Trần Vạn Giã và 'Gió ơi chầm chậm'

Vẫn là những ngôn từ bình dị, là thế mạnh lục bát mà mỗi bài thơ đều có gì đó lay động người đọc, năm 2024, nhà thơ Trần Vạn Giã ra mắt tập thơ “Gió ơi chầm chậm”. Đây là tập thơ thứ 21 của ông, cho thấy sự sung sức của một nhà thơ dẫu đang bước qua tuổi 80.

Gặp ông ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, nói chuyện nhỏ nhẹ như thấu hiểu hết mọi điều của cõi nhân sinh, ông nói: “In thơ để lưu lại, cũng như vội vàng cùng với thế gian này”. Ông cũng rất kén chọn tặng thơ, vì theo ông, sách tặng phải được trân quý, lựa người trân quý thơ mà tặng.

“Gió ơi chầm chậm” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2024, dày hơn 100 trang với 2 phần: Lục bát và thơ tự do. Vẫn là những bài thơ đẹp như muốn cho độc giả đọc cho hết tận cùng những vầng thơ trút lòng. Đây cũng là tập thơ ông dành đến 18 trang đầu tiên để cảm ơn trong quãng đời thơ đã được các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu viết bài, gởi thư và đồng cảm. Trong thế gian mù mưa này, những người ông cảm ơn một số đã thênh thang nơi cõi khác như họa sĩ Thanh Hồ, nhà thơ Giang Nam…

Từng gặp một sự cố tai biến, sau qua hoạn nạn, như tỉnh thức cùng thế gian, nhà thơ Trần Vạn Giã yêu cuộc đời, yêu quê hương, yêu từng hơi thở và yêu tất cả. Vì thế, thơ của ông chân chất: “Chiều nay trở lại nơi này/Mà thương da diết đường cày ruộng quê/Mà thương khói rạ bay về/Có trong hồn đất lời thề cố hương” (Nhớ ơi khói rạ). Chỉ là khói rạ mà lay hồn, mấy ai như Trần Vạn Giã rung động với quê hương như thế.

Thơ lục bát, như ai đã nói, phải rung động tuyệt vời, phải giỏi ngôn từ để chỉ là nhịp điệu 6/8 nhưng hòa vào trái tim người đọc nỗi lòng người làm thơ. Lục bát của Trần Vạn Giã thực sự thành thương hiệu, cả 50 năm làm thơ, ông đã để lại trong cõi văn chương biết bao bài thơ hay. Như một chiều mưa: “Chiều mưa còn bóng và tôi/Quanh đi quẩn lại chỗ ngồi ngày xưa/Giăng tơ con nhện đong đưa/Rượu tình đã cạn sao chưa khô lời”. Thơ hay, chắc chắn không lẫn với thơ ai, không so sánh với thơ ai khác. Hoặc: “Tôi chép lại những điều tôi đã mất/Những gì ai đã từng bỏ ra đi/Trái khế ngọt đang giao mùa đã rụng/Bẹ cau khô từng vắt nắng sau nhà” (Chép lại). Chỉ là trái khế, bẹ cau mà hình tượng đến vô cùng… Gió sẽ chầm chậm qua để Trần Vạn Giã còn tiếp tục làm thơ.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202409/tran-van-gia-va-gio-oi-cham-cham-8bd7e50/