dụng đất thì phải có lộ trình điều chỉnh quy hoạch để người dân thực hiện các quyền về đất đai, xây dựng./.

Hồng Giang/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tran-tro-nhung-du-an-keo-dai-hang-thap-ky/264030.html