Trăn trở với số 1

Thể thao Việt Nam đã có bước tiến lịch sử khi giành ngôi nhất toàn đoàn trên bảng tổng sắp huy chương SEA Games 32.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Thể thao Việt Nam đã có bước tiến lịch sử khi giành ngôi nhất toàn đoàn trên bảng tổng sắp huy chương SEA Games 32, song vẫn còn đó câu chuyện về đầu tư trọng điểm để vươn tầm quốc tế.

SEA Games 32 là kỳ đại hội thành công rực rỡ của thể thao Việt Nam. Chúng ta bứt phá ngay từ ngày đầu và về đích với 136 Huy chương Vàng, 105 Huy chương Bạc và 114 Huy chương Đồng, bỏ xa kình địch Thái Lan ở vị trí thứ 2 (108 Huy chương Vàng, 96 Huy chương Bạc, 108 Huy chương Đồng).

Đây là lần thứ 3 trong lịch sử tham dự SEA Games, Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn, song SEA Games 32 là lần đầu tiên Việt Nam đoạt ngôi quán quân mà không phải là chủ nhà.

Vị trí số 1 SEA Games 32 đã khẳng định vị thế của Việt Nam trong khu vực, sự phát triển của phong trào thể thao cũng như sự đầu tư, phát triển của thể thao thành tích cao.

Đặc biệt, với sự vượt trội về số huy chương vàng, bạc so với các đội xếp sau, thể thao Việt Nam đã thể hiện ấn tượng khả năng thích ứng, chiến lược linh hoạt trong một cuộc chơi mà quyền lực trong tay nước chủ nhà vô cùng lớn cũng như chính sách “đi tắt, đón đầu” về lực lượng được khai thác triệt để.

Mặc dù vậy, đứng đầu bảng tổng sắp huy chương SEA Games không có nghĩa là thể thao Việt Nam đã vươn lên vị trí số 1 Đông Nam Á. Đại hội thể thao khu vực chưa bao giờ phản ánh đúng sự phát triển của thể thao thành tích cao các quốc gia Đông Nam Á với những đấu trường tầm châu lục và thế giới.

Chúng ta đã không bảo vệ thành công chức vô địch ở môn bóng đá nam. Hai đội tuyển trọng điểm là bơi và điền kinh đều không hoàn thành chỉ tiêu huy chương, trong khi đây là hai môn cơ bản của Olympic và ASIAD.

Đáng chú ý, Thái Lan những năm gần đây đã chuyển hướng đầu tư trọng điểm, họ không còn tìm cách thích nghi với những môn thể thao địa phương của khu vực nữa.

Như tại SEA Games 32, Thái Lan gần như bỏ qua các môn như Arnis, Kun Khmer, Bokator, Pencak Silat…; không cử các golfer chuyên nghiệp đến Campuchia.

Tương tự, cầu lông Thái Lan cũng không mang các tay vợt trong top 10 thế giới như Ratchanok Intanon hay Kunlavut Vitidsarn đến SEA Games. Nếu Thái Lan thực sự muốn ngôi số 1 SEA Games, thì vị trí đó năm nay chưa chắc đã thuộc về Việt Nam.

Vậy nên, thể thao Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ vào các môn trọng điểm trong chương trình Olympic thay vì đặt nặng vấn đề nhất toàn đoàn ở SEA Games. Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Philippines đều đã khẳng định được những môn thể thao, nội dung thế mạnh để có thể đoạt huy chương Asiad, kể cả Olympic.

Chúng ta cần tìm cách chiến thắng các như điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ, cử tạ, bắn súng… trước khi quá muộn. ASIAD Hàng Châu (Trung Quốc) diễn ra vào tháng 9 tới và Olympic Paris 2024 sẽ là câu trả lời cho đẳng cấp thể thao thực sự, cũng như tính hiệu quả của chương trình đầu tư trọng điểm.

Bên cạnh đó, thực trạng chế độ đãi ngộ cho vận động viên thể thao còn quá thấp, không tương xứng với những cống hiến, hy sinh của họ. Người ta thực sự xót xa khi biết được “cô gái vàng” Nguyễn Thị Oanh chỉ nhận mức lương tháng hơn 7 triệu đồng và phải làm thêm nhiều việc để trang trải cuộc sống.

Sau đó Nguyễn Thị Oanh đã nhận được nhiều phần thưởng giá trị từ các nhà tài trợ. Nhưng thể thao Việt Nam còn hàng nghìn vận động viên đối mặt với hoàn cảnh khó khăn, nguy cơ chấn thương trong tập luyện và thi đấu phải giải nghệ.

Chỉ khi nào giải quyết được bài toán này, thể thao Việt Nam mới có điều kiện vươn tới những đỉnh cao khác thay vì tập trung cho chỉ tiêu nhất toàn đoàn tại SEA Games.

Quang Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tran-tro-voi-so-1-post639125.html