Trấn Yên vướng mắc trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Mặc dù đã tập trung sự quan tâm nhưng đến nay, tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân vốn sự nghiệp thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn huyện Trấn Yên còn chậm và chưa đáp ứng yêu cầu do một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Năm 2023, Trấn Yên phấn đấu giảm 0,72% hộ nghèo, tương đương 172 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn lại là 1,8%.

Năm 2023, Trấn Yên phấn đấu giảm 0,72% hộ nghèo, tương đương 172 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn lại là 1,8%.

Đến nay, trong tổng số trên 26 tỷ đồng kế hoạch vốn sự nghiệp từ ngân sách Trung ương tỉnh giao thực hiện các chương trình MTQG năm 2022 và 2023, huyện Trấn Yên đã giao chi tiết trên 19 tỷ đồng cho các đơn vị, UBND các xã thực hiện. Còn lại trên 7 tỷ đồng, Trấn Yên chưa thể phân bổ chi tiết cho các cơ quan, đơn vị.

Nguyên do, theo ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Trấn Yên, tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân vốn sự nghiệp thuộc các chương trình MTQG trên địa bàn huyện còn chậm và chưa đáp ứng được yêu cầu do một số khó khăn, vướng mắc. Đó là, nội dung thực hiện của các chương trình MTQG rất đa dạng, có nhiều nội dung, hình thức triển khai mới và có nhiều cơ quan, đơn vị tham gia chủ trì, quản lý các dự án, tiểu dự án, nội dung thuộc các chương trình; một số nội dung lần đầu tiên triển khai thực hiện, do đó có sự lúng túng trong việc nghiên cứu, rà soát tổng hợp, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện.

Mặt khác, các văn bản hướng dẫn về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG; văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương ban hành chưa đồng bộ, một số văn bản chưa thống nhất về nội dung... dẫn tới phải sửa đổi, điều chỉnh bổ sung, nên việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ở địa phương gặp lúng túng và chậm tiến độ. Hơn nữa, năng lực chuyên môn của một số cán bộ cơ sở, đặc biệt là ở thôn, bản còn hạn chế, trong khi các chương trình MTQG gồm rất nhiều văn bản, nhiều quy địnhđòi hỏi cán bộ thực thi phải đọc, phải hiểu và nắm rõ.

Đơn cử, với chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Dự án 2 về da dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo hiện chưa có văn bản của cấp có thẩm quyền quy định về mẫu hồ sơ và hướng dẫn thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lĩnh vực phi nông nghiệp.

Hay với Tiểu dự án 1, thuộc Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn) có 2 nội dung hỗ trợ, trong đó, thứ nhất là đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên, đến nay đối tượng "người lao động có thu nhập thấp” vẫn chưa có văn bản quy định tiêu chí cụ thể, nên chưa xác định được đối tượng để đào tạo nghề.

Về đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn đang chờ văn bản của cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung đối tượng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên là đối tượng thụ hưởng kinh phí của chương trình.

Đến ngày 28/8/2023, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) miền núi mới giải ngân 153 triệu đồng, bằng 4% kế hoạch giao; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giải ngân trên 3 tỷ đồng, bằng 34,9% kế hoạch tỉnh giao. Dự kiến đến hết quý III năm 2023, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS miền núi giải ngân trên 1 tỷ đồng, bằng 32,1% kế hoạch; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giải ngân trên 4,5 tỷ đồng, bằng 42,9% kế hoạch và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đạt gần 2 tỷ đồng, bằng 16,1% kế hoạch.

Triển khai đúng tiến độ, kế hoạch các chương trình MTQG chính là đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực lớn được huy động từ ngân sách Nhà nước, các chương trình, dự án, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân để thực hiện mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, cấp thẩm quyền cần sớm ban hành hướng dẫn tiêu chí xác định "người lao động có thu nhập thấp" để cấp huyện triển khai rà soát và tổ chức thực hiện công tác đào tạo nghề cho nhóm đối tượng thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững…

"Cùng với kiến nghị Chính phủ bổ sung Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện thành đối tượng thụ hưởng của các dự án, tiểu dự án thành phần về phát triển giáo dục nghề nghiệp thuộc các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025; Bộ Y tế cũng hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ Tiêu chí quốc gia trong xây dựng nông thôn mới… Trấn Yên mong tỉnh, các sở, ngành của tỉnh sớm ban hành hướng dẫn thực hiện sản xuất kinh doanh, dịch vụ lĩnh vực phi nông nghiệp thuộc Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triền mô hình giảm nghèo, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững… để người dân sớm được thụ hưởng, góp phần xóa đói, giảm nghèo...” - ông Nguyễn Quang Trung cho biết.

Trên cơ sở kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2022 và mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2022-2025, năm 2023, Trấn Yên phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 0,72%, tương đương 172 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn lại là 1,8%; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo là 0,4%, tương đương 96 hộ cận nghèo thoát cận nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo còn lại là 2,64%.

Thành Trung

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/300079/tran-yen-vuong-mac-tr111ng-thuc-hien-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia.aspx