Trân trọng hòa bình
Trong những ngày tháng 4 'lịch sử' - tròn nửa thế kỷ đất nước thống nhất, non sông thu về một mối,... lòng mỗi người Việt lại 'rung' niềm xúc cảm, tự hào...

Hành trang người lính. Ảnh: Minh Chi
Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, cổng Dinh Độc Lập bị húc đổ, lá cờ của Quân Giải phóng tung bay trên tổng hành dinh của chính quyền Sài Gòn - kết thúc cuộc trường chinh 30 năm vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Từ đây, đất nước ta đã hoàn toàn thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà.
Để đi đến ngày toàn thắng cuối cùng của dân tộc, là tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước và biết bao máu xương của lớp lớp những thế hệ cha anh đã hiến dâng cho Tổ quốc. Với quốc gia, dân tộc Việt Nam, có một chân lý bất biến: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Từ ngàn xưa đến hôm nay, chân lý ấy luôn được mỗi người dân Việt Nam “nằm lòng”. Ngược dòng lịch sử, là cả nghìn năm Bắc thuộc với âm mưu đồng hóa của kẻ xâm lược, nhưng rồi chiến thắng “Bạch Đằng giang” đã kết thúc “đêm trường nô lệ”.
Trải qua những vương triều phong kiến trong lịch sử, Đại Việt luôn phải đối mặt với không ít lần nhòm ngó của kẻ xâm lược. Nhưng rồi, nhà Trần ba lần đánh thắng quân Mông - Nguyên; khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh về phương Bắc; vua Quang Trung đại phá 29 vạn quân Thanh xâm lược,... những chiến công lẫy lừng của ông cha, để bảo vệ cho trọn vẹn từng “thước núi, tấc sông” của tiên tổ đã bồi đắp thêm vững chắc truyền thống yêu nước của Nhân dân ta.
Thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã kết thúc 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, rồi phát xít Nhật cũng phải kết thúc. Từ đây, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mở ra trang sử mới cho cả dân tộc.
Lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử của dựng nước và giữ nước. Người Việt yêu chuộng, trân trọng hòa bình và sẵn sàng đánh đổi mọi thứ, là máu, tính mạng để giữ trọn vẹn hòa bình...
30 năm vệ quốc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là những tháng năm đau thương, vất vả nhưng cũng rất đỗi hào hùng. Những thế hệ người dân Việt Nam, từ người già đến em nhỏ, đàn ông, đàn bà,... cùng một lòng chung sức đánh giặc. Ai cũng có một cuộc đời và những ham muốn được sống, nhưng khi Tổ quốc cần, nguyện sẵn sàng hiến dâng tất cả. Để đi đến ngày toàn thắng cuối cùng, thật khó đong đếm hết những máu xương người Việt đã ngã xuống.
Nếu đã đặt chân đến Thành cổ Quảng Trị, lòng sao có thể không thổn thức bởi những mất mát, hy sinh vĩ đại. Nhẹ bước chân đi trên cỏ non thành cổ, lòng người không khỏi trào dâng niềm biết ơn với những người lính đã vĩnh viễn nằm lại đây. Khúc tráng ca thành cổ bi hùng nhắc nhớ mỗi người về “cái giá” của hòa bình, độc lập.
Bố tôi là một người lính - một người lính sau ngày đất nước thống nhất, ông đã chiến đấu và để lại một phần xương máu cơ thể ở chiến trường biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Trở về quê nhà với những vết thương đau nhức khi trở trời. Nhưng rồi, bố tôi vẫn luôn nói mình là người may mắn - may mắn so với những đồng đội hy sinh thì ông vẫn được trở về, được sống trong những ngày hòa bình trọn vẹn, được ngắm nhìn đất nước đổi thay, xã hội phát triển.
50 năm đã trôi qua, những “vết thương” chiến tranh vẫn đang từng bước được xoa dịu, hàn gắn. Nhìn lại lịch sử dân tộc, nhìn sâu vào những đau đớn, mất mát, hy sinh để thêm một lần thấu hiểu hơn giá trị của Hòa Bình.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tran-trong-hoa-binh-36834.htm