Trăn trở thu hồi vốn vay học sinh, sinh viên

Chương trình tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên (HSSV) của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh đã góp phần “tiếp bước” cho hàng chục nghìn HSSV nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh được hiện thực ước mơ đến trường. Tuy nhiên, việc thu hồi tiền gốc và lãi của chương trình này đang gặp nhiều khó khăn.

Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn Tổ dân phố Dinh, phường Đống Đa kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay học sinh, sinh viên và nhắc lịch trả nợ tại các hộ vay vốn của Ngân hàng CSXH

Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn Tổ dân phố Dinh, phường Đống Đa kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay học sinh, sinh viên và nhắc lịch trả nợ tại các hộ vay vốn của Ngân hàng CSXH

Hơn 70 nghìn HSSV được vay vốn

Gia đình chị Nguyễn Thị Hằng ở Tổ dân phố Dinh, phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên là hộ có hoàn cảnh khó khăn. Chồng làm thợ xây, bản thân không có việc làm ổn định, bố mẹ già bị bệnh, hai con đang tuổi ăn học nên chi phí sinh hoạt gia đình và học tập cho các con hằng tháng luôn là gánh nặng của chị Hằng.

Năm 2019, khi con trai cả đỗ Đại học Công nghiệp Hà Nội, chị Hằng vừa mừng vừa lo, mừng vì con học hành tốt, lo vì không biết xoay đâu ra tiền cho con đi học đại học. May mắn vào thời điểm đó, chị Hằng được tiếp cận vốn vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn của Ngân hàng CSXH, nên em Nguyễn Quỳnh Giao, con trai cả của chị được tiếp tục bước vào giảng đường đại học, con thứ hai của chị cũng có điều kiện học tập tốt hơn, chị Hằng yên tâm rất nhiều.

Đến nay, con trai cả của chị Hằng đã bước sang năm thứ 4 đại học, con trai thứ hai đang học lớp 10, cả hai đều có thành tích học tập tốt và chị Hằng cũng đã có thu nhập ổn định từ công việc làm thuê. Nhờ kinh tế gia đình ổn định hơn trước nên chị Hằng đã trả lãi vay và tích lũy tiết kiệm đều đặn theo đúng quy định.

Được triển khai từ năm 2007 đến nay, chương trình tín dụng ưu đãi đối với HSSV đã là “điểm tựa” vững chắc cho nhiều gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn như nhà chị Hằng.

Qua 15 năm triển khai trên địa bàn tỉnh, chương trình đã giúp cho trên 70 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để HSSV nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính. Tính đến hết tháng 8/2022, tổng dư nợ cho vay của chương trình tín dụng HSSV toàn tỉnh đạt 55,5 tỷ đồng với trên 1.700 hộ đang vay vốn.

Khó thu hồi nợ

Hiện nay, việc thu hồi gốc, lãi của chương trình tín dụng này đang gặp khá nhiều khó khăn. Mặc dù nhiều hộ vay được gia hạn thêm thời gian trả nợ, được phân kỳ trả và tuyên truyền, vận động nhưng vẫn không trả được nợ.

Theo Phòng Kế hoạch nghiệp vụ - Tín dụng, Ngân hàng CSXH tỉnh: Tính đến hết tháng 8/2022, tổng dư nợ quá hạn và nợ khoanh toàn tỉnh là trên 5,4 tỷ đồng đối với 15 chương trình tín dụng đang triển khai.

Trong đó, tỷ lệ nợ quá hạn của chương trình tín dụng đối với HSSV có tỷ lệ cao nhất với tổng số dư nợ là 1,5 tỷ đồng, chiếm gần 28% so với dư nợ quá hạn của các chương trình.

Hiện, tỷ lệ nợ quá hạn của chương trình tín dụng đối với HSSV là 2,7%, trong khi đó tỷ lệ nợ quá hạn trung bình của các chương trình cho vay tín dụng ưu đãi đang triển khai chỉ là 0,15%.

Vĩnh Tường là địa phương có tỷ lệ nợ quá hạn cao nhất so với các địa phương khác trong tỉnh, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Vũ Thị Hồng Khuyên cho biết: “Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Tường hiện đang có tổng số dư nợ quá hạn là 1,3 tỷ đồng, nhưng riêng chương trình tín dụng đối với HSSV là trên 900 triệu đồng với 54 trường hợp, chiếm tỷ lệ gần 70% trên tổng nợ quá hạn của hơn 10 chương trình mà chi nhánh đang triển khai, tập trung chủ yếu ở 2 xã Tân Tiến và Đại Đồng.

Việc thu hồi gốc và lãi của chương trình tín dụng ưu đãi đối với HSSV hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều gia đình gặp khó khăn đột xuất hoặc thường xuyên về kinh tế nên không có tiền trả nợ.

Bên cạnh đó, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học nhưng không có việc làm nên không có thu nhập để trả nợ; nhiều sinh viên có việc làm nhưng không ổn định lại sống xa nhà nên không có tiền gửi về cho gia đình trả nợ cho ngân hàng…".

Khó khăn của chi nhánh Vĩnh Tường trong việc thu hồi gốc, lãi của chương trình tín dụng đối với HSSV cũng là tình trạng chung của chương trình tín dụng đối với HSSV trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp hộ vay chưa thực sự nỗ lực trong việc hoàn trả vốn vay, thậm chí chây ỳ, kéo dài thời gian trả nợ, gây khó khăn cho ngân hàng.

Để việc thu hồi vốn vay chương trình tín dụng cho HSSV đạt hiệu quả cao, tạo nguồn tiếp tục quay vòng vốn, nhất là thời gian tới khi HSSV nhập học tại các trường cao đẳng, đại học ngày càng nhiều, Ngân hàng CSXH tỉnh đã chỉ đạo các phòng giao dịch triển khai nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch tại các xã, phường, thị trấn và thu hồi vốn khi đến hạn.

Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương tín dụng chính sách để người vay hiểu và chấp hành đúng các quy định, kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn những tồn tại, hạn chế trong quản lý và sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng tăng cường thực hiện Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, đưa vào chương trình làm việc thường xuyên, hằng tháng, hằng quý thực hiện kiểm điểm, đánh giá, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.

UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã thành lập Tổ đôn đốc thu hồi nợ khó đòi tại những xã có nợ quá hạn cao để tập trung đôn đốc thu hồi nợ quá hạn tồn đọng trên địa bàn.

Ngoài ra, việc nâng cao ý thức tự giác của những gia đình vay vốn HSSV và bố trí, tạo điều kiện hỗ trợ về việc làm cho sinh viên sau khi ra trường cũng rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành.

Bài, ảnh: Bình Duyên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/83115/tran-tro-thu-hoi-von-vay-hoc-sinh-sinh-vien.html