Trang bị kỹ năng cho thanh niên thế hệ xanh

16 đội Thanh niên xanh về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được thành lập tại các tỉnh, thành phố đã góp phần lan tỏa kiến thức về phát triển bền vững, an toàn trên mạng trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hành kỹ năng truyền thông và ứng dụng công nghệ số trong bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu...

Chiều 28/12, T.Ư Đoàn tổ chức tổng kết hoạt động 16 đội Thanh niên xanh về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu do tổ chức ActionAids và AFV tài trợ năm 2023 và định hướng hoạt động 2024.

Tham dự chương trình có anh Vũ Minh Thảo - Ủy viên Ban Chấp hành, Phó trưởng Ban Thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn; anh Nguyễn Thanh Hảo - Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương; chị Lê Hồng Nhung - Phó trưởng Ban Quốc tế T.Ư Đoàn. Cùng đại biểu đại diện tỉnh, thành Đoàn và 16 đội Thanh niên thế hệ xanh từ các tỉnh triển khai dự án.

 Anh Nguyễn Thanh Hảo phát biểu tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Anh Nguyễn Thanh Hảo phát biểu tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Dự án được thực hiện tại 16 tỉnh triển khai dự án, gồm: Ninh Bình, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Quảng Ninh, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Nghệ An, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Khánh Hòa.

Báo cáo tại chương trình, đại diện Trung tâm Thanh thiếu nhi Trung ương cho biết, từ chỉ đạo của Ban Bí thư T.Ư Đoàn, các tỉnh, thành Đoàn đã thành lập 16 đội Thanh niên xanh với 320 thành viên là cán bộ Đoàn, ĐVTN chủ chốt tại cơ sở.

Sau khóa tập huấn ngắn do trung ương tổ chức trong tháng 12/2023, hơn 30 thành viên nòng cốt đã tổ chức các khóa tập huấn lại cho 270 thành viên của đội tình nguyện viên “Thanh niên thế hệ xanh” tại 16 tỉnh, thành triển khai dự án.

Qua đó, cung cấp thông tin cơ bản về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, kế hoạch, chương trình của Đoàn về môi trường và biến đổi khí hậu; kiến thức về phát triển bền vững, an toàn trên mạng trong bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu; thực hành kỹ năng truyền thông và ứng dụng công nghệ số trong bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu...

Theo đánh giá chung, dù mới được triển khai trong tháng 12/2023, nhưng chương trình đã tạo hiệu ứng xã hội, có tính lan tỏa, bền vững; nhận được sự tham gia đầy đủ, có trách nhiệm của thanh niên, của cộng đồng. Qua đó, góp phần từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

 TS. Trần Văn Miều phát biểu ý kiến. Ảnh: Xuân Tùng

TS. Trần Văn Miều phát biểu ý kiến. Ảnh: Xuân Tùng

 Anh Vũ Minh Thảo phát biểu tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Anh Vũ Minh Thảo phát biểu tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Tại chương trình tổng kết, đại diện các tỉnh, thành Đoàn tham gia dự án đã đề xuất triển khai các hoạt động trong năm 2024, như: Tiếp tục hỗ trợ triển khai mô hình biến rác thải hữu cơ thành phân bón; chia sẻ cách làm hay, mô hình hiệu quả trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu để các địa phương cùng tham khảo, học tập.

TS. Trần Văn Miều - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam mong muốn, thanh niên xung kích đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lan tỏa thông điệp và các giải pháp thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc thiết kế các hoạt động tuyên truyền cần phát huy được tính hoạt náo và phổ biến các kỹ năng, thông tin.

Phát biểu kết luận, anh Nguyễn Thanh Hảo mong muốn trong thời gian tới, các đội Thanh niên xanh cần xây dựng, triển khai các chương trình hoạt động phù hợp với thực tiễn địa phương. Đồng thời, ghi nhận các ý kiến đề xuất, góp ý như: tiếp tục hỗ trợ các đội trong hoạt động truyền thông; triển khai mô hình, tài liệu giới thiệu các kỹ năng bảo vệ môi trường của thanh niên - cẩm nang tổ chức các hoạt động môi trường...

Anh Vũ Minh Thảo thông tin định hướng các hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của tổ chức Đoàn trong năm 2024.

Theo anh Thảo, các tỉnh, thành Đoàn quan tâm nghiên cứu, phát huy các cách làm hay, mô hình hiệu quả để triển khai việc tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện phân loại rác tại nguồn; trồng và bảo vệ cây xanh; phòng, chống rác thải nhựa; tham gia xử lý rác thải, trong đó trọng tâm là xử lý rác thải dân sinh, biến rác thành tài nguyên…

Xuân Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/trang-bi-ky-nang-cho-thanh-nien-the-he-xanh-post1599931.tpo