Trăn trở với tăng trưởng du lịch

Một số thị trường truyền thống đang chững lại, ngành du lịch cần tập trung xúc tiến, mở rộng đến các thị trường mới, tiềm năng.

Du khách quốc tế tại Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam)

Du khách quốc tế tại Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam)

Tăng trưởng chậm lại

Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị, về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với nhiều nỗ lực những năm gần đây, du lịch Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Ngành “công nghiệp không khói”, đang được đánh giá là một trong những điểm sáng của nền kinh tế.

Thế nhưng, sau một thời gian sôi nổi, từ đầu năm 2019 đến nay tốc độ tăng trưởng của du khách quốc tế đến Việt Nam có dấu hiệu chững lại. Điều này, đang đặt ra những thách thức cho ngành du lịch cũng như chính quyền các địa phương trong việc hoàn thành mục tiêu đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế như đã đề ra từ đầu năm.

Trong khoảng 3 năm gần đây, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ. Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới xếp thứ 3/10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế nhanh nhất thế giới trong năm 2018.

Theo ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, giai đoạn 1995 - 2015 tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trung bình khoảng 15%/năm. Thế nhưng, bước sang giai đoạn 2015 - 2018, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng đột phá, từ 7,9 triệu lượt năm 2015 lên 15,5 triệu lượt năm 2018, tăng 1,95 lần; tốc độ tăng trưởng trung bình 25%/năm. Với con số 25%/năm, đây là tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới theo đánh giá hàng năm của Tổ chức Du lịch thế giới, cũng là giai đoạn tăng trưởng cao kỷ lục trong lịch sử phát triển du lịch Việt Nam...

Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay tốc độ tăng cao kỷ lục như vậy đã không còn được duy trì nữa. Cụ thể, 7 tháng đầu năm 2019, ngành du lịch Việt Nam đón khoảng 9,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018. Với những con số này cho thấy, tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã có dấu hiệu chậm lại. Bởi, cùng kỳ năm 2018, tốc độ tăng trưởng khách quốc tế đạt đến hơn 25% so với năm 2017.

Theo nhiều chuyên gia trong ngành du lịch, nguyên nhân đầu tiên khiến tốc độ tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam chậm lại, do chúng ta đang gặp khó khăn ở những thị trường truyền thống như Hàn Quốc, đặc biệt Trung Quốc. Trên thực tế, thị trường Trung Quốc giảm theo xu thế chung khi kinh tế nước này khó khăn, do ảnh hưởng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang. Lượng khách du lịch từ Trung Quốc chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam trong những năm gần đây. Nếu tiếp tục để sụt giảm như thời gian qua sẽ rất khó để bù lại.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt của nhiều nước trong khu vực. Các nước trong khu vực đều chú trọng, coi phát triển du lịch là một trong những định hướng chiến lược phát triển của mình. Nên có nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh trong việc thu hút du khách quốc tế...

Cần nhiều giải pháp

Như đã nói ở trên, năm 2019 Việt Nam đặt mục tiêu đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế. Với những khó khăn, sụt giảm như đã xảy ra, mục tiêu trên có thể hoàn thành được, nếu không có sự quyết tâm đi cùng với nhiều giải pháp hợp lý, cụ thể...

Mới đây, tại một hội nghị được tổ chức tại TP. Đà Nẵng, ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, để hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao, ngành du lịch đặt mục tiêu phấn đấu từ nay đến cuối năm 2019, trung bình mỗi tháng thu hút được ít nhất 1,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam.

Để đạt mục tiêu này, cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các hãng hàng không, doanh nghiệp, nhà đầu tư; huy động tổng thể các nguồn lực trong nước và quốc tế; khai thác có hiệu quả khách du lịch từ các nhóm thị trường trọng điểm, đặc biệt tập trung vào thị trường khách du lịch Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Về lâu dài, các địa phương cần tiếp tục đề ra những giải pháp căn cơ mang tính dài hơi, đẩy mạnh tăng trưởng, thu hút khách quốc tế về số lượng lẫn chất lượng. Với xu thế khách ở một số thị trường truyền thống đang chững lại, ngành du lịch cần tập trung xúc tiến, mở rộng đến các thị trường mới, tiềm năng. Trong đó, có thể kể đến như Nga, Australia, New Zealand, Trung Đông, Ấn Độ... Hỗ trợ phát triển những thị trường mới, các hãng hàng không tiếp tục mở thêm các đường bay mới tới các thị trường trọng điểm.

Cụ thể, mở thêm các đường bay trực tiếp kết nối các điểm du lịch Việt Nam với các thị trường hiện tại (Đông Bắc Á, Đông Nam Á); mở rộng đường bay đến một số thành phố thứ cấp tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; ký kết hợp tác mới với các đối tác tại các thị trường Australia, Ấn Độ, châu Âu, Mỹ...

Bên cạnh mở rộng hệ thống đường bay, ngành du lịch các địa phương cũng cần có sự chủ động phối hợp, chung tay tổ chức các hội chợ quảng bá xúc tiến để tạo hiệu quả lan tỏa sâu rộng hơn, trong việc thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam.

Trong khi đó, về phía các địa phương, những tỉnh, thành trọng điểm về du lịch như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng hay Khánh Hòa… phải tìm những giải pháp tăng khách du lịch quốc tế. Trong đó, tập trung vào các giải pháp trước mắt như, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, ký kết hợp tác, giải quyết các tồn tại vướng mắc tìm cách để giữ được lượng khách đến từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, do đặc điểm tự nhiên, TP. Đà Nẵng có những lợi thế nhất định trong thu hút khách du lịch, nhất là đối với khách quốc tế. Để tiếp tục đà tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, cần nỗ lực hơn nữa trong công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch, đồng thời tăng cường liên kết trong thu hút khách du lịch thập phương.

Hiện, thành phố đang tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Đà Nẵng tại các thị trường quốc tế gần, tiềm năng lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga bằng các hình thức tham gia hội chợ, đón đoàn Farmtrip, presstrip, xúc tiến đường bay mới. Thành phố cũng phối hợp với các hãng hàng không Vietnam Airlines, Air Asia, Korean Air... để mở các đường bay mới như Nhật Bản-Đà Nẵng, Đà Nẵng-Busan (dự kiến tần suất 2 chuyến/tuần), mở lại đường bay Malaysia-Đà Nẵng (4 chuyến/tuần).

Bên cạnh, TP. Đà Nẵng cũng phối hợp với Tổng cục Du lịch tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch địa phương thông qua các chiến dịch xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam. Ngoài ra, Đà Nẵng đã xác định du lịch là mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Bởi vậy thành phố đang hướng đến phát triển du lịch theo hướng thân thiện với môi trường, du lịch xanh và tăng trưởng một cách bền vững.

Bài và ảnh Nghi Lộc

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tran-tro-voi-tang-truong-du-lich-91432.html